Cứ 100 khách hàng vào FPT Shop thì có 44 người rút ví mua hàng

05/12/2017 12:34 PM | Kinh doanh

Cách đây 2 năm, tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm ở FPT Shop chỉ là 24%, nhưng đến nay đã tăng lên 44%.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, việc mở mới cửa hàng FPT Shop sẽ không còn là chiến lược trọng tâm của chuỗi này kể từ năm 2019. FPT Retail đã đưa ra 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm mới để tăng doanh thu mỗi cửa hàng, chỉ tiêu trọng yếu đối với tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ nhất, FPT Retail sẽ tập trung cải thiện dịch vụ khách hàng để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tại các FPT Shop

Theo công bố của FPT Retail, trong vòng 2 năm kể từ 2015, chuỗi này đã tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng dịch vụ từ 17% lên 34%. Đáng chú ý, dù tỷ lệ thăm cửa hàng được giữ nguyên ở 67%, FPT Shop đã cải thiện rõ rệt tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm/khách hàng thăm cửa hàng từ 24% lên 44%.

Điều này có nghĩa là cứ 100 khách hàng được FPT Shop đón tiếp thì 44 người tạo doanh thu cho FPT Retail. Phần lớn các cửa hàng bán lẻ có tỷ lệ này nằm trong khoảng 20-40%, nên tỷ lệ 44% cho thấy FPT Retail đang làm tương đối tốt việc thuyết phục khách hàng "móc hầu bao". Phát huy thế mạnh này có thể là chiến lược phù hợp để tăng doanh thu cho mỗi cửa hàng FPT Shop.

Chiến lược thứ hai của FPT là thúc đẩy tài chính tiêu dùng để tăng doanh số

Hoạt động liên kết với ngân hàng để cho vay tiêu dùng đã được Thế giới di động triển khai từ năm 2010 và hiện tại chuỗi này đang hỗ trợ người dùng vay trả góp từ 3 công ty tài chính.

Tuy nhiên, FPT cho biết sẽ triển khai chính sách tài chính tiêu dùng theo một hướng mới: Ký hợp đồng với các công ty để nhân viên các công ty này mua sản phẩm trả góp bằng lương tháng. Kênh bán hàng mới này tương đối tiềm năng, khi 30% doanh thu của FPT đến từ các khách hàng trả góp. Kênh bán hàng này đã được triển khai từ đầu năm 2017, ghi nhận gần 20.000 đơn hàng và đóng góp 4% doanh thu của FPT Retail.

Theo đánh giá của chứng khoán Rồng Việt, việc kết hợp trực tiếp với người mua mà không thông qua các tổ chức tài chính (như công ty tài chính) sẽ mở ra nhiều tiềm năng tăng trưởng doanh số cho FPT Retail, đồng thời cũng có thể mang lại nhiều rủi ro trong hoạt động thu tiền trả góp.

Chiến lược trọng yếu cuối cùng cho thấy FPT Retail đang nhắm vào thị trường eCommerce: tăng doanh số bán hàng qua mạng

Thế Giới Di Động, đối thủ của FPT Retail, cũng đặt nhiều kỳ vọng vào đóng góp từ hoạt động bán hàng online năm 2017 khi đặt kế hoạch tăng gần gấp đôi doanh thu cho mảng này và kỳ vọng tỷ trọng doanh thu online chiếm tới 10,5% tổng doanh thu kế hoạch 2017, trong khi FPT Retail cũng kỳ vọng tỷ trọng này đạt 11,6%.

Với 650.000 lượt truy cập website/ngày và số lượng người theo dõi trên mạng xã hội đạt trên 2 triệu, FPT Retail đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu online trong cơ cấu doanh thu lên 14,3% trong 3 năm tới. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mạng lưới bán lẻ dày đặc của FPT Shop cho phép chuỗi này mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng online và kỳ vọng hoạt động eCommerce này sẽ trở thành nhân tố quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM