Cứ mỗi ngày có 50 startup công nghệ, nhà hàng mới được mở, startup ở Sài Gòn đang trở nên ‘nóng’ ngang ngửa thung lũng Silicon

06/10/2016 08:18 AM | Kinh doanh

Sài Gòn đang trở thành điểm nóng khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, phòng tập...

Tháng trước, việc TP Hồ Chí Minh công bố gói 1 nghìn tỉ VNĐ hỗ trợ khởi nghiệp là minh chứng rõ ràng cho thấy dường như tất cả mọi người đều đang trong một cuộc chạy đua nhằm nắm bắt cơ hội trong bối cảnh môi trường kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang bùng nổ khuyến khích tiềm năng tăng trưởng cực lớn trên rất nhiều lĩnh vực.

Eddie Thai vốn là cái tên không còn quá lạ lẫm trong giới khởi nghiệp Việt Nam. Anh hiện đang là đại diện quỹ đầu tư 500 Startups đến từ thung lũng Silicon để quản lý quỹ trị giá 10 triệu USD đầu tư vào những công ty khởi nghiệp công nghệ tiềm năng tại Việt Nam.

"Tất cả đều đồng thuận cho rằng việc thúc đẩy sự ra đời của các công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm”, Eddie chia sẻ. “Nó sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của các công ty hiện thời và đồng thời làm tăng doanh thu từ thuế cho chính phủ. Dĩ nhiên, để đạt được như vậy cần có thời gian nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn hứng khởi cao độ nhất. Chưa bao giờ có nhiều startup đến vậy, tài năng của các nhà sáng lập cũng nâng cao hơn và các khía cạnh về mặt công nghệ cũng được cải thiện hơn".

Nhân tài nhiều, năng động và nhiệt huyết

Việt Nam vốn luôn được xem là đất nước sở hữu những nhân tài chất lượng bậc nhất thế giới. Theo một số liệu được tờ The Economist công bố vào tháng 4, những học sinh 15 tuổi của Việt Nam tỏ ra vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa tại Mỹ và Anh trong bài thi toán và các môn khoa học.

Sinh viên Việt Nam nhìn chung bắt đầu tiếp xúc với các môn học này sớm hơn rất nhiều so với ở phương Tây. Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cũng tỏ ra vượt trội hơn trong việc nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ khi tiến tới bậc đại học.

Theo Sách trắng về công nghệ viễn thông và thông tin Việt Nam, quốc gia này hiện có trên 100.000 nhà phát triển phần mềm và khoảng 75.000 nhà sản xuất nội dung kỹ thuật số hoạt động trong lĩnh vực IT. Trong số đó, trên 40.000 người tốt nghiệp từ các chương trình liên quan tới chuyên ngành IT, chưa kể gần 100.000 sinh viên học tập ở nước ngoài.

Nhân tố bí ẩn tạo nên thành công ở đây chính là: Tinh thần hăm hở, bất chấp.

Trần Danh - chủ sở hữu của Quán Bụi:


​

"Trước đây Việt Nam từng có nguồn nhân lực hạn chế. Sinh viên tốt nghiệp ngành phát triển phần mềm chỉ kiếm được mức lương 250 USD/tháng tuy nhiên con số này đang được cải thiện lên mức 1.000 – 3.000 USD”, Eddie nói.

Hơn nữa, hiện đang có nhiều cơ hội làm việc tại Việt Nam hơn bao giờ hết. Với sự bùng nổ công nghệ trong suốt thập kỷ qua, những người Việt trẻ tuổi giờ đây có thể dễ dàng mở công ty của riêng mình từ điện thoại hay chiếc laptop.

Nhà hàng, dịch vụ giao đồ ăn, công ty marketing kỹ thuật số, phòng tập thể dục, phát triển web là danh sách vô tận những lĩnh vực khởi nghiệp phổ biến nhất.

Điểm khác biệt giữa những sinh viên Mỹ và Anh trẻ tuổi với lớp sinh viên Việt Nam hiện tại là họ năng động và quyết tâm hơn. Họ đi làm thêm, kiếm tiền trợ cấp cho gia đình, tự lập những dự án nhỏ và vượt mặt tất cả những đối thủ.

Barbara Ximenez – đồng sáng lập người Tây Ban Nha của Shutta – một ứng dụng chụp ảnh từ video có trụ sở tại Sài Gòn giải thích lý do chính mà đồng sáng lập người Anh của cô là James Shimell đồng ý chọn Sài Gòn là nơi phát triển công ty là bởi: “Chúng tôi đã tới đây du lịch 2 lần. Điều dễ dàng nhận thấy là dân số ở đây quá trẻ. Thời điểm này chính là giai đoạn vàng để phát triển. Trên một nửa lực lượng lao động nằm trong độ tuổi từ 15 – 35, có trình độ học vấn và cực kỳ tham vọng. Các ứng viên vào công ty tôi luôn đang thực hiện một dự án. Thường thì họ sẽ đảm nhận 1, 2 hoặc 3 công việc cùng một dự án cá nhân nữa”.

Barbara tiếp tục chia sẻ hiện tại khi phỏng vấn, công ty của cô chỉ tuyển những người đang cùng lúc thực hiện những dự án riêng và đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ. Một nhân viên tiêu chuẩn với chúng tôi thật sự là người rất xuất sắc.

“Việt Nam đã khơi nguồn cảm hứng để Shutta chọn đây là nơi đầu tiên đặt trụ sở. Văn hóa Việt Nam khiến tôi đặt nhiệm vụ khởi động dự án của mình lên hàng đầu”.

Trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp đã diễn ra từ nhiều năm nay tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên điểm đáng nói là không chỉ công nghệ, startup còn đang diễn ra sôi động ở nhiều lĩnh vực khác nữa.

Bùng nổ trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ tới thực phẩm và phòng tập

"Sài Gòn rất mới. Con người Việt Nam luôn yêu thích những thứ mới mẻ. Đó là một phần văn hóa tại đây", Trần Danh – chủ sở hữu chuỗi Quán Bụi tại TP Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn.

Anh vừa mở nhà hàng thứ 5 của mình và hướng đến phục vụ món ăn Việt cho cả khách trong và ngoài nước. Quán Bụi trở thành địa điểm "hot", là nơi tụ tập cho các gia đình hay là nơi du khách nước ngoài chọn lựa để thưởng thức và khám phá ẩm thực Việt.

Hiện có khoảng 50 nhà hàng được mở mỗi ngày tại Sài Gòn và trong 10 năm tới các quán ăn đường phố có lẽ sẽ không còn phổ biến như bây giờ nữa”, anh Danh nói. “Sài Gòn đang bùng nổ nhưng vẫn là nơi có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Rất nhiều khoản đầu tư đang được đổ vào đây và Sài Gòn đã thực sự trở thành một thành phố quốc tế".

Được biết Trần Danh mở nhà hàng sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực marketing và nhờ vậy anh có cơ hội quen biết nhiều người trên khắp thế giới. Trần Danh tin rằng ở Sài Gòn sẽ còn nhiều lĩnh vực khác nữa chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc các bạn trẻ năng đi du lịch, trải nghiệm, học tập ở nước ngoài. Họ lượm lặt những xu hướng mới nhất và mang về đất nước của mình.

Matthew Heller hiện là Giám đốc của Saigon Sports Club – một trung tâm thể hình tại Quận 7.

“Đây là điểm dừng chân cho mọi hoạt động. Chúng tôi phục vụ những đồ ăn có lợi cho sức khỏe và sạch. Đi trước đón đầu các xu hướng thể dục mới nhất. Chúng tôi đang cố tạo ra một nơi mà mọi người có thể đến làm mọi thứ mình muốn và giúp tạo dựng nên một cộng đồng”.

Trước đó Matthew sống và làm việc tại Malaysia. Anh cho biết: “Tôi thấy rõ những chuyển biến của nơi này và mọi người đều đang tận dụng những cơ hội đến kèm với đó. Sự khác biệt ở đây so với New York – nơi tôi sinh ra là số tiền cần đầu tư lớn hơn nhiều. Có rất nhiều thứ chưa xuất hiện và không ai ở đây có đủ khả năng tạo ra những thứ như vậy giống như ở Mỹ”.

Cuối cùng, dù triển vọng tăng trưởng trên nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam là rất lớn tuy nhiên cần phải sớm thi hành những chương trình giáo dục và đào tạo quy mô lớn trước khi bất kỳ dự án hứa hẹn nào của các doanh nhân có thể trở thành hiện thực.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM