Cựu CEO một DN FDI tại Việt Nam: Dù tòa xử Vinasun thắng kiện cũng không nói lên chuyện hành lang pháp lý VN có hay không có thiện chí với CMCN 4.0!

26/10/2018 08:17 AM | Kinh doanh

Một doanh nhân từng có 10 năm kinh nghiệm đảm nhận vị trí CEO tại các tập đoàn công nghệ lớn mới đây đã chia sẻ một góc nhìn khác quanh vụ kiện giữa taxi truyền thống Vinasun và taxi công nghệ Grab.

Ngày 23/10 vừa qua, trong phiên tòa xét xử vụ kiện giữa CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab), Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Sau đề nghị này, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng cách hành xử của cơ quan chức năng đang đi thụt lùi với sự tiến bộ công nghệ, đặc biệt là khi đất nước đang tiến vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cựu CEO một DN FDI tại Việt Nam: Dù tòa xử Vinasun thắng kiện cũng không nói lên chuyện hành lang pháp lý VN có hay không có thiện chí với CMCN 4.0! - Ảnh 1.

Giám đốc Grab tại Việt Nam Jerry Lim.

Trao đổi với Trí thức trẻ mới đây, lãnh đạo của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam (đề nghị giấu tên), người có hơn 10 năm đảm nhận vị trí CEO tại các tập đoàn công nghệ đã chia sẻ một góc nhìn khác.

Dù 4.0 hay 0.4, Nhà nước thấy có lợi thì mới ủng hộ 

Xét về mặt quy định quản lý của nhà nước, có thể quy kết rằng đề nghị Grab bồi thường Vinasun và việc coi Grab là doanh nghiệp vận tải taxi, là đang "trói buộc" những mô hình kinh doanh mới, đi ngược lại với xu hướng hay không?

Trả lời chúng tôi, vị sếp trên cho rằng đề nghị trên của Viện kiểm sát không nói lên được rằng hàng lang pháp lý của nước ta có hay không có thiện chí với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Grab, Uber ở tất cả các nước khác đều bị vậy. Đó là chuyện bình thường"

"Grab, Uber ở tất cả các nước khác đều bị vậy. Đó là chuyện bình thường", vị này nhận định. 

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của một tập đoàn công nghệ, vị này đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa công ty công nghệ như Grab với hành lang chính sách của một đất nước, ông cho rằng đây là "cuộc trao đổi giữa mất và được".

"Khi bạn đi bán hàng, tại sao người ta phải bỏ tiền ra mua hàng của bạn? Mất tiền nhưng được cái 'ngon' hơn. Rõ ràng đó là cuộc trao đổi giữa mất và được. Và tất cả các doanh nghiệp nào làm việc với hành lang pháp lý hay chính sách… đều phải vậy. Chứ bây giờ cái 'mất' nhiều hơn cái 'được' thì tôi đâu cho anh làm đâu?"

Tức, sự xuất hiện một mô hình kinh doanh mới như Grab - dù có thuộc xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, thì đối với cơ quan quản lý họ cũng cần xem xét về "được" và "mất" với người dân, môi trường kinh doanh và đất nước, thấy có lợi thì mới ủng hộ. 

Grab có vi phạm luật cạnh tranh?

Quay trở lại câu chuyện "được" và "mất" của Grab. Mới đây, Viện kiểm sát cho rằng Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, khiến hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ.

Chia sẻ trên Dân trí, ông Nguyễn Minh Đức (Ban pháp chế VCCI) bày tỏ: Một trong những hành vi bị cấm trong luật cạnh tranh là "bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh" (nôm na là bán phá giá).

"Thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho. Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang "bán phá giá" nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường chứ?" ông Đức nêu câu hỏi.

Ông Đức không kết luận Grab vi phạm luật cạnh tranh mà chỉ cho biết đây là một nội dung quan trọng cần làm rõ trong vụ việc. Tuy nhiên, nếu có vi phạm, dù Grab có doanh nghiệp 4.0 hay 0.4 thì cũng là gây ảnh hưởng đối với môi trường kinh doanh và ảnh hưởng đến những doanh nghiệp khác.

Nếu thực sự họ đang "bán phá giá" nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường chứ?

Bàn về câu chuyện hành lang pháp lý, vị lãnh đạo tập đoàn công nghệ nói trên cho rằng "giúp cơ quan quản lý phát triển được hành lang pháp lý đi theo kèm với mô hình kinh doanh mới" là nghĩa vụ của những doanh nghiệp công nghệ như Grab. 

"Những doanh nghiệp công nghệ phải cùng làm việc với nhà chức trách để có thể phát triển cái hệ thống hành lang pháp lý theo kịp công nghệ. Chứ không phải là mình cố gắng đi càng nhanh để hành lang pháp lý đi theo không kịp", ông nói.

"Mỗi đất nước có một quy định khác nhau mà như vậy khi bạn đi phá vỡ cái business của người khác thì phải hiểu là có rất nhiều những rào cản. Chắc chắc phải có sự phản kháng của những doanh nghiệp, và doanh nghiệp đó dựa trên những luật lệ hiện tại. Để họ hoạt động được tốt trên tất cả mọi lãnh thổ thì họ sẽ phải làm việc với nhà chức trách của từng nước".

Minh Phạm

Cùng chuyên mục
XEM