Cựu CEO McDonald's tiết lộ một thực tế đáng sợ cho nhân viên chuỗi đồ ăn nhanh

01/06/2016 08:48 AM | Kinh doanh

Cựu binh ngành công nghiệp thức ăn nhanh đang ra mặt chống lại việc tăng mức lương tối thiểu.

“Việc mua cánh tay robot giá 35.000 USD sẽ rẻ hơn thuê một nhân công đóng gói khoai tây chiên không năng suất với giá 15 USD/giờ. Thực sự thì vấn đề này sẽ gia tăng tỷ lệ mất việc trên cả nước,” Cựu CEO McDonald’s Mỹ Ed Rensi nói trong một buổi phỏng vấn chương trình ‘Mornings with Maria’ của Fox Business Network.

Theo Rensi, chi phí nhân công tăng đang buộc các công ty tìm cách cắt giảm những vị trí không cần kinh nghiệm, thay thế công nhân bằng máy móc. Hiện nay, Wendy's, McDonald's và Panera đang mở ra các kiosk trên khắp nước Mỹ, một phần do việc chi phí cho nhân công tăng.

Đây không phải lần đầu tiên Rensi , người từng là chủ tịch và CEO Mỹ từ 1991 đến 1997 lên tiếng phản đối về việc tăng mức lương tối thiểu.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng mức lương tối thiểu 15 USD không phải là dấu hiệu cho sự sụp đổ của thương hiệu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ mất đi hàng ngàn cơ hội việc làm không cần kinh nghiệm”, Rensi nói.

Rensi không phải là người duy nhất có quan điểm này.

“Việc chính phủ tăng chi phí nhân công sẽ làm giảm số lượng công việc. Bạn sẽ nhìn thấy những chiếc máy tự động không chỉ ở sân bay, cửa hàng tạp hóa mà còn trong nhà hàng,” Andy Puzder, CEO của Carl's Jr. and Hardee's nói.

Tuy vậy, vẫn có bằng chứng cho thấy mối lo ngại về vấn đề tăng tiền lương có thể đang bị thổi phồng.

Năm ngoái, khoản đầu tư của McDonald’s vào lương và đãi ngộ cho nhân viên đã tác động đáng kể đến dịch vụ khách hàng - một trong những phần khó giải quyết trong kinh doanh của McDonald’s. Theo CEO Steve Easterbrook, điểm số đánh giá sự hài lòng của khách hàng đã tăng 6% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu Rensi tin rằng tăng lương sẽ gây ảnh hưởng tới nhân viên không cần kinh nghiệm thì có vẻ như Easterbrook đang nhìn thấy lợi nhuận trong việc đầu tư của McDonald's vào nhân công.

Chi phí tăng có thể khiến nhiều chuỗi cửa hàng chuyển hướng đầu tư vào máy móc. Tuy vậy, điều này có thể khiến việc kinh doanh hiệu quả hơn và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM