Đã đến thời các nữ phi công “cất cánh”

06/04/2016 21:21 PM | Xã hội

Sự khan hiếm phi công trong bối cảnh ngành hàng không ngày càng "nở nồi" sẽ buộc thế giới phải xóa bỏ sự phân biệt giới tính, chủng tộc trong lĩnh vực này. Lịch sử ngành hàng không sẽ thay đổi - các ​nữ phi công sẽ được trọng dụng.

Nữ phi công người Đài Loan Sophia Kuo, 35 tuổi nói rằng cô vẫn nghe thấy những tiếng rầm rì khi đi bộ qua sân bay quốc tế trong bộ trang phục của EVA Airways Corp: “Ồ, đó là nữ phi công”, “Làm sao cô ấy có thể lái máy bay?”, “Cô ấy phải thông minh lắm!”.

Đã hơn 8 thập kỷ kể từ khi Amelia Earhart - nữ phi công đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương năm 1932, việc một nữ phi công như Kou điều khiển một chiếc máy bay như Boeing 747 vẫn được xem như một kỳ tích.

Nữ phi công trên toàn cầu chỉ chiếm 5%, và rất hiếm hoi trong số đó là cơ trưởng, theo Liz Jennings Clark – Chủ tịch Hiệp hội Nữ Phi công Quốc tế (International Society of Women Airline Pilots).

Ngày nay, các hãng hàng không đang phải cân đối quy mô nhân sự bởi nhu cầu đi lại đang gia tăng mạnh mẽ ở châu Á trong tình trạng thiếu phi công trầm trọng. Khu vực này có 100 triệu hành khách/năm, theo Sherry Carbary – Phó chủ tịch dịch vụ bay Boeing Co., đơn vị đào tạo phi công mới cho các hãng hàng không.

Để đáp ứng nhu cầu bay cho tầng lớp trung lưu mới, châu Á cần 226.000 phi công trong 2 thập niên tới, Boeing cho biết.

“Chính nhu cầu phi công tăng quá mạnh sẽ xóa bỏ sự phân biệt giới tính trong ngành nghề này”, Carbary nhận định.

Phân biệt giới tính làm khan hiếm phi công

Việc đào tạo phi công mất không ít thời gian để trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vận hành máy bay dân dụng. Hầu hết các hãng hàng không lớn đòi hỏi cơ trưởng phải có 3.000 giờ bay, hay có nhiều kinh nghiệm trong các chuyến bay thương mại, không bao gồm thời gian bay khi đang thực hiện chương trình học.

“Tìm được một tổ bay có khả năng không dễ dàng”, Richard Yeh khẳng định. Ông là người giám sát đào tạo phi công tại Eva Air – nơi đã đào tạo 100 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu nhân sự của các hãng hàng không. “Chúng tôi phải cố gắng tìm nhiều những phi công như Sophia”, Yeh cho biết.

Sự khan hiếm đã dẫn đến tình trạng một số trường dạy bay bắt đầu có những “đường tắt” trong giáo dục hay cấp giấy phép cho phi công trước khi các học viên hoàn tất số giờ bay tối thiểu. Một vụ kiện tại Ấn Độ năm 2015 cáo buộc một trường đào tạo đã cấp giấy chứng nhận cho phi công chỉ vừa mới bay… 35 phút.

Vietnam Airlines, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association) sẽ là 1 trong 10 hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khi việc di chuyển bằng tàu bay đã dần trở nên quen thuộc hơn với người dân Việt Nam.

Thế nhưng, châu Á không phải nơi duy nhất phải gấp rút tìm kiếm và đào tạo hàng ngàn phi công mới. 7 trong số 10 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất về tỷ trọng là ở châu Phi. Trên toàn cầu, số lượng khách hàng không sẽ tăng gấp đôi, lên đến 7 tỷ hành khách vào năm 2034, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association).

Trong bối cảnh đó, nghề phi công gần như vẫn là sân chơi riêng của cánh mày râu.

“Một số hãng hàng không châu Á thậm chí không xem xét đến việc tuyển nữ phi công”, hiệu trưởng Malaysia Sdn Bhd nói. Trong khi đó, có những hãng bay cấm thiết lập tổ bay có người khác giới bởi các phi công phải chia sẻ giường để nghỉ ngơi trong những chuyến bay dài.

Ngay tại những trường đào tạo uy tín tại châu Á, số lượng nữ học viên còn khá thấp, chiếm chưa đến 10% trong số 200 học viên tại Học viện bay Malaysia Sdn Bhd, theo Hiệu trưởng Stephen Terry. Học phí cho 2 năm học phi công tại đây là 77.000 USD.

Sự mất cân bằng giới tính trong nghề phi công một phần xuất phát từ quan niệm truyền thống, người đàn ông sẽ đảm nhận trọng trách, làm những việc “tiền phương” trong khi phụ nữ ở “hậu phương” sẽ làm các công việc phục vụ đồ uống, thức ăn…

Mireille Goyer, nhà sáng lập Vancouver – trường đào tạo hàng không cho phụ nữ cho rằng xã hội đã có quá ít hành động khuyến khích phụ nữ tìm kiếm sự nghiệp trong buồng lái. Thái độ đó đã khiến nghề phi công gần như là sân chơi dành riêng cho nam giới và hạn chế rất nhiều phi công tiềm năng.

EasyJet Plc của nước Anh đã lập một học bổng dành cho đào tạo nữ phi công. Đồng thời hãng này cũng sử dụng hình ảnh nữ phi công trên thông báo tuyển dụng ở website chính thức của hãng. Trong khi đó, EVA Air có khoảng 50/1.200 phi công là nữ - đã tuyển dụng được từ những trường đại học ở Đài Loan, với hình ảnh đại diện là nữ phi công Kuo.

Để hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để có giấy phép trở thành cơ trưởng, bạn phải nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh thông thạo, có hàng ngàn giờ bay, không có tiền án hay tiền sử lạm dụng rượu và đáp ứng một danh sách dài các tiêu chuẩn y tế khắt khe, bao gồm cả vấn đề mù màu hay tiểu đường mà đòi hỏi bạn phải dùng thuốc. Lý tưởng nhất, bạn cần là người không dễ dàng hoảng sợ với bất cứ thứ gì.

“Những năng khiếu và khả năng bẩm sinh của một phi công rất hiếm có, và không phân biệt giới tính, chủng tộc”, Goyer nói, “Tự ý hạn chế những người có thể trở thành phi công khi nghề này gần như chỉ dành riêng cho đàn ông da trắng đã bóp nghẹt tăng trưởng và dẫn đến khan hiếm phi công như hiện nay. Bây giờ, chúng ta đã có động lực và áp lực để thay đổi điều đó”.

Vượt qua rào cản tâm lý khó hơn tiêu chuẩn kỹ thuật

Đối với phụ nữ, ngoài những rào cản từ xã hội và đồng nghiệp, họ còn phải đối diện với sự phản đối hay thiếu hỗ trợ từ gia đình.

“Thời gian bay của một phụ nữ có thể bị giới hạn bởi họ cần thời gian nghỉ thai sản và chăm sóc con cái”, Lưu Hoàng Minh – Đại diện phụ trách đội bay của Vietnam Airlines cho biết. Ông cũng cho biết, hãng đã có những sắp xếp lịch trình để hỗ trợ phụ nữ làm việc trong phi hành đoàn. Hiện, Vietnam Airlines có 11 nữ phi công trong tổng số 1.058 phi công, dự kiến phục vụ 19,2 triệu khách trong năm 2016, tăng 2 triệu khách so với 2015.


Nữ phi công Huỳnh Lý Đông Phương của Vietnam Airlines. Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích/Bloomberg.

Nữ phi công Huỳnh Lý Đông Phương của Vietnam Airlines. Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích/Bloomberg.

Tại châu Á, nơi phụ nữ phải chịu áp đặt nhiều giá trị truyền thống, việc trở thành phi công càng gặp nhiều khó khăn.

“Vượt qua rào cản truyền thống thậm chí còn khó hơn việc vượt qua các tiêu chuẩn trở thành phi công”, Kit Darby - cựu cơ trưởng của United Continental Holdings Inc., hiện đang làm việc như một nhà tư vấn của hãng bình luận trên Bloomberg. "Là một phi công thương mại vẫn được xem là trò chơi chỉ dành cho đàn ông”, ông nói.

Nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Phương Đông của Vietnam Airlines nói rằng ban đầu mẹ cô rất miễn cưỡng chấp nhận lựa chọn nghề nghiệp của cô và cho đến tận bây giờ, cô vẫn nhận thấy đôi khi bị phân biệt đối xử so với các đồng nghiệp nam.

“Khó khăn lớn nhất của tôi là khiến mọi người chấp nhận thực tế rằng trước hết tôi là một phi công, sau đó mới là một phụ nữ”, cô viết trong email gửi cho Bloomberg.

Theo TĂNG KHÁNH

Cùng chuyên mục
XEM