Cú ngã đau đớn của Khóa Minh Khai và bài học về kinh doanh tử tế: Lừa dối khách dù chỉ một lần, họ sẽ quay lưng với bạn mãi mãi!

30/10/2017 07:38 AM | Kinh doanh

Khóa Minh Khai vốn là niềm tự hào thời bao cấp nhưng đánh mất 36 năm thương hiệu, chỉ vì một lần trót 'nhập khóa Trung Quốc, dán mác khóa Việt Nam chất lượng cao'.

Trong một môi trường kinh doanh còn chưa được hoàn thiện như ở Việt Nam, những câu chuyện doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng như đánh tráo sản phẩm hay đóng nhãn mác giả thực ra không phải là chuyện hiếm.

Lật lại lịch sử gần 10 năm trước, chắc hẳn không ít người vẫn còn nhớ vụ việc một thương hiệu Việt Nam tuy nổi tiếng nhưng đã ‘làm dối trá’ bằng cách đã nhập lô hàng hàng vạn chiếc từ Trung Quốc, sau đó đóng nhãn của mình và bán ra thị trường trong nước ăn chênh lệch tới gấp đôi.

Thời điểm đó, cơ quan chức năng ập vào và bắt quả tang ngay tại trận nhân viên công ty này đang đóng những dòng chữ “Tiêu chuẩn ISO 9000 - 2000”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2006” lên từng món hàng nhập từ Trung Quốc.

Từ đó, thương hiệu gắn liền với người Việt từ thời bao cấp này chìm nghỉm trên thị trường và không bao giờ lấy lại được vị thế cũ.

Khóa Minh Khai xuất khẩu trời Âu - Niềm tự hào của người Việt thời bao cấp

Trong những ngày tháng bom đạn Mỹ tàn phá thủ đô, nhà máy khóa Minh Khai được ra đời vào ngày 5/5/1972 theo quyết định thành lập của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Đúng như tinh thần anh hùng mà người dân thời đó sống, những người công nhân khóa Minh Khai đã phải vừa sản xuất khóa, vừa chiến đấu để bảo vệ nhà máy.

Dần dần những chiếc khóa đầu tiên ra đời với biết bao sự trăn trở. Từ những thứ đơn giản như những chiếc ke bản lề, chốt cửa các loại có trước cho đến một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên là chiếc khóa tay nắm dài. Những sản phẩm cứ thế ra đời, trong số đó có những chiếc khóa đã vượt biên giới, xuất sang châu Âu và uy tín của khóa Minh Khai vững vàng trên thị trường trong và ngoài nước.

Liên tiếp những năm của thập kỷ 90 thế kỷ trước, mẫu mã khóa Minh Khai chiếm được cảm tình và lòng tin của khách hàng. Từ năm 1999, sản phẩm khóa Minh Khai liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Trong ký ức của người dân miền Bắc sống ở thời kỳ chiến tranh hay qua thời kỳ bao cấp, khóa Minh Khai chính là một niềm tự hào xen lẫn ký ức.

Lừa dối người tiêu dùng: Nhập khóa Trung Quốc, dán mác 'hàng Việt Nam chất lượng cao', bán ăn chênh lệnh

Cho đến năm 2004, nhà máy khóa Minh Khai vẫn chưa hề có công nghệ sản xuất khóa tay nắm tròn, tuy nhiên không lâu sau đó, người ta lại thấy sản phẩm loại này của công ty xuất hiện trên thị trường.

Khóa tay nắm tròn của Minh Khai mang ký hiệu MK14F, được đánh số từ No 6 đến No 10 và được bán với giá 84.000 đồng trở lên cho một chiếc. Chiếc nào cũng in biểu tượng “hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO 9001:2000”.

Điều này cũng là một dấu hỏi lớn được đặt ra bởi chính các cơ quan chức năng.


Khóa tay nắm tròn của Minh Khai

Khóa tay nắm tròn của Minh Khai

Nghi vấn lên cao khi tại trụ sở khóa Minh Khai thời điểm đó ở 125D Minh Khai, Hà Nội, các cơ quan chức năng không hề thấy có xưởng hay dây chuyền sản xuất ra khóa tay nắm tròn. Thậm chí, lúc đó, đa số công nhân của khóa Minh Khai đều được cho nghỉ việc. Như vậy thì ai là người sản xuất ra những tay khóa nắm tròn này?

Các loại khóa bán ra đều mới, không phải là hàng tồn kho. Vậy những ổ khóa này là từ đâu ra? Chất lượng của chúng ra sao? Hàng loạt câu hỏi đã được trinh sát khẩn trương, thận trọng xác minh, bởi dù sao đây cũng là thương hiệu lâu đời, khá nổi tiếng trên thị trường.

Đến đầu tháng 1/2008, câu trả lời được hé lộ. Chiều 14/1, các trinh sát Đội Chống hàng giả bất ngờ ập vào căn phòng tầng 1 tại địa chỉ 125D Minh Khai. Bên trong căn phòng, có 3 công nhân đang tháo vỏ hộp khóa Trung Quốc mang nhãn hiệu Frego thành khóa Minh Khai.


Bắt quả tang tráo vỏ hộp

Bắt quả tang tráo vỏ hộp

Theo tường trình của 3 công nhân, họ làm công việc này theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Khi thay vỏ, công nhân tháo bỏ các phần hướng dẫn bằng tiếng Anh và để vào đó hướng dẫn, phiếu CKS, bảo hành của khóa Minh Khai. Trong gần 1.500 chiếc khóa tại hiện trường đã có 284 chiếc được “thay da đổi thịt”.


Mỗi kiện hàng chứa 30 chiếc khóa chữ viết toàn bằng tiếng Anh

Mỗi kiện hàng chứa 30 chiếc khóa chữ viết toàn bằng tiếng Anh

Cùng thời điểm này, một tổ công tác Đội Chống hàng giả kiểm tra một phân xưởng tại nhà máy mới của khóa Minh Khai ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Ở đây, lực lượng chức năng phát hiện 284 thùng khóa bên ngoài ghi tiếng Anh, bên trong có 8.520 chiếc khóa ngoài vỏ ghi nhãn hiệu Frego, sản xuất tại Trung Quốc. Thế nhưng khi mở hộp, toàn bộ khóa, chìa khóa và các chi tiết đều đã dập nhãn chìm Minh Khai.

Như vậy, mọi việc đã rõ ràng, toàn bộ khóa Minh Khai kiểu tay nắm tròn, với lô hàng khoảng 1 vạn chiếc, mang ký hiệu MK14F đều có xuất xứ từ Trung Quốc. “Công nghệ”, “dây chuyền sản xuất” khóa Minh Khai áp dụng đơn giản chỉ là đổi vỏ hộp Trung Quốc thành vỏ khóa Minh Khai rồi bán ra thị trường.


Các mẩu giấy này là phiếu kiểm tra chất lượng mà khóa Minh Khai cho vào hộp khóa sau khi đã tráo vỏ

Các mẩu giấy này là phiếu kiểm tra chất lượng mà khóa Minh Khai cho vào hộp khóa sau khi đã tráo vỏ

Thậm chí, mọi việc còn đáng xấu hổ hơn với thương hiệu khóa đã từng huy hoàng thời bao cấp khi mà ông Trương Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần khóa Minh Khai đã khai nhận số khóa trên không phải được nhập từ Trung Quốc mà nhập qua các công ty Việt Nam là Công ty Ngôi sao Châu Âu Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ thương mại BNB.

Như vậy, người tiêu dùng đã phải chịu giá nâng lên đến ít nhất là hai lần trung gian. Được biết, trên thị trường, tuy giá bán một ổ khóa tròn Minh Khai là 84.000 đồng nhưng với loại khóa Trung Quốc nói trên, chỉ nhập chỉ là khoảng 30.000 đồng.

36 năm gây dựng thương hiệu, uy tín tiêu tan chỉ vì một lần lừa dối khách hàng

Một điều tra viên Phòng PC15, Công an TP Hà Nội đã nói về “sự cố” khóa Minh Khai giả bị lộ tẩy chiều ngày 14/1 như thế này: “30 năm làm Cảnh sát kinh tế, lần đầu tiên tôi gặp trường hợp gian lận như thế này. Họ đã tự đánh mất thương hiệu, uy tín gây dựng trong nhiều năm, đã đánh lừa người tiêu dùng một cách trắng trợn”.


Hàng giả đã vào kiện

Hàng giả đã vào kiện

Theo Luật sư Võ Trí Hảo, ở thời điểm đó, Công an Hà Nội đã khởi tố khóa Minh Khai với tội danh ‘Sản xuất, buôn bán hàng giả’ – một tội danh được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Năm 2016 vừa qua, trong đợt công bố báo cáo tài chính, khóa Minh Khai đã chỉ thoát lỗ khi chuyển đổi đất nhà máy sản xuất thành cao ốc và được chi lại lợi nhuận từ dự án này. Do thiếu vốn, sản phẩm của khóa Minh Khai không đa dạng, sức cạnh tranh của công ty kém và hiệu quả sản xuất kinh doanh không có gì nổi bật suốt giai đoạn từ năm 2008 đến nay.

Sau hơn 40 năm gây dựng thương hiệu 'khóa Minh Khai', công sức vun đắp của nhiều thế hệ công nhân đã bị vùi lấp bởi cung cách làm ăn gian dối của một bộ phận ban lãnh đạo Công ty.

Giờ đây, khóa Minh Khai đã "chìm nghỉm" trên thị trường, và người ta chỉ còn biết đến những khóa Việt Tiệp, khóa Ivan...

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM