Đã thâu tóm xong Vocarimex, KIDO có thể đạt doanh thu gấp đôi thời làm bánh kẹo

23/05/2017 09:08 AM | Kinh doanh

Vừa kết thúc mua thành công 65% cổ phần của CTCP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC) hồi cuối năm 2016, Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) mới có thông báo đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam - Vocarimex (UpCom: VOC) lên 51%.

Để hoàn thành mục tiêu đưa Vocarimex trở thành công ty con, KIDO đã mất đúng 3 năm theo đuổi để từ đó chính thức xác lập một vị thế lớn trên thị trường dầu ăn nội địa có quy mô lên đến hơn 30.000 tỷ đồng và mạng lưới bán hàng rộng lớn.

Hiện Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam - Vocarimex đang sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thị trường dầu ăn hiện nay trong đó có 25% tại Cái Lân (Calofic), 27% tại Tường An, 49% tại Golden Hope Nhà Bè và 17,8% tại Dầu Thực Vật Tân Bình (Nakydaco) với doanh số 4.156 tỷ đồng trong năm 2016.

Với việc hoàn tất nâng sở hữu Vocarimex lên 51% thì kể từ quý III/2017, hoạt động kinh doanh của VOC sẽ được hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn KIDO.

Sau hợp nhất, quy mô doanh số riêng mảng dầu của KIDO dự kiến sẽ được bổ sung thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng/năm so với con số của năm 2016. Cùng với hoạt động của Công ty CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF), doanh thu của KIDO có thể lên đến con số chục nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với doanh số của KIDO trước khi chuyển nhượng mảng kinh doanh bánh kẹo năm 2014.

Riêng năm 2017, doanh số KIDO chủ yếu sẽ bao gồm doanh số của 2 quý còn lại của VOC cùng với doanh số năm 2017 của Tường An và KDF khoảng gần 1.400 tỷ đồng năm 2016. Dựa theo con số năm 2016, ước tính con số này có thể đạt khoảng 7.500 tỷ đồng.

Rõ ràng, KIDO không hề che đậy tham vọng chi phối thị trường dầu ăn của mình khi công khai thâu tóm Vocarimex. Dù vậy, vấn đề còn lại đối với một doanh nghiệp niêm yết như KIDO là hiệu quả sinh lời trên mỗi đồng doanh thu. Đó là điều mà nhà đầu tư và các cổ đông quan tâm nhất.

KIDO dù đang rất thành công với mảng kem có biên lợi nhuận gộp lên đến 54%. Tuy nhiên, mảng kem của Tập đoàn có quy mô doanh số nhỏ. Do đó, KIDO cũng đã thể hiện tham vọng khi tuyên bố mở rộng thị trường thực phẩm đông lạnh và cải thiện biên lợi nhuận của mảng dầu ăn mới có thể nâng cao hiệu quả lợi nhuận của cả tập đoàn.

Từ 2016 trở về trước, biên lợi nhuận của mảng dầu của TAC và VOC vẫn khá thấp so với so với công ty cùng ngành. Điều này theo CEO KIDO - Ông Trần Lệ Nguyên từng chia sẻ rằng, điều mà KIDO ngại nhất khi thực hiện đầu tư vào một doanh nghiệp chính là quy mô doanh số không đủ lớn. Còn về việc hiệu quả đang còn thấp ngược lại chính là cơ hội để KIDO thể hiện năng lực của mình trong quá hình “hậu M&A” tạo thêm giá trị gia tăng dựa vào những thế mạnh của Tập đoàn đó chính là lợi thế về kênh phân phối và lợi thế quy mô.

Báo cáo tài chính quý I/2017 của Tường An cho thấy, biên lãi gộp của TAC đã có sự cải thiện lên mức 11,3% so với con số 10% cùng kỳ năm trước qua đó giúp lợi nhuận tăng thêm 53%, đạt mức 31,8 tỷ đồng.

Điều đó phần nào cho thấy KIDO đang góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho DN dựa vào năng kinh nghiệm, năng lực quản trị cùng với hệ thống điểm phân phối ngày càng được mở rộng. Với sự tích hợp từ những giá trị mà KIDO đang có, kỳ vọng đối với khoản lợi nhuận từ Vocarimex là hoàn toàn có thể.

Vần phần mình, KIDO vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi sau khi bán đứt mảng bánh kẹo. Trong đó, khoản đầu tư lớn vào ngành dầu như TAC và VOC đóng vai trò như là một chiếc bàn đạp. Nếu lợi nhuận của VOC và TAC càng được cải thiện, KIDO sẽ càng có thêm nguồn lực cũng như sự tín nhiệm của các cổ đông và nhà đầu tư.

Theo Hoàng Trung

Cùng chuyên mục
XEM