Cuộc chiến thực sự của các đại gia công nghệ

17/12/2017 09:53 AM | Kinh doanh

Những công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang vượt ra ngoài sự cạnh tranh với nhau. Họ bước vào quỹ đạo đấu tranh cho sự sinh tồn của chính mình.

Facebook bị cáo buộc đã bán quảng cáo cho các nhóm và cá nhân đến từ Nga tìm cách thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Apple hay Amazon trốn thuế, Google vi phạm quy định chống độc quyền bị EU phạt 2,4 tỷ euro, hay trí thông minh nhân tạo (AI) - thứ mà bất cứ "tay chơi" công nghệ nào cũng muốn phát triển - đang đe dọa việc làm hay an sinh xã hội.

Song song đó, những người đứng đầu các công ty công nghệ lại vật lộn với vấn đề giới tính. Travis Kalanick - nhà sáng lập Uber - từ chức hồi tháng 6 sau kết quả điều tra cho thấy ông đã dung túng nhiều vụ quấy rối tính dục trong công ty. Google đang hầu tòa với vụ kiện của Bộ Lao động Mỹ do bị cáo buộc cách bồi thường của họ phân biệt đối xử với phụ nữ.

Chưa hết, Uber - biểu tượng khởi nghiệp công nghệ của thế giới đang đối mặt với việc dịch vụ bị cấm tại hàng loạt quốc gia. Một phần lớn nguyên nhân là sự phát triển của Uber gây nên áp lực việc làm cho tài xế taxi truyền thống.

Nền tảng ảo, quyền lực thật

Theo cáo buộc, Google, Facebook và Twitter đã trở thành công cụ để Nga đưa ra các ý kiến trên mạng xã hội, nhằm tác động đến cuộc bầu cử Mỹ hồi 2016. Facebook đã gửi đến Quốc hội Mỹ hơn 3.000 quảng cáo được mua từ Nga, tiếp cận 10 triệu người dùng. Khoảng 80.000 bài đăng trên Facebook của các nhóm người Nga tiếp cận thêm 126 triệu người Mỹ khác.

Và có thể hơn 16 triệu người Mỹ khác đã nhìn thấy 120.000 nội dung do Nga thực hiện trên Instagram - mạng xã hội đã thuộc quyền sở hữu của Facebook. Google cho biết, các tài khoản ở Nga đã tải 1.100 video lên YouTube. Twitter đã tạm khóa hơn 2.700 tài khoản liên quan đến Nga. Các gã khổng lồ công nghệ nói rằng họ đã cố gắng ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử của Mỹ, nhưng họ đã không thực hiện trọn vẹn trách nhiệm.

Tuy nhiên, dù phải hầu tòa, ngày 22/11, Facebook tuyên bố sẽ chỉ cho một số người dùng biết họ đã "Like" hay "Follow" những trang thuộc về tổ chức của Nga tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Facebook cũng cho rằng vì quyền riêng tư và những lý do kỹ thuật, Hãng sẽ không nói rõ đâu là những nội dung quảng cáo trả phí và đâu là những thông tin thông thường trên "News Feed".

Theo Data & Society Research Institute, 4% số người dùng internet tại Mỹ từng là nạn nhân của tình trạng "khiêu dâm trả thù”. Những cặp đôi khi còn mặn nồng đã gửi ảnh nóng cho nhau trên nền tảng tin nhắn mạng xã hội. Và khi mối quan hệ gãy đổ, những hình ảnh nhạy cảm này trở thành nguyên liệu cho sự trả thù. Facebook tại Australia đã đề xuất chính sách áp dụng cho người dùng tự gửi ảnh nóng nhằm giúp mạng xã hội này đưa vào hệ thống ngăn chặn.

Ai sẽ cướp mất việc làm là nỗi lo thường xuyên trong xã hội Mỹ và các nước phát triển. Nghiên cứu của PEW cho thấy 72% người Mỹ lo lắng về điều này, gấp hai lần số người nói rằng họ thích thú với viễn cảnh robot và máy móc có thể thay thế con người. Những quan điểm tiêu cực này tạo ra sức ép với các chính phủ trong việc cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, đảm bảo thu nhập cơ bản.

Chưa tới một thập kỷ, Apple và công ty mẹ của Google - Anphabet, Facebook, Amazon đã cùng Microsoft chia nhau đỉnh cao quyền lực khi là năm công ty trụ cột lớn nhất nước Mỹ. Cả năm công y này luôn phủ nhận việc phá vỡ các điều luật và những lỗi lầm, nếu có, đều là một phần tự nhiên của sự tăng trưởng.

Một xã hội ảo 2 tỷ người hoạt động mỗi tháng với đủ tâm trạng, tầm ảnh hưởng, quyền lực, lợi nhuận... được hình thành trên Facebook. Ở đó, tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg toàn quyền thiết lập luật chơi và hưởng lợi nhuận khổng lồ. "Những gã khổng lồ công nghệ sắm vai những tay trộm thế hệ mới, những kẻ có thể dùng đồng tiền, sức mạnh thị trường để đứng trên pháp luật và những chuẩn mực xã hội làm suy yếu nền dân chủ”, Bloomberg viết.

Gọng kiềm từ đời thực

Cánh tả lẫn cánh hữu, Thượng viện hay Hạ viện, đảng Dân chủ hay Cộng hòa nếu có một điều gì đó đồng lòng thì đó chính là họ cùng một chiến tuyến trong kế hoạch siết chặt các hoạt động và tầm ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ này.

Các nhà phê bình như Elizabeth Warren, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ Massachusetts, và Steve Bannon - cựu chiến lược gia của Donald Trump đều đồng tình rằng Facebook và Anphabet phải được điều chỉnh như tiện ích công cộng, hạn chế sự tăng trưởng thông qua việc mua lại. Một số chuyên gia công nghệ và các nhà khoa học cũng cho rằng nên tăng cường thực thi chống độc quyền hoặc phải cập nhật luật cạnh tranh để họ có cơ sở chống lại sự thao túng của những gã khổng lồ công nghệ.

Với sự tăng trưởng mạnh và tầm ảnh hưởng đó, Facebook, Google, Amazon hay những cái tên khác từ Silicon Valley buộc phải tham chiến cùng những nhà chức trách, nơi họ sẽ bị cặp và tước dần những quyền lực đặc thù. Các công ty buộc phải lưu trữ bản sao các quảng cáo và sẵn sàng công bố để xem xét. Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ đang độc lập xem xét việc không cho phép quảng cáo số về chính trị, tương tự điều luật áp dụng cho bản in và truyền hình.

Những gã khổng lồ Silicon nói rằng họ có thể điều chỉnh. Trong nhiều tháng, họ đã nỗ lực để chịu trách nhiệm đối với một số nội dung được đăng tải bởi người dùng, cách mà công ty truyền thông truyền thống chịu trách nhiệm về các tài liệu và ngăn chặn các quảng cáo vi phạm pháp luật và đạo đức.

EU kêu gọi các công ty truyền thông xã hội phải nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn tuyên truyền và gây hận thù. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đưa ra ý tưởng tương tự, theo đó, các công ty internet sẽ được coi là tổ chức xuất bản tin bài, và phải có trách nhiệm nhanh chóng gỡ bỏ các tài liệu khủng bố.

Theo Tăng Khánh

Cùng chuyên mục
XEM