Cuộc gọi vốn "kỳ lạ" của VnTrip: Căn cứ nào để một công ty doanh thu 44 tỷ đồng được định giá 1000 tỷ đồng, gấp tới 23 lần doanh thu?

28/08/2018 10:54 AM | Kinh doanh

VnTrip từ ngày mới thành lập đã được biết đến với những tin tức có phần "ồn ào" như: Bắt tay với Booking.vn hay "tố cáo" đối thủ Agoda trốn thuế. Thông cáo mới đây của VnTrip về mức định giá 1.000 tỷ đồng cũng gây bất ngờ với nhiều người.

Ra đời cùng những sự kiện ồn ào, gọi vốn nhanh và "khủng"

VnTrip được sáng lập bởi doanh nhân 8x Lê Đắc Lâm, là một Startup Việt trong ngành OTA (Online Travel Agency), được khởi động từ năm 2014 và chạy thử nghiệm vào đầu năm 2016.

Ngay từ những ngày đầu ra mắt thị trường, VnTrip đã chơi những "nước cờ" táo bạo và khá "ồn ào". 

6 tháng đầu đi vào hoạt động Vntrip đã bắt tay với Booking.com, hệ thống đặt phòng khách sạn lớn nhất thế giới. 

8 tháng sau lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa VnTrip và Booking.com diễn ra vào hồi tháng 4/2016 tại Hà Nội, CEO Lê Đắc Lâm cùng VnTrip tổ chức họp báo tố Agoda trốn thuế. Sau đó, Bộ Tài chính đã ra quyết định các công ty có trụ sở nước ngoài kinh doanh đặt phòng tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến như Agoda.com, Traveloka.com. Booking.com, Expedia.com… sẽ bị tính thuế VAT là 5% trên doanh thu được hưởng và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu cũng là 5%.

Tiếp sau đó, Vntrip.vn hợp tác với Expedia, đối thủ cạnh tranh số một của Booking.com.

Cuộc gọi vốn kỳ lạ của VnTrip: Căn cứ nào để một công ty doanh thu 44 tỷ đồng được định giá 1000 tỷ đồng, gấp tới 23 lần doanh thu? - Ảnh 1.

Thành lập với 10 tỷ đồng tiền vốn, chỉ sau 18 tháng, VnTrip đã được định giá 300 tỷ đồng sau lần gọi vốn đầu tiên từ những nhà đầu tư thiên thần như John Wu - cựu lãnh đạo Alibaba vào tháng 7/2016. 

Năm 2017, VnTrip tuyên bố tiếp tục gọi vốn thành công series B với 10 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài Hendale Capital.

Trong năm đầu tiên hoạt động (2016), VnTrip OTA, đơn vị vận hành Vntrip.vn đã ghi nhận khoản lỗ gần 31 tỷ đồng, doanh thu chỉ 11 tỷ đồng.

Sang năm 2017, VnTrip OTA đạt doanh thu 44 tỷ đồng nhưng số lỗ tiếp tục tăng lên 71 tỷ đồng. Trong đó, khoản chi phí lớn nhất của doanh nghiệp là chi phí bán hàng lên tới gần 76 tỷ đồng.

Sau 2 năm hoạt động, con số lỗ lũy kế của Vntrip đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Mới đây, VnTrip cho biết công ty này được rót vốn lần 3 từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng. Như vậy, mức định giá này cao gấp 22,7 lần doanh thu của năm tài chính gần nhất.

Cuộc gọi vốn kỳ lạ của VnTrip: Căn cứ nào để một công ty doanh thu 44 tỷ đồng được định giá 1000 tỷ đồng, gấp tới 23 lần doanh thu? - Ảnh 2.

Như vậy, sau 2 năm hoạt động, số lỗ lũy kế của Vntrip đã lên tới hơn 101 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty vào cuối năm 2017 chỉ khoảng 133 tỷ đồng.

Trước VnTrip, một doanh nghiệp được định giá 1.000 tỷ đồng khác là Tiki hồi cuối năm 2017. Doanh thu của Công ty TNHH MTV Thương mại Ti Ki (Tiki Trading - đơn vị thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa trên Tiki) năm 2016 đạt gần 860 tỷ đồng - một con số rất gần giá trị định giá.

Các nhà đầu tư thường định giá một doanh nghiệp OTA như thế nào?

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, một Founder trong lĩnh vực OTA cho biết, như nhiều lĩnh vực khác, các nhà đầu tư thường định giá doanh nghiệp trong lĩnh vực OTA theo 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và startup.

- Định giá SME: 

Với các doanh nghiệp SME, việc định giá sẽ căn cứ theo 3 yếu tố gồm Tài sản hữu hình (nhà xưởng), Tài sản vô hình (giá trị thương hiệu, sở hữu trí tuệ…), và Doanh thu/lợi nhuận. 

Công thức thường là:

Giá trị SME ngành du lịch = (15 - 20) x Profit (Lợi nhuận năm gần nhất);

Hoặc = (4 - 7) x Net revenue (Doanh thu ròng năm gần nhất)

Định giá 1.000 tỷ đồng của VnTrip mới đây đã cao gấp 22,7 lần doanh thu của năm tài chính gần nhất.

"Doanh thu ở các doanh nghiệp dịch vụ tại Việt Nam hay bị nhầm sang Gross Merchandise Value (GMV - tổng giá trị hàng hóa giao dịch), trong khi ở nước ngoài tách rất rõ. Chẳng hạn Lazada bán món hàng 2 triệu đồng, thì 2 triệu đồng đó là Merchandise Value, còn Revenue (Doanh thu) của Lazada trong số đó chỉ được khoảng 15 - 20% của 2 triệu đồng", Founder này cho biết.

"Ngay cả khi Revenue được khoảng 15% số đó, nhưng chạy chiến dịch (coupon chẳng hạn) mất 7 - 8%, thì Net Revenue của doanh nghiệp cũng chỉ còn lại 7 - 8% của con số trên".

- Định giá Startup: Thực tế không có một định giá cụ thể.

Với Startup chưa hề được đầu tư, tài sản vô hình hay hữu hình cũng bằng 0. Founder này cho rằng nhà đầu tư ban đầu sẽ dành mối quan tâm trước hết là Startup này cần bao nhiêu tiền. Sau khi chứng minh được cần bao nhiêu tiền trong 1 năm, lúc ấy mới tính đến tỷ lệ cổ phần hoán đổi. Tỷ lệ % ở đây tùy theo loại hình Angel Investor (Nhà đầu tư thiên thần), VC (Quỹ đầu tư mạo hiểm) hay PE (Quỹ đầu tư tư nhân) mà có tỷ lệ % hoán đổi tương ứng.

Ví như Angel Investors thường lấy tầm 10 - 15% cổ phần đổ lại, VC ở mức 20 - 35%, PE có thể lấy 49-50%, thậm chí 51%, tùy thuộc vào deal.

Với công ty đã được đầu tư như VnTrip thì có 2 xu hướng: Down-round (giảm định giá doanh nghiệp) hay up-round (tăng định giá). Thường thì các vòng gọi vốn sau cao hơn vòng trước. Còn trường hợp xấu nhất là Down-round - câu chuyện này khá "đau đớn" do các nhà đầu tư trước đó sẽ mất tiền.

VnTrip gọi vốn lần này là thứ 3, theo đúng các bước vòng 1 là Angel Investors, Vòng 2 (được rót 10 triệu USD) và vòng 3 đều có định giá cao.

Vị Founder này cũng cho biết, mỗi lần raise fund (gọi vốn) thì nhà đầu tư đều cần biết số vốn gọi trong round trước đã được chi tiêu thế nào, kế hoạch chi tiêu số vốn gọi được trong round này... Và trong những vòng gọi vốn sau, chưa chắc Founder hay CEO là người có tiếng nói mà người có tiếng nói ở đây là các nhà đầu tư - những người sẽ bị mất tiền nếu như deal bị giảm giá trị. Và họ sẽ buộc phải tìm cách chứng minh giá trị công ty có tăng lên.

VnTrip cạnh tranh bằng gì?

Nói về lợi thế vị thế trên thị trường, trong một lần phỏng vấn với báo chí 2 năm trước khi VnTrip mới nhận đầu tư series A ở mức 3 triệu USD, CEO Lê Đắc Lâm cho biết: "Muốn thành công trong lĩnh vực này, thường bắt buộc chúng ta phải là số 1, nếu không sớm muộn cũng sẽ bị đối thủ chiếm mất thị phần và về lâu dài sẽ bị họ đánh bại. Vì thế, để thành công trong lĩnh vực này, cách duy nhất là mình phải làm tốt hơn tất cả đối thủ".

Ông Lâm cũng quảng cáo các lợi thế cạnh tranh của VnTrip: "VnTrip.vn là trang web đặt phòng nội địa lớn nhất tại Việt Nam, là nơi duy nhất cung cấp xe ô-tô đón miễn phí từ tất cả sân bay trong nước về khách sạn, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại và không mất thời gian bắt taxi.

Về giá, hơn 70% khách sạn của chúng tôi hiện tại có giá rẻ nhất thị trường. Số còn lại, khi khách hàng tìm thấy giá rẻ hơn ở nơi khác, chúng tôi sẵn sàng bán bằng giá trong khi vẫn cung cấp dịch vụ đón miễn phí".

Tuy nhiên việc dành vị thế số 1 ở thị trường này không dễ dàng. Dù VnTrip.vn khẳng định vị thế với top lượng truy cập khá lớn trong các website OTAs nhưng mỗi OTA đều có những lợi thế cạnh tranh riêng. 

Các tên tuổi lớn OTA trên thế giới có thể kể đến như: Expedia (là công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới với sản phẩm: Expedia.com, Hotels.com, Hotwire.com...); Sabre Holdings (chủ của Travelocity, lastminute.com,…); hay Priceline.com (công ty mẹ của booking.com, agoda.com, rentalcars.com,…)

"Các ông lớn OTA nước ngoài như Booking, Agoda theo một phân khúc khác - phân khúc phòng khách sạn 4 - 5 sao, còn VnTrip đi theo phân khúc bình dân. Và nếu so cùng phân khúc, sẽ phù hợp hơn khi đặt VnTrip cùng với Mytour, Chudu, Ivivu…", vị Founder trong ngành OTA đánh giá.

Trên thực tế, ngoài VnTrip, các OTA nội như Gotadi.com, Tugo.com.vn, Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Vinabooking.vn... đều sở hữu số lượng phòng khách sạn và tour du lịch khá lớn. Gotadi.com không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú mà còn đang cung cấp dịch vụ mới như giá vé máy bay rẻ, hỗ trợ việc thiết kế các hành trình di chuyển bằng máy bay bên cạnh cung cấp phòng giá rẻ. Hay các OTA khác như Ivivu.com, Mytour.vn... cũng lựa chọn những chiến lược riêng để khẳng định thị trường tại Việt Nam.

"Tôi không phản đối câu chuyện định giá chênh lệch quá nhiều so với doanh thu của VnTrip, nhưng chuyện định giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có định vị trên thị trường. Nếu doanh thu 44 tỷ đồng nhưng là số 1 thì giá trị khác, nhưng 44 tỷ mà đứng số 5 thì giá trị lại khác".

"Giá trị của số 1 rất quan trọng, "bơm" tiền vào có thể đi nhanh hơn. Còn đầu tư cái số 2 để đuổi theo cái số 1 đã là mệt mỏi lắm", vị này kết luận.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM