Đã đến lúc bước vào trật tự thế giới mới?

10/01/2017 09:00 AM | Xã hội

Thời của toàn cầu hóa đã hết, liệu có phải chủ nghĩa bảo hộ và các cuộc xung đột sẽ định hình trang tiếp theo của lịch sử thế giới?

Không phải là con người không học được gì từ lịch sử. Câu trả lời là có, nhưng dường như những bài học ấy nhanh chóng bị lãng quên. Chưa đầy 1 thế kỷ sau các cuộc thế chiến đẫm máu đẩy thế giới vào giai đoạn tăm tối 1914 – 1945, chúng ta lại một lần nữa sống trong thời đại mà chủ nghĩa dân tộc và phong trào bài ngoại lên ngôi. Hi vọng về một trận tự thế giới mới dân chủ, hòa hợp và tiến bộ được nuôi dưỡng bởi chính sách mở cửa của một loạt quốc gia dường như đang dần phai nhạt.

Điều gì sẽ xảy ra với thế giới khi mà kể từ ngày 20/1 tới, Mỹ - nước đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới thời hậu chiến – sẽ được điều hành bởi một vị Tổng thống cự tuyệt với các đồng minh lâu năm, luôn ấp ủ chủ nghĩa bảo hộ? Điều gì sẽ xảy ra đối với một châu Âu méo mó vẫn chưa hoàn hồn sau Brexit giờ lại phải đối mặt với một loạt cuộc bầu cử trong bối cảnh các đảng dân túy đang mạnh lên trông thấy?

Và thế giới sẽ ra sao khi Nga và Trung Quốc – hai nước đi theo con đường ngược lại với Mỹ và có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ - đang cố gắng gia tăng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg.

Hệ thống kinh tế và chính trị thế giới hiện nay được xậy dựng trên cơ sở là những phản ứng trước các sự kiện xảy ra trong nửa đầu của thế kỷ 20. Tiến trình công nghiệp hóa mang lại những thành tựu kinh tế to lớn nhưng cũng tạo ra nhiều chuyển biến trong xã hội, gây nên xung đột giữa các tầng lớp xã hội, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc.

Mỹ đã học được nhiều điều từ những lỗi lầm mà các nước đi trước mắc phải. Sau hai cuộc thế chiến, Mỹ - lúc đó là nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới và cũng có tiềm lực quân sự mạnh nhất – sử dụng không chỉ của cải mà còn cả hình mẫu chính phủ của mình để hình thành, truyền cảm hứng và trở thành trụ cột của một phương Tây hoàn toàn mới.

Về nội địa, các nước phương Tây mới nổi lên sau thế chiến thứ hai với một cam kết về việc làm và phúc lợi xã hội. Về quan hệ quốc tế, một nhóm định chế mới ra đời để kiến thiết lại châu Âu và thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Đó là Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới World Bank, tiền thân của Tổ chức thương mại thế giới WTO và Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD.

Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949. Hiệp ước Rome đặt nền móng cho Cộng đồng kinh tế châu Âu là tiền thân của Liên minh châu Âu được ký năm 1957.

Dù những tổ chức này ra đời với mục đích đối phó lại những áp lực đang đe dọa phương Tây (mà đặc biệt là khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và mối đe dọa từ Liên Xô), chúng là đại diện cho tầm nhìn về một thế giới hợp tác.

Từ sự hào hứng đến nỗi thất vọng

Về kinh tế, thời kỳ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay có thể chia thành 2 giai đoạn: thời kỳ Keynes (gắn liền với sự phát triển vượt bậc của kinh tế châu Âu và Nhật Bản) và thời kỳ toàn cầu hóa nở rộ (bắt đầu từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách mở cửa kinh tế Trung Quốc vào năm 1978, sau đó là sự kiện Margaret Thatcher và Ronald Reagan thắng cử ở Anh và Mỹ).

Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại một hội nghị ở Pháp năm 1982. Ảnh: AP.
Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại một hội nghị ở Pháp năm 1982. Ảnh: AP.

Giai đoạn này được đánh dấu bởi nhiều sự kiện: vòng đàm phán Urugay năm 1994 để WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc vào WTO năm 2001 và sự mở rộng của EU.

Thời kỳ đầu tiên chấm dứt vào những năm 1970, khi lạm phát của thế giới tăng vọt. Giai đoạn thứ hai kết thúc khi khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2007. Giai đoạn thứ nhất, lạm phát là mối đe dọa còn giảm phát là thứ đang đe dọa thế giới hiện nay.

Về mặt địa chính trị, thời kỳ từ sau thế chiến thứ hai đến nay có thể chia thành 2 đoạn: chiến tranh lạnh (kết thúc khi Liên Xô tan rã năm 1991), và thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Nga thất bại và phương Tây hoan hỉ mừng chiến thắng. Ngày nay, chính phương Tây đang đối mặt với những nỗi thất vọng về cả kinh tế và chính trị.

Trung Đông đang khủng hoảng. Dòng người nhập cư khổng lồ đe dọa sự ổn định của châu Âu. Nước Nga của Putin và Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng quyết đoán và có những động thái “phủ đầu” phương Tây.

Sự đảo chiều này không có gì bất ngờ. Đó là kết quả từ sự bùng nổ kinh tế ở bên ngoài phương Tây, đặc biệt là những nước lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự giận dữ dâng trào

Tất nhiên lỗi của phương Tây không hề nhỏ, đặc biệt là quyết định lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein sau vụ khủng bố 11/9 và đứng sau phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Đông. Ở cả Anh và Mỹ, chiến tranh Iraq được nhìn nhận là một sai lầm lịch sử kéo theo thảm họa.

Các nền kinh tế phương Tây cũng bị ảnh hưởng (theo rất nhiều cấp độ khác nhau) bởi tăng trưởng kinh tế suy giảm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, thất nghiệp tăng (đặc biệt là ở Nam Âu), dân số già hóa. Người lao động bình dân tay nghề thấp là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đi kèm với đó là sự giận dữ trước dòng người nhập cư được cho là đã cướp mất việc làm và phúc lợi xã hội của họ.

Những sự thay đổi này là hệ quả tất yếu và khó tránh khỏi, là mặt tối của phát triển kinh tế.

Cách xử lý khủng hoảng không khéo léo của các Chính phủ làm xói mòn niềm tin của công chúng. Trong khi những người dân thường mất đi nhà cửa và việc làm, các Chính phủ phương Tây lại dùng tiền thuế của dân để giải cứu hệ thống tài chính.

Cuối cùng, những cuộc khủng hoảng phá hủy niềm tin vào năng lực của giới tinh hoa, của những nhà hoạch định chính sách điều hành hệ thống tài chính và nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 ập đến trong con mắt ngạc nhiên của tất cả mọi người.

Giờ đây câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có bước vào vòng xoáy xung đột như nửa đầu của thế kỷ 20, với mọi thành tựu toàn cầu hóa bị xóa sạch hay không? Hay chờ đón chúng ta sẽ là một thời kỳ mới mà trong đó những nước lớn đến từ phương Đông (như Trung Quốc và Ấn Độ) đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì một thế giới hòa bình hợp tác?

Tự do thương mại và sự thịnh vượng

Câu trả lời sẽ được quyết định phần nhiều bởi các nước phương Tây. Kể cả ở thời điểm hiện tại, sau một thời kỳ dài tăng trưởng chậm, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn đóng góp hơn một nửa GDP thế giới (theo giá thị trường) và 36% nếu tính theo ngang giá sức mua.

Phương Tây cũng là “nhà” của những công ty quan trọng nhất và tân tiến nhất của thế giới, là nơi có những thị trường tài chính phát triển bậc nhất, nơi đóng đô của các trường đại học danh giá nhất và những nền văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh nhất.

Nước Mỹ đã duy trì vị trí là đất nước hùng mạnh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên khả năng ảnh hưởng đến thế giới của Mỹ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ mạng lưới đồng minh. Và Trump thì đang đe dọa sẽ quay ngoắt thái độ với một số đồng minh lâu năm.

Trong bối cảnh ấy, vấn đề quan trọng nhất đối với phương Tây là họ phải giải quyết được những khó khăn trong nước. Tăng trưởng chậm và già hóa dân số đang gây áp lực lên chi tiêu công. Với một nền kinh tế yếu ớt và thị trường lao động có nhiều lỗ hổng, không thể tạo ra hạnh phúc cho tất cả mọi người mà thay vào đó là cảnh lấy của người này chia cho người kia.

Ở đây có hai nhân tố cần lưu ý.

Đầu tiên, sau chiến tranh thế giới thứ hai là thời kỳ rất thịnh vượng. Thu nhập thực bình quân đầu người của toàn thế giới tăng trưởng tới 460% trong giai đoạn 1950 - 2015. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ mức 72% của năm 1950 xuống còn 10% trong năm 2015.

Thứ hai, thương mại không phải là nguyên nhân chính khiến số việc làm ở Mỹ giảm xuống, mặc dù đúng là thâm hụt thương mại tăng tác động rõ nét đến ngành sản xuất của nước này. Nhưng công nghệ mới là nguyên nhân chính khiến nhiều việc làm trong ngành sản xuất bị cắt giảm.Tương tự, thương mại cũng không phải là nguyên nhân chính gây nên chênh lệch giàu nghèo.

Các lãnh đạo phương Tây đã tìm ra cách tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong khi Anh mơ hồ về con đường sau khi thoát khỏi Brexit, eurozone vẫn rất mong manh và nhiều khả năng ông Trump sẽ quyết định cắt giảm nhiều phúc lợi mà người Mỹ đang được hưởng.

Một phương Tây chia rẽ, hướng nội và thiếu đi sự lãnh đạo sáng suốt sẽ rất dễ chòng chành. Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để tiến lên. Nhưng liệu Trung Quốc có thể vươn lên khi mà bản thân cũng đang phải đối mặt với quá nhiều rắc rối lớn ở trong nước vẫn là một câu hỏi mở.

Nếu liên tiếp phạm sai lầm, cuối cùng thì phương Tây sẽ tự mình phá hủy những "trụ cột" mà trật tự thế giới hiện tại đang dựa vào. Những bài học lịch sử không hề bị lãng quên, nhưng vượt qua vết xe đổ không phải là điều dễ dàng.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM