Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, "cực khoái" không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm!

04/03/2019 14:17 PM | Kinh doanh

IKEA, KFC, Dove, McDonald’s … những nhãn hiệu khổng lồ tưởng chừng như không có một điểm chung lại cùng tung ra một loạt clip “lạ” giống nhau, với những người nổi tiếng thì thầm vào micro, gõ tay lên kính, ngồi ăn trong im lặng, hay thậm chí là dùng dao để … cắt xà phòng.

Nội dung nổi bật

Bối cảnh: Rất phổ biến trên Youtube, các video ASMR luôn đem lại cảm giác thoải mái, thư giãn và đã được khoa học chứng minh sự hiệu quả của nó.

Kế hoạch: Hình ảnh và âm thanh ngày càng trở nên "vô hiệu" với người dùng, ASMR ngay lập tức được hàng loạt nhãn hiệu lớn như IKEA hay McDonald’s sử dụng để tạo khác biệt.

Kết quả: Doanh thu và danh tiếng thương hiệu đều được tăng đáng kể, tuy vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng ASMR đã và đang trở thành một xu hướng marketing mới.


ASMR là gì?

Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, cực khoái không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm! - Ảnh 2.

Viết tắt từ cụm từ Tiếng Anh "Autonomous Sensory Meridian Response" (tạm dịch là Phản ứng Cực khoái Cảm giác Độc lập). Theo Hellobacsi, ASMR được định nghĩa là "cảm giác rùng mình ở đầu hay cổ sau khi tiếp nhận một số kích thích như những âm thanh êm ái hay những đụng chạm lặp đi lặp lại. Nhiều người cho rằng cảm giác rùng mình này rất thư giãn và có phần đê mê."

ASMR được định nghĩa bởi Jennifer Allen, người đã thành lập ra hội ASMR lớn nhất trên Facebook nhằm tìm ra nguồn gốc của hiện tượng này.

Khác với cảm giác rùng mình khắp cơ thể khi nghe một bản nhạc hay, xem một đoạn phim xúc động, hay chứng kiến một cảnh tượng gây sốc, ASMR tạo một cảm giác râm ran ở đầu hoặc cổ, như thể có một dòng điện chạy từ não bộ xuống sống lưng.

Nhưng điểm đặc biệt khiến người dùng nghiện ASMR là khả năng thư giãn rất hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn.


Tại sao lại có ASMR?

Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, cực khoái không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm! - Ảnh 3.

Steve Novella – bác sĩ chuyên khoa thần kinh nổi tiếng đã công bố rằng ASMR được kích hoạt từ một phân vùng đặc biệt trong não bộ.

Trong nghiên cứu đầu tiên, hơn 1.000 người tham gia đã được yêu cầu mô tả cảm xúc sau khi xem các video kích thích ASMR có nhiều lượt view nhất trên YouTube. Và kết quả là 813 trong tổng 1.000 người khẳng định rằng mình cảm thấy thoải mái và bình tĩnh hơn so với lúc trước khi xem video.

Đặc biệt, tất cả tình nguyện viên đều tỏ ra rất thư giãn và không hề bị căng thẳng trong suốt quá trình thử nghiệm.

Để khẳng định sự hiệu quả của ASMR một cách khoa học, các nhà nghiên cứu đã tổ chức buổi thử nghiệm lần 2 với chỉ 110 tình nguyện viên và hàng loạt cảm biến để đo phản ứng sinh lý. Kết quả cho thấy nhịp tim của những người xem video kích thích ASMR giảm hơn 3,4 nhịp mỗi phút.

Giulia Poerio – trưởng nhóm nghiên cứu của thử nghiệm cho hay: "Hiệu quả làm giảm nhịp tim trung bình của những video ASMR sánh ngang với tác động sinh lý từ âm nhạc hay thiền giải stress."

Theo dữ liệu từ Google, các tìm kiếm về ASMR gia tăng đột biến vào lúc 22 giờ 30 phút bất kể múi giờ nào, thể hiện nhu cầu được "xả stress" trước khi ngủ của rất nhiều người trên thế giới.


ASMR – Nghề nghiệp hấp dẫn

Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, cực khoái không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm! - Ảnh 4.

Kể từ lúc được biết đến và khẳng định qua những nghiên cứu khoa học, ASMR trở thành một từ khóa cực "hot", tạo nên hàng loạt kênh Youtube chuyên biệt với nhiều triệu người theo dõi.

Các "chuyên gia ASMR" này cũng không kém phần sáng tạo khi sử dụng gần như mọi thứ người xem có thể tưởng tượng để sản xuất ra video, từ thì thầm vào micro, chải tóc, vẽ vời, cắt giấy, hay thậm chí là dùng dao để bào một cục xà phòng.

Một trong những Youtuber thành công nhất với nội dung này là Taylor Darling với kênh ASMR Darling, chuyên tận dụng các công cụ trang điểm rất gần gũi để sáng tạo nội dung. Hiện cô nàng sinh năm 1997 này đang có hơn 2,2 triệu người theo dõi, với số lượt xem trên từng video rất cao, Taylor được dự đoán đang sở hữu khối tài sản hơn 500.000 USD từ nghề nghiệp "lạ" này.

Nhưng không chỉ có Taylor tham gia khai thác "mỏ vàng" ASMR, chỉ cần gõ từ khóa này trên công cụ tìm kiếm trên YouTube, người dùng dễ dàng tìm ra hơn 12 triệu kết quả khác nhau. Các video dẫn đầu danh sách thường có hơn 20 triệu lượt xem, đem về hàng ngàn USD tiền quảng cáo trên mỗi video.

Đó là chưa kể đến tiền hỗ trợ quảng cáo, tùy theo những vật dụng để làm nội dung, các nhãn hàng có thể trả từ 1.000 đến 3.000 USD cho mỗi video để sản phẩm của mình được sử dụng để tạo nên hiện tượng ASMR.


ASMR và các nhãn hiệu lớn

Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, cực khoái không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm! - Ảnh 5.

Nhanh chóng bắt được xu hướng này, vào năm 2017, IKEA đã tung ra một loạt video ASMR dài hơn 20 phút quanh căn phòng trọ của sinh viên. Với tên gọi "Oddly IKEA", mỗi video đã thu hút trung bình hơn 2 triệu lượt xem.

Trong loạt video này, tất cả mọi sự tập trung được đổ về những vật dụng trong phòng, người phụ nữ tham gia trong video hoàn toàn không được thấy mặt, mà chỉ được "góp" giọng nói và bàn tay của mình.

Xuyên suốt video, giọng người phụ nữ này sẽ nhẹ nhàng "rủ rê" người đọc lắng nghe âm thanh bàn tay chạy dọc ga trải giường, vỗ nhẹ vào gối, hay xoa đều trên tấm chăn dày. Không chỉ là giường, những đoạn video này còn chuyển sang bàn học, đèn, kệ sách …

Và IKEA đã không lầm với những video ASMR "lạ đời" kia, ngay sau khi video đầu tiên được đăng tải, doanh thu tại cửa hiệu tăng hơn 4,5% và doanh thu online cũng tăng hơn 5,1%.

Kết quả là IKEA vươn trên trở thành thương hiệu nội thất có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khu vực Bắc Mỹ vào mùa khai trường năm 2017.

Với sự thành công vang dội trên, hàng loạt nhãn hiệu lớn ngay lập tức bắt tay vào khai phá lĩnh vực mới lạ này. Chẳng hạn như Applebee với video hơn 1 giờ xoay quanh một mẩu thịt được nướng trên lửa, hay McDonald’s với hàng loạt video có sự góp mặt của người nổi tiếng như Charles Barkley, Gabrielle Union, và John Goodman chỉ để thưởng thức chiếc hamburger Quarter Pounder trong im lặng.

Này marketer, anh có biết cách tạo ra ASMR khiến ai cũng rùng mình, cực khoái không? Nếu chậm chân, hãy coi chừng phải giải nghệ sớm! - Ảnh 6.

Nhưng có lẽ mức độ "chịu chơi" và có tầm ảnh hưởng nhất là đoạn quảng cáo ứng dụng ASMR của hãng bia Michelob.

Được trình chiếu trong trận Super Bowl năm 2019, chương trình được theo dõi nhiều nhất và cũng là khung thời gian quảng cáo tốn kém nhất của truyền hình Hoa Kỳ. Với sự xuất hiện của Zoe Zravitz, người đẹp này nhẹ nhàng thì thầm vào hai micro trước mặt và đồng thời gõ nhẹ lên chai bia trên tay.

Sau khi được đăng tải trên Youtube, đoạn video đã nhanh chóng thu hút hơn 13 triệu lượt xem và hơn 4.200 lượt tweet, tuy đón nhận không ít ý kiến trái chiều, nhưng đoạn quảng cáo trên đã đánh dấu một cột mốc lớn của ASMR trong marketing hiện đại.

Lê Thanh Sang

Từ khóa:  case study , asmr
Cùng chuyên mục
XEM