Đã qua thời kỳ "cho không" ODA

04/10/2018 16:15 PM | Xã hội

Việc kiểm soát chặt ODA là không thể chậm trễ thêm khi mà tình trạng tổng nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua gây quan ngại lớn về những rủi ro kinh tế ...

Trong thời gian dài, nhiều địa phương "lầm tưởng" hoặc cố tình "lầm tưởng" ODA là vốn "cho không", nên tiêu xài khá phung phí. Điều này sẽ phải chấm dứt khi Chính phủ vừa ban hành một nghị định mà trong đó, chính thức kiểm soát chi ODA như đối với chi ngân sách nhà nước.

Nghị định của Chính phủ nêu rõ, việc kiểm soát và thanh toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi, hay còn gọi là kiểm soát chi áp dụng theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của hai loại dự án.

Loại dự án thứ nhất là dự án hoặc hợp phần dự án được ngân sách nhà nước cấp phát; loại thứ hai là dự án áp dụng cơ chế cấp phát một phần, vay lại một phần theo tỷ lệ và dự án vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế vay lại toàn bộ. Đối với các chương trình, dự án khác chưa được xác định theo các loại dự án trên, thì Bộ Tài chính xác định cơ quan kiểm soát chi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc không có hai cơ quan kiểm soát chi cùng kiểm soát một hoạt động chi tiêu của dự án.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào kỳ họp cuối năm ngoái, đại biểu Quốc hội truy vấn kịch liệt cả Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vì vấn đề "ODA đã ngoài tầm kiểm soát", như khẳng định của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).

Còn đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) dẫn ra thực tế qua giám sát là không ít dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư lò mổ tập trung ở địa phương, dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy, không hoạt động nhưng vẫn tiếp tục vay để đầu tư giai đoạn 2... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận đã ký vượt so với số vay ODA 300 nghìn tỷ Quốc hội cho phép trong kế hoạch trung hạn.

Lập lại 'trật tự" nguồn vốn ODA

Trong một báo cáo gửi đến Thủ tướng cách đây một tháng báo cáo về tình hình nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nêu lên một loạt giải pháp để lập lại "trật tự" cho nguồn vốn này.

Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và các ban quản lý dự án tăng cường quản lý, giám sát, theo dõi từ khâu đề xuất, báo cáo khả thi đến khâu triển khai, thực hiện dự án. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong giải quyết các vướng mắc cho từng dự án cụ thể cần sự phối hợp liên ngành, vượt quá thẩm quyền của bộ, ngành và địa phương. Hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tăng sự chủ động, tính kịp thời, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý vốn.

Hiện, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các qui định nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách như ấn định các mức trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, nghĩa vụ trả nợ quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016-2020...

Việc kiểm soát chặt ODA là không thể chậm trễ thêm khi mà tình trạng tổng nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua gây ra quan ngại lớn về những rủi ro kinh tế khi vay nợ quá mức. Cùng với đó, việc trở thành nước có thu nhập trung bình, khả năng tiếp cận vốn vay nước ngoài ưu đãi của Việt Nam giảm dần và sẽ sớm chấm dứt, dẫn đến lãi suất trung bình của nợ công trong trung hạn tăng lên.

Vung tay quá trán

"Vung tay quá trán" là hiện tượng thường thấy ở các dự án ODA. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị. Quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án do phải tiến hành thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị đều xảy ra tình trạng trên.

Danh sách dài các dự án được bộ này chỉ đích danh gồm: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568,684 tỷ đồng; dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.387,6 tỷ đồng lên 47.325,2 tỷ đồng; dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành -Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603,707 tỷ đồng; dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 47.325,2 tỷ đồng; dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR. Tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 của Tp.HCM và Tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) của Tp. Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh dự án.

Theo Linh Tâm

Cùng chuyên mục
XEM