Cuối năm, hàng nhái lại tung hoành

23/11/2016 20:44 PM | Xã hội

Cuối năm, hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường với đủ mặt hàng, mẫu mã...

Đồ hiệu nào cũng có...giá

Có mặt tại chợ Bến Thành trưa ngày 17/11, đi đến bất cứ quầy hàng nào, chúng tôi được tiểu thương đon đả giới thiệu đủ các mặt hàng từ nội đến ngoại. Dừng chân trước quầy đồng hồ thời trang, nhân viên tên Thanh chào mời: “Chiếc đồng hồ hiệu Longines này có giá chỉ 550.000 đồng/cái. Hàng này xài rất tốt, bảo đảm không vô nước”. Hỏi có phải hàng chính hãng không, nhân viên nói thẳng: “Ở đây em bán nên nói thiệt, hàng fake thôi chị. Hàng xịn giá vài chục triệu ai mà mua”.

Các trung tâm thương mại (TTTM) lớn như Saigon Square, An Đông Plaza, Lucky Plaza… chất ngồn ngộn hàng từ túi xách, giày dép, quần áo… với đủ các thương hiệu nước ngoài. Vừa cầm chiếc ví hiệu LV ngắm nghía, nhân viên cho hay: “Hàng này dù chỉ nhái thương hiệu LV nhưng giống hàng thật đến 90%, giá lại cực bèo, chỉ 300.000 đồng/cái”. Ông Phùng Mỹ (người có 3 ki-ốt) tại Saigon Square bật mí: “Ở đây đa phần là hàng nhái. Nhà tui chuyên lên mẫu nên tui biết. Tiểu thương cần làm mặt hàng gì, nhái theo thương hiệu nào chỉ cần đưa mẫu là tui “lên” y chang. Muốn gắn nhãn mác của công ty nào, tui đều có đủ”.

Còn tại khu chợ sỉ Bình Tây (Q.6), các mặt hàng bánh kẹo ngoại cũng tràn về các sạp hàng. Cầm bịch bánh hiệu Akiko được giới thiệu của Nhật, mặc dù người bán khẳng định chắc nịch “hàng nhập nguyên con” nhưng thấy nơi đóng gói là một cơ sở có địa chỉ ở P. Bình Hưng Hòa (Q. Bình Tân), người bán lấp liếm: “Bánh ngoại, nhưng gia công đóng gói bao bì ở đây cho rẻ. Với lại mua bánh người ta quan tâm thương hiệu, chứ ai cần biết nơi nào đóng gói”.

Tương tự, cùng là hàng nhái thương hiệu Hải Hà, Kinh Đô nhưng có nhiều giá, bán chỉ 35.000 đồng/kg, đóng thành hộp giá từ 45.000 – 60.000 đồng trong khi hàng chính hãng không có giá này. Ở chợ Kim Biên, tiểu thương giới thiệu chai dầu gội đầu Sunsilek (nhái theo Sunsilk) từ kiểu dáng tới mẫu mã, chỉ khác nhau ở chỗ giá hàng nhái hơn 30.000 đồng/chai; lọ nước hoa hiệu Lancome tại đây giá cũng chỉ 100.000 đồng/30ml. Mạnh (một nhân viên bốc xếp) nói nhanh: “Mỗi lần kéo hàng, tui còn thấy nhiều loại bánh kẹo đóng trong các bao tải lớn toàn chữ Trung Quốc. Tiểu thương mua về rồi chia nhau, tự đóng gói bao bì theo ý mình rồi bán với giá 30.000 - 50.000 đồng/kg”.

Hỏi hàng được đưa về chợ bằng đường nào thì anh này không biết, chỉ thấy xe tải nhỏ chở tới chợ, rồi ai thuê thì thợ khuân vào ki-ốt. Theo Mạnh, hàng được đưa đi tiêu thụ chủ yếu ở các vùng nông thôn, bởi ở đó người ta có thói quen chỉ quan tâm đến giá cả và nhìn qua nhãn hiệu sản phẩm khi mua hàng, chứ không tìm hiểu kỹ xuất xứ, nhà sản xuất...

Quản không xuể

Tại hội nghị “Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp” mới đây tại TPHCM, PGS.TS Đàm Thanh Thế- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: “Hàng năm, nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả nốt. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong 10 tháng qua, các đội đã tăng cường kiểm tra hàng loạt cửa hàng, điểm bán tại một số chợ, TTTM như Saigon Square, An Đông Plaza, chợ Bến Thành…, phát hiện gần 600 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; tạm giữ trên 400.000 đơn vị sản phẩm các mặt hàng đồng hồ đeo tay, túi xách, ví, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, bột ngọt…

Tuy nhiên, đại diện Chi cục thừa nhận mặc dù thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm nóng nói trên, nhưng căng sức làm mà vẫn không xuể. Ông Nguyễn Văn Bách – Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM cho biết để đảm bảo hàng hóa dịp trước, trong và sau tết, QLTT thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

“Hàng giả đi vào đời sống bằng nhiều con đường khác nhau và ngày càng tinh vi. Do đó, vấn đề phòng ngừa, phát hiện và bài trừ ngày càng gian nan hơn”- ông Trần Giang Khuê - Phó trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TPHCM nói, đồng thời kiến nghị: “Mọi người cần nói không với hàng giả, hàng nhái chứ đừng thấy rẻ mà mua là đang tiếp tay cho kinh doanh trái phép”.

“Để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Chủ động nắm bắt địa bàn, nhận diện đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải lên tiếng, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả. Phải áp dụng các hình thức truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm, thị trường minh bạch” - ông Đàm Thanh Thế- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 nói.

Theo Uyên Phương

Cùng chuyên mục
XEM