Cùng xuất phát điểm, cùng khoảng thời gian, nhưng Hàn Quốc làm được điều kỳ diệu, Việt Nam thì chưa và đây là lý do!

21/02/2017 13:54 PM | Xã hội

60 năm trước, những đế chế như Samsung, Hyundai hay LG chỉ là những công ty nhỏ, không có chút danh tiếng. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi. “Họ đã trở thành những tập đoàn lớn, đa quốc gia với doanh thu hàng chục, rồi hàng trăm tỷ USD, là những con thuyền đưa nền kinh tế Hàn Quốc ra với thế giới”, ông Trần Trọng Toàn, nguyên là đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc nói.

Trong một buổi giao lưu giữa doanh nhân Việt – Hàn mới đây, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn đã phân tích những lý do ẩn sau thành công của kỳ tích sông Hàn.

“Hàn Quốc và Việt Nam từng có chung xuất phát điểm cũng như có nhiều sự tương đồng về văn hoá”, nguyên Đại sứ cho biết.

Bởi lẽ, nếu nhìn lại dòng lịch sử thì cách đây hơn 50 – 60 năm, hai nước đều bước ra khỏi những cuộc chiến, nghèo đói, lạc hậu. Nhà báo Euny Hong trong cuốn sách của mình đã viết năm 1960 Hàn Quốc là một quốc gia không có gì, điểm duy nhất khiến người ta nhớ đến quốc gia này là quân đội lính đánh thuê Park Chung Hee, lạnh lùng, bạo tàn.

Nhưng mọi sự thay đổi. Đất nước này đã thay da đổi thịt chỉ trong 30 năm, làm được những điều mà những quốc gia phương Tây phải mất 300 đến 400 năm – ông Trần Trọng Toàn nói.

Trên thực tế, cùng khoảng thời gian này Việt Nam cũng có sự thay đổi, nhưng chưa đủ lớn như Hàn Quốc.

“Gốc rễ của sự tương phản thành công này chính là do sự khác biệt văn hoá. Người Hàn quyết liệt hơn người Việt Nam rất nhiều. Đây là điều ít được nhắc đến”, ông Trần Trọng Toàn phân tích.

“Nói như thế không phải hạ thấp người Việt Nam. Chúng ta là một dân tộc quyết tâm, chúng ta đã đánh thắng rất nhiều cuộc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Nhưng sự quyết liệt đó vẫn chưa đủ”, ông Toàn nói tiếp.

Sự quyết liệt của người Hàn, theo ông là rất khắc nghiệt cũng như khác biệt. Nó xuất phát từ căn tính của dân tộc, khi thiên nhiên không hề ưu đãi cho họ một chút nào. Bởi lẽ, cho dù nền nông nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc lạc hậu như nhau nhưng Việt Nam vẫn một năm có được 3 - 4 vụ lúa trong khi đó, Hàn Quốc chỉ có 1.

“Một vụ lúa nuôi cả một đất nước. Do đó, họ làm cái gì cũng phải nhanh, phải nhiều, chất lượng tốt, để phục vụ cho dân tộc”, ông Toàn cho biết.

Từ đó đã sản sinh ra một thứ văn hoá “nhanh lên, cái gì cũng nhanh lên cả”. Sống trong gia đình tứ đại đồng đường, một ngày chỉ có một bữa cơm, nếu không ăn nhanh thì sẽ không còn gì cả.

Điều thứ hai, theo ông Toàn, đó là văn hoá về tôn ti, trật tự. Theo đó, từ gia đình, đến công ty hay rộng hơn là đất nước, tôn ti là thứ được người Hàn Quốc luôn tuân thủ chặt chẽ. “Đấy là sức bật cho các công ty Hàn Quốc sau này”, ông nhận xét.

Thứ ba là trách nhiệm xã hội. Dẫn ra câu chuyện về việc thu hồi sản phẩm lỗi của Samsung năm ngoái, ông cho rằng việc Samsung thừa nhận sai lầm, thu hồi sản phẩm dẫn đến việc công ty bị thiệt hại hàng chục tỷ USD nhưng đổi lại, công ty giữ được sự tín nhiệm của khách hàng. Song song với đó, làm tròn được trách nhiệm, đạo đức xã hội của công ty: sản xuất là hàng hoá chất lượng cao nhất, an toàn nhất cho khách hàng

Nếu nhớ lại đây không phải là lần đầu tiên Samsung chịu thiệt để có sản phẩm tốt nhất. Năm 1995, Samsung cũng có một “đám cháy 50 triệu đô” khi chủ tịch Lee Kun Hee ra lệnh đập nát và đốt toàn bộ kho hàng vì một số điện thoại trong dòng sản phẩm mới bị lỗi. Việc làm này nhằm nhắc nhở toàn bộ nhân viên “chất lượng là nhân cách và giá trị của chúng tôi”.

Thứ 4 ẩn sau thành công của mỗi doanh nghiệp Hàn ông Toàn cho rằng đó chính là tình đoàn kết, yêu doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là nhà. Bởi như vậy mới khiến người ta phấn đấu hết mình vì sự phát triển công ty.

“Tôi nghĩ lao động Việt Nam cũng phải học tập điều này”, ông nói.

Mặt khác, nguyên Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh vào việc doanh nghiệp Hàn rất chú trọng việc đào tạo cho đội ngũ lao động của họ. “Họ coi đội ngũ này là tài sản quý của công ty, do đó, họ luôn tạo điều kiện để người lao động trở nên lành nghề, từ đó đóng góp ngược lại”, ông cho biết.

Nguyên Đại sứ cũng cho rằng Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều cơ hội để phát triển, để bắt kịp được với thế giới. Nếu nắm được các vận hành, áp dụng được những văn hoá doanh nghiệp như thế, Việt Nam cũng sẽ có những bước tiến của riêng mình.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM