Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Từng rất xấu hổ vì Doanh nghiệp Việt làm ăn mất uy tín

08/06/2016 08:50 AM | Xã hội

Xuất khẩu trái cây Việt Nam năm nay dự kiến sẽ vượt con số kỷ lục 1,8 tỷ USD của năm 2015. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, để đạt được kết quả này, cơ quan chức năng từng xấu hổ khi đàm phán vì DN Việt làm ăn mất uy tín.

Theo số liệu Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 764 triệu USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2015.

Đến tháng 5/2016, con số này đã tăng lên hơn 900 triệu USD. Dự kiến trái cây Việt sẽ phá kỷ lục vào cuối năm nay.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thừa nhận vẫn còn thách thức song đây là cơ hội lớn để hoa quả Việt vươn ra thế giới.

DN xuất khẩu: chỉ được 3 lô hàng đầu tiên là đảm bảo chất lượng

- Xin chào ông. Thời gian qua, Việt Nam đã khá nỗ lực khi lần lượt đưa trái cây tươi "xuất ngoại", đặc biệt sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand. Ông có đánh giá như thế nào về kết quả này?

- So với năm 2015, dù còn một số khó khăn và thử thách, song đến thời điểm này, xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang khá thuận lợi khi chúng ta đã mở được kênh xuất khẩu vào hàng loạt thị trường khó tính nhất thế giới.

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 764 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (47,7%). Cho đến bây giờ, theo ước lượng, con số này đã lên tới gần 900 triệu USD.

Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, cao nhất trong 60 năm qua. Hy vọng từ giờ tới cuối năm, kim ngạch sẽ tăng hơn so với năm 2015.

- Không thể thừa nhận những thành công trong thời gian qua, song trái cây Việt cũng còn rất nhiều những khó khăn khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Brazil thường có quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại quả tươi.

Để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật, các loại quả tươi ở Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Trong khi đó, sản xuất của Việt Nam rất nhỏ lẻ, manh mún. Đơn cử như việc cấp mã số cho quả vải sang Úc, chúng tôi phải gom 28 hộ thì mới cấp được 1 mã số với 10 hécta. Việc đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu là rất vất vả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào xuất khẩu trái cây tươi không nhiều. Mấy năm rồi chúng tôi đã tạo điều kiện nhiều nhất, phục vụ tận tình, thậm chí mời gọi các nhà xuất khẩu (chủ yếu ở phía nam) tham gia xúc tiến.

Tuy nhiên, có thể nói, năng lực của DN Việt còn rất yếu (90% là DN vừa và nhỏ), đặc biệt việc tham gia nông sản càng yếu hơn. Số lượng nhà đầu tư nhận xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc chưa quá 10 đầu ngón tay.

Qua quá trình xúc tiến, có thể đánh giá đạo đức kinh doanh của một số đơn vị chưa chuẩn mực. Nhiều khi chúng tôi sang đàm phán với các nước rất xấu hổ khi 3 lô hàng đầu tiên DN đáp ứng rất đúng quy định, nhưng càng lô hàng sau thì càng giảm chất lượng, làm mất uy tín.


Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Nguồn ảnh: TP.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Nguồn ảnh: TP.

- Vì sao riêng quả vải Việt phải mất đến 12 năm mới sang được thị trường Úc, thưa ông?

- Theo quy định của phía đối tác Mỹ và Úc, một cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam phải có thư chính thức kèm theo các thông tin kỹ thuật theo tiêu chuẩn của nước sở tại và của quốc tế. Trên cơ sở đó, phía đối tác tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại. Quá trình kéo dài hơn 10 năm mới hoàn thành.

Trong suốt quá trình này, hai bên đều họp song phương nhiều lần. Các cán bộ cấp cao của Việt Nam từ Chủ tịch nước, Bộ trưởng, Cục...đều đặt vấn đề này trong các cuộc thăm viếng giữa hai bên.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại nhất là vấn đề phân tích nguy cơ dịch hại mất thời gian rất lâu. Với nhiều nước thì quá trình này diễn ra ngắn hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ mất 3 năm, với New Zealand cũng nhanh hơn.

- Ngoài đáp ứng các nhu cầu về quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu, thì đâu là khó khăn khi sản lượng trái cây tươi “xuất ngoại” của Việt Nam còn hạn chế?

- Hiện không một doanh nghiệp Việt nào có thể xuất khẩu 1 kg thanh long sang thị trường Chile, trong khi nho của Chile sang Việt Nam rất nhiều. Tại sao cùng một quãng đường, họ đi được còn chúng ta thì không?

Có thể nói rằng, ngoài công nghệ xử lý - bảo quản của Chile trong quá trình vận chuyển hoa quả rất tốt thì chi phí vận chuyển của họ rất thấp.

Hay như một 1kg thanh long từ Thái Lan sang Nga ít hơn gần 2 USD so với chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang.

Thực tế, bản thân các nước đó có chính sách trợ giá, đặc biệt cược vận chuyển được hỗ trợ rất tốt. Trong khi ở Việt Nam, để dành được sự ưu tiên cho nông sản qua các hình thức vận chuyển là rất khó khăn.

Khó rút ngắn được thời gian "xuất ngoại" của hoa quả Việt

- Một trong những khó khăn của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu là việc chiếu xạ, xử lý nước nóng. Và đây cũng là khâu đòi hỏi nhiều chi phí nhất. Làm cách nào để giải quyết khó khăn này?

- Tùy từng nhà máy chiếu xạ, xử lý nước nóng sẽ có mức chi phí khác nhau. Và đương nhiên, những đơn vị làm nhiều thì mức giá sẽ giảm, ngược lại, nhà máy chỉ đi một thị trường sẽ có phí cao hơn. Tuy nhiên, chi phí xử lý nước nóng dao động 0,5-0,9 USD/kg.

Bộ NN&PTNT cùng bộ KHCN đã xây dựng, nâng cấp thành công một cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc, đã giúp cho chi phí chiếu xạ giảm hơn. Riêng chiếu xạ cho quả vải đã giảm tới 16 triệu đồng/tấn.

- Với số lượng trung tâm chiếu xạ, xử lý bằng hơi nước nóng hiện tại ở Việt Nam mới chỉ đủ đáp ứng sản lượng xuất khẩu hiện thời. Trong khi thời gian tới, định hướng sản lượng sẽ tăng lên, liệu các trung tâm có quá tải?

- Các cơ sở xử lý bằng hơi nước nóng chủ yếu tập trung ở phía Nam, Trung (4 cơ sở), mới đây đã mở thêm 1 cơ sở ở Hà Nội. Thừa nhận rằng nếu sau này hoa quả Việt, đặc biệt là vải yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng tăng lên thì chúng ta lại rất khó khăn.

Thế nhưng, đây là bài toán không thể giải quyết một sớm một chiều.

Bộ Nông nghiệp, Cục cũng đã tạo điều kiện tối đa, can thiệp miễn thuế để doanh nghiệp thành lập cơ sở xử lý nước nóng ở Hà Nội. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp và lợi nhuận họ đặt trên hàng đầu. Nếu tính toán không có lợi, hay lỗ là họ không thể làm được.

Trong khi chi phí xây dựng cơ sở chiếu xạ, hay xử lý bằng hơi nước nóng vô cùng tốn kém. Đơn cử để đầu tư vào một cơ sở chiếu xạ, máy nhập từ Mỹ đã hết 10 triệu USD, chưa kể chi phí cở sở vật chất, đất đai, nhà cửa như kho lạnh, đóng gói… cũng phải thêm vài triệu USD nữa.

Thực tế, các cơ sở phải hoạt động mới có tiền duy trì. Thế nhưng, chỉ thị trường phía Nam mới có sản phẩm đưa vào vận hành liên tục. Ngược lại, khu vực phía Bắc gần như rất hiếm. Như mùa vải giỏi lắm chỉ duy trì trong 1 tháng, quả nhãn hay thủy sản thì có vài con tôm cũng tương tự.

Mặc dù Bộ NN đã khuyến khích nhưng doanh nghiệp vẫn không thể xây dựng thêm nhà máy, đặc biệt khu vực phía Bắc.


Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, BộKH-CN). Ảnh: KL.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, BộKH-CN). Ảnh: KL.

- Một câu chuyện về lợi nhuận được người dân khá cân nhắc khi tiền thu về từ xuất khẩu hoa quả đi Úc, Mỹ, Nhật không chênh nhau nhiều so với Trung Quốc, trong khi chi phí canh tác theo quy trình để đáp ứng các thị trường khó tính lại tốn kém hơn. Ý kiến của ông như thế nào?

- Trước đây, câu chuyện này hoàn toàn đúng nhưng hiện giờ đã thay đổi. Kỹ thuật canh tác của người dân hiện khác rất nhiều, hiện đại hơn. Điều mà người nông dân cần bây giờ chính là thị trường.

Có thể lấy ví dụ về kỹ thuật trồng vải ở Hải Dương. 1 hécta vải thiều, nhưng nông dân đã cho 500 m2 chín trước, nửa còn lại cho chín sau. Thậm chí, họ cho biết, có thể áp dụng kỹ thuật này ngay trên 1 cá thể cây.

Có thể hiểu, từ trước tới nay, từ khi chưa xuất ra thị trường nước ngoài, chúng ta đã phải làm theo các quy trình kép. Trong đó, một số khâu kỹ thuật đã phải thực hiện rồi. Do đó, các quy định của các nước khi cho phép hoa quả Việt nhập vào chỉ là bổ sung thêm một số khâu.

Phần lớn người dân đã nhận thức tiến bộ. Họ tỏ ra rất hồ hởi và muốn làm theo cách công tác mới, hiện đại.

Hiện nay, chúng ta đã mở cửa một số thị trường tuy không nhiều nhưng là động lực rất tốt để đẩy giá lên. Sản lượng không đánh giá được hết thị trường.

Việc thực hiện các quy trình canh tác mới giứp người dân tập canh tác trồng trọt theo quy trình chuẩn mực. Với cách thức làm như vậy, cứ năm này qua năm khác, tôi khẳng định sản lượng sẽ nhiều hơn và khi ra được thị trường, giá cả sẽ tăng lên.

- Trong thời gian tới, thời gian để đưa các loại quả tươi của Việt Nam có được rút ngắn?

- Hiện nay, các nước đang vẫn dựa vào các quy định chung để đưa ra đánh giá nguy cơ dịch hại và không có một quốc gia nào dám đưa ra một văn bản có thời hạn bao lâu để cho một loại trái cây nào xuất khẩu thị trường nào đó.

Bởi mỗi loại quả có một danh sách dịch bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, thông tin liên quan cũng phải được cập nhật liên tục.

- Sắp tới loại quả nào sẽ được xuất ngoại và công tác kiểm dịch trái cây trước khi xuất khẩu như thế nào?

- Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục duy trì, giữ được thị phần các loại quả đã và đang ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực đàm phán để đưa thêm các loại trái cây khác vào các thị trường đó.

Đối với việc sản xuất, Cục cũng chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất theo đúng quy định mà Cục đã hướng dẫn.

Đặc biệt, Cục sẽ chỉ đạo 2 trung tâm kiểm dịch tại 2 đầu miền Nam và miền Bắc xuống hướng dẫn các chi cục BVTV, trung tâm khuyến nông và xuống tận huyện để chức các lớp huấn luyện, hướng dẫn nông dân thực hiện việc sản xuất theo đúng quy định của các nước nhập khẩu.

Cảm ơn ông!

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM