Cuộc sống 'như cá thiếu nước' khi không dùng ví điện tử ở Trung Quốc

09/12/2019 11:15 AM | Xã hội

Tiền mặt "không còn là vua" ở Trung Quốc bởi phần lớn thanh toán tại quốc gia này được thực hiện thông qua ví điện tử.

Đây là bài viết về trải nghiệm cá nhân của tác giả Louise Moon tại Trung Quốc khi cô không sử dụng ví điện tử. Bài viết được đăng trên SCMP.

“Cậu có thể không phải đến tận ngân hàng để giao dịch nữa”. Đó là tin nhắn qua WeChat của Rob, một người bạn của tôi. Trong tin nhắn đó, cậu ấy có đính kèm một thông cáo báo chí, qua đó, Alipay đã chính thức cho ra mắt một phiên bản quốc tế của nền tảng thanh toán trực tuyến này, chuyên phục vụ khách hàng nước ngoài đến du lịch, công tác tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Với tên “Tour Pass”, ứng dụng có thời hạn sử dụng lên đến 90 ngày, và nó đã tỏ ra rất hữu dụng, ít nhất là đối với bản thân tôi. Hơn 1 tháng trước, vì bất ổn, tôi đã phải chuyển địa điểm làm việc từ Hong Kong sang Bắc Kinh và dự định ở lại thành phố này trong khoảng thời gian 3 tháng.

Lần gần nhất tôi sống tại Bắc Kinh đã là 5 năm về trước. Khi đó, tôi đang theo học tại đại học Peking. Thời đó, tiền mặt vẫn là phương tiện mua bán, trao đổi phổ biến. Hình thức chia sẻ xe đạp vẫn chưa hề xuất hiện và mọi người thậm chí còn chưa tưởng tượng ra viễn cảnh những cốc cà phê Starbucks họ dùng mỗi sáng sẽ được giao đến tận nhà hoặc văn phòng làm việc chỉ qua một vài thao tác đơn giản trên một ứng dụng điện thoại.

Cũng kể từ đó, Trung Quốc đã “chuyển mình” rất nhanh, từ một quốc gia chủ yếu sử dụng tiền mặt, sang một quốc gia ưa chuộng hình thức thanh toán điện tử. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), giá trị các giao dịch nội địa qua thiết bị di dộng đã đạt đến con số 277,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 41,51 nghìn tỷ USD) trong năm 2018, gấp 28 lần so với 5 năm trước đó.

Lúc nhận được tin nhắn, tôi đã nói với Rob rằng tôi sợ rằng mình sẽ gặp phải những rắc rối liên quan đến quá trình lập một tài khoản ngân hàng mới. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu tôi không phải làm điều đó và có thể rút tiền từ tài khoản tại Hong Kong.

Và những lo ngại của tôi dường như đã đúng.

Tại đây, cuộc sống dường như gắn liền với những chiếc màn hình và phần lớn mọi người đều sử dụng hai ứng dụng WeChat, với tính năng thanh toán điện tử WeChat Pay, và AliPay. Phần lớn mọi giao dịch sẽ được thực hiện qua điện thoại di động. Thậm chí khi vào trong một tòa nhà, bạn cũng sẽ được yêu cầu quét mã QR qua ứng dụng WeChat. WeChat được phát triển bởi ông lớn ngành công nghệ của Trung Quốc, Tencent Holdings, và là một ứng dụng xã hội đa chức năng phổ biến có đến 1 tỷ người dùng mỗi tháng

WeChat và Alipay chiếm đến hơn 90% tổng số các giao dịch thực hiện qua các thiết bị di động tại thị trường Trung Quốc. Và để sử dụng được các dịch vụ thanh toán điện tử này, điều bạn cần là mở một tài khoản ngân hàng và có một số điện thoại nội địa.

Phiên bản quốc tế của AliPay, nền tảng thanh toán trực tuyến được phát triển bởi Alibaba Group Holding, từng được coi là “nước cờ” thay đổi cuộc chơi. Ứng dụng này sẽ yêu cầu một số điện thoại cũng như thẻ ngân hàng quốc tế. Hạn mức thanh toán một lần lên tới 2.000 nhân dân tệ (tương đương 283,5 USD).

Tiện dụng như thế nhưng tôi đã ngay lập tức gặp phải một “chướng ngại vật” đầu tiên. Số điện thoại tôi đang sử dụng tại Hong Kong không được coi là một số điện thoại quốc tế. Do đó, số điện thoại của tôi được tự động chuyển đến trình đăng nhập trên phiên bản nội địa của ứng dụng này.

Lúc đó, nói tôi hào hứng thì có vẻ vẫn chưa đủ. Tôi cảm thấy mình đã là một phần tại nơi đây. Giờ đây, chỉ sau một lần quét hay một tiếng bíp, tôi đã có thể trả tiền cho tất cả mọi thứ từ những đồ tạp hóa trong cửa hàng 7 Eleven, cho đến một chiếc vé xem phim hoặc một lượt thuê xe đạp.

Tuy nhiên, theo Alipay, phiên bản quốc tế sẽ hỗ trợ những tính năng chuyển tiền tự động đến những nhà cung cấp dịch vụ, ví dụ khi bạn đặt đồ ăn hoặc thuê một chiếc xe hơi, điển hình như Uber. Tôi cảm thấy hệ thống vẫn chưa quá “cởi mở” với đối tượng người dùng nước ngoài. Tôi không tài nào có thể truy cập hết tất cả các tính năng trên ứng dụng.

Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ không có những trải nghiệm đầy đủ về sự tiện lợi mà người dân Trung Quốc được trải nghiệm mỗi ngày.

Alipay đã lấn sân sang thị trường xe hơi khi công bố một thỏa thuận hợp tác với Xpeng Motors- một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất xe ôtô điện. Theo đó, Alipay tham vọng phát triển một hệ thống thanh toán trực tuyến tích hợp ngay trong những chiếc xe hơi, với vai trò giúp chủ xe chi trả tiền cho các dịch vụ như sạc pin cũng như các ứng dụng giải trí.

Trong khi đó, WeChat Pay giường như có phần nhỉnh hơn so với Alipay về số lượng người dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Đó là ứng dụng được sử dụng bởi phần lớn các tài xế xe taxi. Một vài nhà hàng lại không chấp nhận hình thức thanh toán qua Alipay.

WeChat cũng đã thông báo rằng ứng dụng này giờ đây đã hỗ trợ thẻ tín dụng quốc tế, cho phép người dùng truy cập rất nhiều các dịch vụ tiện ích trong đó bao gồm thương mại điện tử cũng như thuê phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, tôi lại nhận được những thông báo “dịch vụ bận” khi có gắng thiết lập các cài đặt trên ứng dụng.

Cuộc sống như cá thiếu nước khi không dùng ví điện tử ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Giao diện Tour Pass của Alipay. Ảnh: SCMP.

Tôi lại phải tiếp tục chờ đợi thời điểm có thể trải nghiệm đầy đủ những tiện ích mà các ứng dụng thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc mang lại.

Việc giảm thiểu các giao dịch bằng tiền mặt không chỉ dừng lại ở việc dùng Apple Pay để trả tiền cho một cốc cà phê. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tại Trung Quốc đã sáng tạo nên cả một hệ sinh thái các sản phẩm cho phép người dùng có thể làm hầu như mọi thứ thông qua một hệ thống duy nhất: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn tiền nước, mua vé số, trả tiền mua sắm hàng tuần, đặt bữa tối giao đến tận nhà.

Cho dù mỗi nhà cung cấp lại có một nền tảng khác nhau, nhiều ứng dụng vẫn yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng Trung Quốc hoặc các tài khoản đã kết nối với WeChat hoặc Alipay.

Đối với khách du lịch đến với Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần, phiên bản quốc tế của Alipay khá tiện ích. Nếu như bạn ở đây trong khoảng thời gian lâu hơn, giống như tôi, dường như vẫn có những rào cản giữa bạn với một Trung Quốc "thực sự”. Bạn sẽ không thể đặt đồ ăn được giao đến nhà thông qua những chiếc xe Meituan mà bạn bắt gặp rất nhiều trên đường phố, bạn sẽ không thể thử những ly cà phê Luckin Coffee, đối thủ nội địa của Starbucks, và thất vọng nhất là bạn không thể tham quan thành phố trên những chiếc xe thương hiệu Mobike.

Bạn sẽ không thể mở khóa những chiếc xe đạp trên vỉa hè khắp các con phố, vì chúng yêu cầu bạn phải quét mã QR, và tiền sẽ được thanh toán ngay lập tức. Khó chịu nhất là khi tôi rời Hong Kong, nơi có vô vàn xe taxi, để đến Bắc Kinh, thật khó để tôi có thể tìm được một chiếc xe phục vụ mục đích di chuyển cá nhân. Phần lớn những chiếc xe taxi ở đây đã được đặt trước qua ứng dụng.

Tôi nhận về những cái nhìn kỳ cục từ mọi người xung quanh khi tôi vui vẻ bước vào một quán cà phê Luckin, mong chờ được nhâm nhi một cốc đồ uống tại đây. Tôi đã quên mất Luckin là mô hình kinh doanh 100% thực hiện các giao dịch qua hình thức thanh toán điện tử.

Là một người nước ngoài, đôi khi tôi cảm thấy khá phiền phức. Khi thanh toán bằng tiền mặt cho một món đồ uống, tôi đáng lẽ ra sẽ nhận lại được tiền thừa. Nhưng thứ tôi nhận về là một cái nhún vai từ người bán hàng, ám chỉ rằng anh ta không có tiền để trả lại cho tôi.

Khi tôi đi chung xe taxi với một người bạn, tôi đã nài nỉ để có thể trả cô ấy một phần chi phí của chuyến đi đó. Thế nhưng cô ấy lại thẳng thừng từ chối: “Đừng, tớ không muốn tiền mặt đâu”. Tôi thậm chí còn nhận được những bông cải xanh khi một quán café không có tiền lẻ để trả lại cho tôi.

Mọi người vẫn thường hay nói chuyện về việc Trung Quốc là một quốc gia đi đầu trong làn sóng thích ứng với các ứng dụng thanh toán điện tử, nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Thực tế là mọi người cần phải sử dụng WeChat Pay hoặc Alipay vì họ thiếu đi những lựa chọn khác. Tại Hong Kong thì ngược lại, các cửa hàng chấp nhân cả thẻ ghi nợ, thẻ Visa, MasterCard, American Express, các ứng dụng thanh toán trực tuyến và cả tiền mặt. Đó cũng là lý do tại sao, tỷ lệ người dùng các ứng dụng thanh toán trực tuyến tại đây không quá nhiều.

Nhiều người có thể cảm thấy khó chịu khi phải đếm từng đồng tiền lẻ một, trong khi người dân Trung Quốc có thể thanh toán với chỉ một động tác quét mã. Bản thân tôi cảm thấy bất tiện khi trở thành “trò hề” cho các cửa hàng không có tiền lẻ để trả lại cho tôi. Bạn có thể bắt gặp tôi đi mua sắm và thanh toán với chỉ một tiếng bíp thông qua việc quét mã QR, nhưng, trời thì ngày một lạnh, và sự hấp dẫn đến từ dịch vụ thuê xe đạp cũng đang “nguội” dần, tôi phải chấp nhận rằng tôi sẽ không thể nào có thể hòa nhập hoàn toàn được với cuộc sống hiện tại tại Trung Quốc.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM