Cuộc đua hàng tỷ đô lên cung trăng giữa Jeff Bezos và Elon Musk: Ai sẽ thắng?

11/05/2019 14:50 PM | Kinh doanh

Một vị khách nhận thư mời tham gia sự kiện của tỷ phú Jeff Bezos. "Tấm thiệp mời trên bàn" là ảnh Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng như ngụ ý về viễn cảnh con người sẽ định cư và chinh phục không gian nằm ngoài Địa Cầu. Nhưng ở một diễn biến khác, sự kiện này mở đầu cho một cuộc chạy đua khốc liệt của những gã khổng lồ công nghệ...

Ngày 9/5/2019, công ty Blue Origin của người đàn ông giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đã trình làng bản mẫu mô phỏng thiết bị đáp xuống bề mặt Mặt Trăng mang tên Blue Moon. Đây là động thái mới nhất trong cuộc đua vào vũ trụ giữa bốn gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ không gian là SpaceX, Blue Origin, United Launch Alliance (liên doanh Lockheed Martin và Boeing) và Ariane Group.

Tại Washington, Jeff Bezos giới thiệu thiết bị Blue Moon do công ty Blue Origin sản xuất có kích thước tương đương phiên bản thật với chiều cao khoảng 7 m, nặng 4 tấn và tải trọng khoảng 7 tấn hàng hóa.

Blue Moon được thiết kế để có thể vận tải đủ loại hàng hóa trên quãng đường hơn 384 nghìn km từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Jeff Bezos để đưa con người quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.

Cuộc đua hàng tỷ USD lên cung trăng giữa Jeff Bezos và Elon Musk: Ai sẽ thắng? - Ảnh 1.

Tỷ phú Jeff Bezos cam kết chi phí nhiên liệu cho mỗi lần phóng của Blue Origin sẽ ít hơn 1 triệu USD.

Thế hệ tên lửa mới của Blue Origin là New Glenn có sức đẩy mạnh nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ, sẽ đảm trách việc phóng Blue Moon ra ngoài không gian, dự kiến hoạt động từ năm 2021.

Blue Origin cũng vừa thực hiện thành công cuộc phóng thử tên lửa đẩy Shepard lần thứ 11 vào ngày 02/05/2019. Tỷ phú Jeff Bezos cam kết chi phí nhiên liệu cho mỗi lần phóng sẽ ít hơn 1 triệu USD.

So với SpaceX của Elon Musk, có thể nói, Blue Origin đã tiến trước một bước trong việc thiết kế thiết bị đáp. Trong khi hãng công nghệ của tỷ phú Elon Musk đang loay hoay hoàn thiện các thế hệ tên lửa đẩy mang tên Falcon. Nhưng lợi thế của SpaceX là nhận được nhiều hợp đồng thuê phóng tên lửa trị giá hàng tỷ USD từ NASA và chính phủ Hoa Kỳ.

Tỷ phú Jeff Bezos lập Blue Origin năm 2000, chỉ ba năm sau khi Amazon thực hiện IPO. Ngay từ đầu, công ty đã xây dựng một số nhà máy nghiên cứu tại Texas, tuy nhiên họ lựa chọn con đường phát triển khá âm thầm.

Tính đến nay, Blue Origin chỉ mới nhận được hơn 25 triệu USD đầu tư phát triển từ NASA và 1,5 tỷ USD từ nguồn tiền riêng của Jeff Bezos. Công ty vì thế vẫn thuộc hoàn toàn quyền sở hữu của ông chủ Amazon.

Ngược lại, SpaceX luôn gây tiếng vang trong cộng đồng và tên tuổi lan khắp các mặt báo. Ngay từ tháng 12/2003, SpaceX đã nổi lên như một hiện tượng trong ngành công nghệ không gian với cuộc phóng thử tên lửa đẩy Falcon I từ Hawthorne, California, Hoa Kỳ. Elon Musk luôn xác định SpaceX sẽ là công ty tiên phong trong công cuộc kiến tạo nền văn minh liên hành tinh.

Về tỷ lệ sở hữu, Elon Musk cũng nắm giữ hơn 50% cổ phần trong SpaceX (theo ước tính của Forbes) và các quỹ đầu tư, ngân hàng đã đổ hơn 2,5 tỷ USD vào hãng công nghệ vũ trụ khổng lồ này.

Cuộc đua hàng tỷ USD lên cung trăng giữa Jeff Bezos và Elon Musk: Ai sẽ thắng? - Ảnh 2.

Trạm không gian Lunar Gate là dự án hàng chục tỷ USD của NASA năm 2024, sẽ gọi tên các nhà thầu tên lửa đẩy hàng đầu như New Glenn, Falcon Heavy hoặc thuyết bị chuyên chở của Blue Moon

Việc đóng vai trò tiên phong vận chuyển hàng hóa cho trạm không gian ISS, nhận nhiều hợp đồng lớn từ NASA và liên tiếp thử nghiệm tên lửa thành công đã đẩy thị giá SpaceX lên 31,5 tỷ USD (theo thống kê của PitchBook).

Ngược lại với con đường của SpaceX, triết lý của Blue Origin là Gradatim Ferociter, một thành ngữ Latin có nghĩa là "Từng bước một, chậm mà chắc".

Hoạt động của Blue Origin lặng lẽ như những gì gã khổng lồ Amazon đã làm suốt nhiều năm qua. Blue Origin rất ít khi mời báo chí đến quan sát những buổi thử nghiệm của họ, trừ khi đó là những công nghệ bước ngoặt hoặc vì mục đích lôi kéo các nhà thầu.

Dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng cả Blue Origin và SpaceX đều chạy đua đến một mục tiêu chung là phục vụ siêu dự án tham vọng của NASA năm 2024 : Xây dựng trạm không gian Lunar Gate hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng.

Trong tương lai, dự án hàng chục tỷ USD này sẽ gọi tên các nhà thầu tên lửa đẩy hàng đầu như New Glenn, Falcon Heavy hoặc thiết bị chuyên chở của Blue Moon.

Cuộc đua tranh giữa Blue Origin của Jeff Bezos và SpaceX của Elon Musk tương tự như câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ. Nhân loại sẽ chứng kiến giờ khắc đăng quang của một trong hai gã khổng lồ này vào thập niên 2020.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM