Cuốn sổ "tạ ơn đời" của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh "người vượn chưa kịp tiến hóa"

16/10/2019 09:23 AM | Sống

Bên trong cuốn sổ "tạ ơn đời" mà anh vô tình đánh rơi, ghi chép đầy đủ, cả những người biết tên lẫn bất kể ai vu vơ qua đường từng giúp đỡ gia đình anh, từ bao thóc trị giá 400.000 đồng đến "chuyến đi không lấy tiền" của một hãng xe khách Hà Nội. Anh bẽn lẽn bảo: "Để sau này con lớn con biết ơn!".

Ông bố dân tộc địu con, ôm chặt đứa trẻ vào phòng khám. Anh đỏ mặt, ngượng nghịu khi vô tình đánh rơi cuốn sổ "tạ ơn đời" trong lúc lục ba lô lấy giấy tờ đưa cho bác sĩ.

Cuốn sổ bắt đầu được ghi từ ngày 26/8, bằng những nét chữ nghuệch ngoạc, sai lỗi chính tả. Ngoài bìa có đề: "Sổ ghi tiền ủng hộ", còn bên trong, anh ghi chép đầy đủ, cả những người biết tên lẫn bất kể ai vu vơ qua đường từng giúp đỡ gia đình mình, từ bao thóc trị giá 400.000 đồng đến "chuyến đi không lấy tiền" của một hãng xe khách Hà Nội.

Anh bẽn lẽn bảo: "Để sau này con lớn con biết ơn!".

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 1.

Anh Thắng bên đứa con trai bé bỏng chỉ mới 20 tháng tuổi.

Đứa bé 20 tháng tuổi bị ví von như "một người vượn chưa kịp tiến hoá"

Anh Trần Văn Thắng, 40 tuổi, là người dân tộc Tày, quê ở Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh. Tháng 6 vừa rồi, vợ anh đột ngột qua đời sau một cơn cảm lạnh "thập tử nhất sinh". Khi đó, chị đang mang trong bụng đứa con thứ 5, đã được 7 tháng tuổi.

Anh Thắng làm nông là chính, gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương. Những ngày nhàn rỗi, anh đi làm thuê. Ai thuê gì anh làm nấy, thu nhập một tháng cũng được 3 triệu, anh nói đủ trang trải lo cho 4 đứa con.

Gần đây, người con thứ 2 không may bị đuối nước. Anh bỏ việc, vội vã đưa con lên điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Trên đường, anh địu theo thằng con út, là bé Trần Thế Đà, 4 tháng nữa lên 2 tuổi.

Đà là một đứa trẻ "đặc biệt" và các bác sĩ của Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng nhận ra điều này. Toàn cơ thể cháu bé, từ hai bên mặt, cổ, lưng, bụng, đến 2 chân, bị "che đậy" bởi những vết bớt sắc tố loang lổ, chủ yếu là màu đen. Phần da trắng hầu như rất hiếm thấy. Ngoài ra, chân trái nhỏ hơn so với bên còn lại.

Đứa trẻ đáng thương mang những vết đen loang lổ khắp cơ thể từ khi lọt lòng.

Anh Thắng kể, từ khi sinh ra, con anh đã khác biệt so với những đứa trẻ bình thường. Anh cảm giác như "con có 2 cơ thể khác nhau". Người ta thậm chí còn ví von Đà như "một người vượn chưa kịp tiến hoá".

Ngày Đà chào đời, anh và chị vừa buồn vừa sốc. Bác sĩ nhẹ nhàng động viên "con có đầy đủ bộ phận chức năng, về chăm sóc là con sẽ tốt hơn", nhưng anh càng buồn thêm, không hiểu phải làm sao. Nghĩ rồi, anh biết mình sẽ phải chấp nhận số phận, không tính toán sâu xa, hy vọng con lớn lên tí nữa sẽ tìm cách chữa chạy. 

Bé Đà được chẩn đoán mắc căn bệnh "bớt sắc tố khổng lồ/bàn chân khèo", bẩm sinh từ khi còn trong cơ thể mẹ. Mọi sinh hoạt, nhận thức của Đà đều bình thường, chỉ khác ở ngoại hình loang lổ những vết bớt. 

Ngày đứa con gái đuối nước dần ổn định và được xuất viện, anh Thắng gửi 3 chị em cho nhà nội, rồi địu Đà lên Hà Nội thăm khám theo lời hứa giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 2.

Anh Thắng gửi nhà nội 3 đứa con gái, địu bé Đà lên Hà Nội chữa trị.

"Chúng sẽ phải ghi ơn và sống sao cho xứng đáng"

Ngày 9/10, bố con anh Thắng  đến Hà Nội, sau hành trình hơn 350km. TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Khoa Tạo hình và Thẩm mỹ, BV Đại học Y Hà Nội là người trực tiếp tiếp nhận và chữa trị cho bé Trần Thế Đà. Theo nhận định ban đầu, các vết đen khắp người cháu bé là các u sắc tố, cần phải phẫu thuật để loại bỏ.

"Nhìn cảnh ông bố dân tộc địu con, nhìn cách anh ấy ôm đứa trẻ, nhìn ánh mắt như muốn khóc khi giữ con cho bác sĩ khám... đủ để bác sĩ cảm nhận sâu sắc được nỗi xót xa, thương con thắt ruột của anh ấy" - bác sĩ Dung nói, và đặc biệt thay, chị còn "phát hiện" ra cuốn sổ ghi nợ mà ông bố đơn thân vô tình đánh rơi.

Bất cứ ai cho cái gì, anh đều ghi lại. Cuốn sổ đã kín mặt chữ hơn 30 trang, đầu bên này là những người tặng hiện vật và tiền, còn bên kia là dãy hằng sa số tài khoản ngân hàng. Anh cẩn thận từng nét chữ, viết thật cụ thể và rõ ràng, chẳng toan tính gì, chỉ để nhỡ nếu sau này gặp lại và nhận ra nhau, anh còn có cơ hội báo đáp lòng tốt.

Và, đến khi những đứa trẻ của anh lớn lên, rồi trưởng thành, chúng sẽ biết mang ơn cuộc đời và lòng tốt của những người tử tế xa lạ biết nhường nào.

"Chúng sẽ phải ghi ơn và sống sao cho xứng đáng"- người cha nói.

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 3.

Cuốn sổ ghi chép tiền ủng hộ mà anh Thắng cất giữ rất cẩn thận.

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 4.

Hơn 30 trang giấy đếm không xuể tấm lòng của biết bao người tốt.

Anh nghĩ, thật may vì Đà còn nhỏ, thằng bé chưa biết gì, luôn vô tư và hồn nhiên. "Tôi phải tính trước, lỡ may khi lớn lên, căn bệnh này sẽ đeo bám con cả đời thì thật tội nghiệp". 

"Trong suốt thời gian ngồi nghe bác sĩ khám và đưa ra phương án mổ, anh Thắng chỉ trả lời vài câu ngắn ngủi: "Em làm thuê thôi" khi bác sĩ hỏi "Anh làm nghề gì nhỉ?"; "Mẹ nó chết cách đây vài tháng rồi" khi bác sĩ hỏi "Mẹ con đâu?" và lí nhí một câu nữa "Cảm ơn làm cho cháu" khi kết thúc cuộc thăm khám. 

Qua quãng thời gian tiếp xúc ít ỏi, bác sĩ thấy bố con anh ấy thật xứng đáng được giúp đỡ và thấy mình đang nợ bố con anh ấy: món nợ đó là niềm tin và hy vọng" - bác sĩ Dung chia sẻ.

Chủ nhật (13/10), bé Đà đã chính thức nhập viện, chờ ngày được phẫu thuật. Bác sĩ Dung hơi hoang mang không biết lấy chất liệu ở đâu để tạo hình cho Đà, khi mà phần da lành của con còn quá ít ỏi. Nhưng chị vẫn hy vọng, sau 3 lần cấy da, bé sẽ có gương mặt sáng.

Các bác sĩ sẽ ưu tiên phẫu thuật vùng mặt bằng phương pháp giãn da tự nhiên, sau đó phẫu thuật thêm vùng da hở ở cẳng bàn tay, cẳng bàn chân để giải quyết vấn đề thẩm mỹ. Những vết bớt khổng lồ phải trải qua nhiều ca mổ mới có thể giảm bớt, đồng thời chân trái của Đà cũng cần tập phục hồi vận động mới có thể đi lại được.

Dự kiến sau ca mổ lần thứ nhất, Đà sẽ nằm viện khoảng 1 tuần. Bé sẽ cần 3-6 tháng hồi phục trước khi bước vào "trận chiến" thứ 2.

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 5.

Cơ thể nhỏ bé bị phủ đầy những vết đen đeo bám đứa trẻ gần 2 năm qua.

Cuốn sổ tạ ơn đời của ông bố dân tộc địu con trai lên Hà Nội mong thoát cảnh người vượn chưa kịp tiến hóa - Ảnh 6.

Đà rất thông minh và nhanh nhẹn. Hy vọng, cậu bé cùng với cha mình, sẽ luôn vững vàng trên hành trình sắp tới.

Cậu bé Trần Thế Đà chỉ mới 20 tháng tuổi, và con đang bước vào một "cuộc đua" thật sự. Bên cạnh Đà, các bác sĩ tại BV Đại học Y Hà Nội cũng đang phải "chạy đua" với chính mình. Họ mong rằng, lần đầu tiên trong đời, đứa bé có thể tự nhìn thấy mình trong gương,  không lem nhem, không loang lổ, mà thật sáng sủa và đầy trong trẻo. 

Giấc mơ đẹp còn đang ở phía trước, với một ông bố dân tộc Tày bên cậu con trai kháu khỉnh. 

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM