Cùng đặt kỳ vọng lớn vào quả chanh leo, HAGL vẫn ở "vạch xuất phát", Nafoods đang rộng cửa xuất sang Âu Mỹ

03/07/2019 16:24 PM | Kinh doanh

Thông thường tùy độ chín của quả chanh leo mà thời gian bảo quản ở nhiệt độ thường có thể đạt từ 7-14 ngày. Tuy nhiên với công nghệ màng sáp, thời gian bảo quản của quả chanh leo có thể đạt 33-34 ngày.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết năm 2018 xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt hơn 3,8 tỷ USD, vượt qua rất nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, vượt qua cả dầu thô và cao su. Tính đến ngày 15/6/2019, xuất khẩu rau quả đạt 1,89 tỷ USD, tăng 3,44% cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy 6 tháng đầu năm nay do tác động của nắng nóng và hạn hán xảy ra kỷ lục tại Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh nhất là với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đã có những ánh sáng tích cực về thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam, khi trái cây nhiệt đới tìm được đường xuất khẩu vào các thị trường khó tính như xoài vào Mỹ, măng cụt vào Trung Quốc. Phía Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho 8 mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này bao gồm sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt.

Cuối tuần qua, một lễ ký kết giữa IFC và CTCP Nafoods Group mở ra một cánh cửa mới cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Nafoods nói riêng, khi IFC, ngoài việc rót vốn 8 triệu USD thông qua cổ phần ưu đãi, sẽ hỗ trợ Nafoods nâng cao công suất chế biến trái cây, mở rộng thị trường xuất khẩu, và phát triển hơn nữa mảng kinh doanh giống cây ăn quả mới thông qua khoản đầu tư và dịch vụ tư vấn kỹ thuật.

Tạo thương hiệu cho trái chanh leo Việt Nam

Nafoods là công ty chuyên chế biến và xuất khẩu các mặt hàng trái cây phục vụ các thị trường ngách, và là doanh nghiệp đi đầu trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ chanh leo. Hàng năm, công ty thu mua hơn 13.300 tấn trái cây tươi và đã qua chế biến từ các vùng khác nhau của Việt Nam bao gồm khu vực Tây Nguyên, vùng núi Tây Bắc, và Duyên hải Bắc Trung Bộ —những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn của cả nước.

Cách đây 10 năm, chanh leo vẫn còn là một quả xa lạ đối với nông dân Việt Nam. Khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Nafoods lúc bấy giờ vẫn đang loay hoay tìm đường ra cho dây chuyền sản xuất nước ép trái cây đặt tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ban đầu công ty trung thành với sản phẩm chủ lực là nước dứa, tuy nhiên đến năm 2009, công ty tìm kiếm và phát triển sản phẩm mới là nước ép chanh leo. Chanh leo không phải là sản phẩm duy nhất của Nafoods, nhưng chanh leo làm nên thương hiệu của Nafoods, khi công ty đã trở thành nhà xuất khẩu chanh leo cô đặc đứng đầu châu Á và chiếm 8% thị phần của thế giới. Năm 2017, công ty cũng đã xuất khẩu chanh leo tươi sang thị trường Châu Âu.

Từ "Na" trong "Nafoods" viết tắt của từ Nghệ An. Ở mảnh đất cằn cỗi này, Nafoods đã đặt nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu tại Quỳnh Châu với công suất dây chuyền cô đặc 5.000 tấn sản phẩm/năm và Dây chuyền quả đông lạnh IQF 2.900 tấn sản phẩm/năm; công ty cũng phát triển viện nghiên cứu giống và Vườn ươm giống quy mô 5ha, công suất 6 triệu cây giống/năm, tại xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An. Năm 2018, công ty mới khánh thành nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu tại tỉnh Long An với công suất dây chuyền cô đặc 7.000 tấn sản phẩm/năm và dây chuyền IQF 5.000 tấn sản phẩm/năm; ngoài ra công ty còn có một xưởng sản xuất dịch chanh leo tại Thành phố Pleiku - Gia Lai với công suất 1.800 tấn dịch/năm. Nông dân có việc làm và quả chanh leo có đầu ra.

Chuyển dịch cơ cấu kinh doanh

Năm ngoái, tiến độ nhà máy tại Long An chậm, cộng thêm tình trạng cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Nam Mỹ khiến giá sản phẩm chủ lực là chanh leo cô đặc giảm mạnh, giá chanh leo tươi năm ngoái có thời điểm đạt 30.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 7.000 – 10.000 đồng/cp. Công ty có biến động về nhân sự chủ chốt đã khiến Nafoods không hoàn thành kế hoạch năm, Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2018 chỉ đạt 607.6 tỷ đồng và 40.4 tỷ đồng, lần lượt bằng 81% và 54% kế hoạch đặt ra đầu năm.

 Cùng đặt kỳ vọng lớn vào quả chanh leo, HAGL vẫn ở vạch xuất phát, Nafoods đang rộng cửa xuất sang Âu Mỹ  - Ảnh 1.

Tuy nhiên đó là các dữ liệu của quá khứ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ryan W.Galloway, Phó tổng giám đốc/Giám đốc kinh doanh của Nafoods cho biết ban lãnh đạo mới của Nafoods bắt đầu làm việc từ quý 2/2018, trong 6 tháng cuối năm 2018 đã tạo ra 20 triệu USD doanh thu trên tổng số 600 tỷ đồng của cả năm. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu của Nafoods bằng doanh thu cả năm 2018, kế hoạch cuối năm nay doanh thu sẽ vượt 1.000 tỷ đồng.

 Cùng đặt kỳ vọng lớn vào quả chanh leo, HAGL vẫn ở vạch xuất phát, Nafoods đang rộng cửa xuất sang Âu Mỹ  - Ảnh 2.

Ông Ryan W.Galloway, Phó tổng giám đốc/Giám đốc kinh doanh của Nafoods

Cơ cấu doanh thu của Nafoods đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, không phụ thuộc vào một ngành hàng chủ lực là chanh leo cô đặc. Cụ thể, nhóm các sản phẩm cô đặc từ chỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất năm 2017 (56%) chỉ còn chiếm 18% doanh thu năm 2018. Cây giống chanh leo vươn lên 24% doanh thu năm 2018, so với mức 19% của năm 2017. Các sản phẩm Puree và Rau củ quả đông lạnh IQF nhờ Tổ hợp nhà máy Long An đi vào hoạt động có một năm tăng trưởng mạnh, cũng đang ngày một đóng góp lớn hơn khi lần lượt chiếm 12% và 16% doanh thu năm 2018. Trong khi đó, các sản phẩm trái cây tươi và giá trị gia tăng, dù mới chỉ được đẩy mạnh tiêu thụ vào các tháng cuối năm 2018 nhưng cũng đã đóng góp lần lượt 4% và 7% vào cơ cấu doanh thu của Công ty. Năm ngoái, công ty đưa vào thử nghiệm sản phẩm trái cây sấy như xoài sấy dẻo, chanh leo sấy, dự kiến tới đây sẽ đẩy mạnh mặt hàng này.

Một điểm đáng chú ý là thị trường trong nước tăng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Nafoods với 44% (so với năm 2017 chỉ 30%), Châu Âu giảm mạnh từ 51% xuống 22%, Châu Á tăng từ 11% lên 14% và thị trường Úc tăng từ 2% lên 7%, Châu Mỹ tăng từ 6% lên 11%.

 Cùng đặt kỳ vọng lớn vào quả chanh leo, HAGL vẫn ở vạch xuất phát, Nafoods đang rộng cửa xuất sang Âu Mỹ  - Ảnh 3.

Kỳ vọng đưa chanh leo vượt biển sang Mỹ

Năm ngoái, Nafoods ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ các thị trường lớn và tiềm năng như: Nongfu (Trung Quốc), Voskhod (Nga), 4Ways (Úc), Ấn Độ, Trung Đông...Theo đó, việc ký hợp tác với Nongfu Thượng Hải sẽ giúp Nafoods phân phối hơn 150.000 tấn trái cây tươi tới thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2020. Ông Ryan W.Galloway chia sẻ, Nafoods đã xuất khẩu 10 container chanh leo sang Trung Quốc, công nghệ bao gói khí quyển (Modified atmosphere packaging) kết hợp với màng sáp giúp tăng thời gian bảo quản của chanh leo.

Quan trọng nhất là công ty đã chủ động về giống. Cây chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 3 năm và trồng sau 5-6 tháng bắt đầu cho thu hoạch trái. Cây sẽ phát triển tốt nhất ở độ cao 500 – 1000m so với mặt nước biển, trên các sườn đồi. Nafoods đã phát triển được viện nghiên cứu giống có thể đạt tối đa công suất 6 triệu cây giống/năm và hiện đã cho ra 3 giống chanh leo đặt tên Nafoods phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Công ty cũng mở rộng vùng nguyên liệu tại Gia Lai và miền núi phía Bắc, Lào và Campuchia. Vì chanh leo của Lào được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, do đó Nafoods kỳ vọng thời gian tới sẽ mở rộng sản phẩm trái cây tươi vào thị trường này.

Chủ tịch Nafoods ông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, chanh leo tươi của Việt Nam sẽ có mặt tại các siêu thị của Mỹ. Điều này không phải là không khả thi. Thông thường tùy độ chín của quả chanh leo mà thời gian bảo quản ở nhiệt độ thường có thể đạt từ 7-14 ngày. Tuy nhiên với công nghệ màng sáp, thời gian bảo quản của quả chanh leo có thể đạt 33-34 ngày.

Theo ông Ryan, Nafoods hiện tại công ty đang vận chuyển 10-20 tấn/tuần sang Châu Âu qua đường hàng không nhưng công ty đã xuất khẩu thử nghiệm chanh leo bằng đường biển, thời gian đi tàu từ TP.HCM đến cảng Rotterdam từ 21-25 ngày, và quả chanh leo có 6-7 ngày để đến tay người dùng ở Châu Âu. Theo tìm hiểu của người viết, hiện tại Nafoods đang bị áp thuế 7%, so với các nước Nam Mỹ thuế là 0%, khi EVFTA có hiệu lực, công ty có thể được cắt giảm 5-7% chi phí thuế, và hiệp định này sẽ tác động tích cực không chỉ đối với trái cây chế biến nói riêng mà với cả các sản phẩm giá trị gia tăng như cô đặc, cấp đông, sấy. Theo chia sẻ của đại diện Nafoods, sản lượng quả tươi xuất khẩu hiện tại 50% đến thị trường Trung Quốc, 25% tới thị trường Châu Âu và 25% sang thị trường Trung Đông.

Với sự hỗ trợ của IFC, Nafoods sẽ có cơ hội hợp tác với các chuyên gia của New Zealand và Slovakia, tăng chất lượng bảo quản các sản phẩm trái cây tươi. IFC cũng sẽ giúp nông dân trồng cây tuân thủ các nguyên tắc thực hành và tiêu chuẩn toàn cầu về canh tác bền vững, giúp họ đạt được các chứng nhận quốc tế như Global Gap, Chứng nhận của Liên minh Rainforest, và Chứng nhận Thương mại Công bằng Fair Trade…qua đó có thể đạt các tiêu chuẩn khắt khe khi muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Nafoods Group đặt mục tiêu đến năm 2022, đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu; tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 25%, Kiểm soát 50% nguyên liệu toàn Việt Nam cho 5 loại trái cây trọng điểm như chanh leo quả tươi, thanh long quả tươi, chuối, nhân điều, xoài sấy…duy trì các thị trường, khách hàng hiện tại và đẩy mạnh phát triển các thị trường mới như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Đông…

Năm 2017, khi chuyển dịch mô hình sang công ty nông nghiệp trồng cây ăn trái, Hoàng Anh Gia Lai cũng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến cho công ty và xâm nhập được thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, trong báo cáo thường niên của Hoàng Anh Gia Lai Agrico, công ty nông nghiệp của HAGL đã không nhắc đến quá nhiều về chanh leo.

HAGL từng đặt mục tiêu thu về 1.000 tỷ doanh thu từ chanh leo năm 2017 - lớn nhất trong 3 loại trái cây khi đó là chanh leo, chuối và thanh long. Sang năm 2018, kế hoạch thu hẹp còn 650 tỷ và đến năm 2019, HAGL dự kiến chỉ thu về 30 tỷ từ chanh leo và tập trung vào sản phẩm chủ lực là chuối.

Theo Châu Cao

Cùng chuyên mục
XEM