Cứ 10 đôi giày của Đài Loan, có 5 đôi được làm ra ở Việt Nam

14/07/2016 16:02 PM | Kinh doanh

Tổng thư ký Hội sản xuất giày Đài Loan cho biết 50% sản lượng giày dép của Đài Loan sản xuất ở Việt Nam, trong khi chỉ 10 - 20% tại Trung Quốc

Ông Allen Lai, Tổng thư ký Hội sản xuất giày Đài Loan, trả lời phỏng vấn Cafebiz tại Triển lãm quốc tế Da và Giày lần thứ 18 tại TP HCM ngày 13/7/2016.

Hiện có bao nhiêu công ty Đài Loan tham gia Triển lãm quốc tế da, giày lần thứ 18 tại TP HCM thưa ông?

- Chúng tôi có 40 doanh nghiệp giày da đến với triển lãm lần này, bao gồm các công ty sản xuất giày, nguyên phụ liệu, máy móc cho ngành này.

Ông đánh giá thế nào về thị trường da, giày Việt Nam?

- Tôi cho rằng ngành giày da là một ngành sản xuất lớn ở Việt Nam. Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhiều công ty chuyển sang Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia do giá lao động ở Trung Quốc quá cao. Tâm điểm là Việt Nam.

Theo tôi được biết, năm nay, sản lượng giày dép sản xuất của các công ty Đài Loan tại Việt Nam chiếm 50% tổng năng suất của cả nước. Trong khi sản xuất tại Trung Quốc chỉ chiếm 10 -20%. Năm 2015, các công ty Đài Loan sản xuất tại Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng. Việt Nam là nơi sản xuất giày dép chính của chúng tôi.

Theo ông, đâu là điểm lợi của các công ty Đài Loan khi đầu tư vào Việt Nam?

- Tôi thấy công nhân Việt Nam rất thân thiện, làm việc chăm chỉ và học rất nhanh.

Ông nghĩ sao về thị trường lao động Việt Nam?

- Theo quy định, mỗi năm chúng tôi tăng lương 10%. Tuy nhiên, có những đợt công nhân đình công, đòi tăng lương nên trung bình mỗi năm lương của công nhân tăng 20%. Tôi nghĩ khoảng 5 năm nữa, giá nhân công của Việt Nam sẽ ngang Trung Quốc. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư 5 năm nữa. Còn sau đó, có thể là một câu chuyện khác.

Khó khăn của các công ty Đài Loan khi đầu tư tại Việt Nam là gì?

- Tôi nghĩ lương công nhân là mối quan tâm lớn của chúng tôi. Những khía cạnh khác, Việt Nam là môi trường đầu tư tốt. Chúng tôi thích đầu tư ở đây vì môi trường thân thiện và sẽ cố gắng đầu tư về lâu dài. 5 năm nữa, kế hoạch đầu tư của chúng tôi sẽ ra sao, đó là câu hỏi và cũng là thách thức đối với các công ty da giày.

Tôi tính nhẩm, chi phi xây dựng một nhà máy sản xuất da giày nhỏ cũng vào khoảng 50 triệu USD. Đó là cỡ nhỏ, còn cỡ lớn chi phí sẽ cao hơn. Đây là khoản đầu tư rất lớn.

Ông đánh giá thế nào về người tiêu dùng Việt Nam?

Khi người tiêu dùng kiếm được nhiều tiền, nhu cầu tiêu dùng càng lớn. Người dân sẽ tận hưởng cuộc sống và chi tiêu nhiều, điều này có lợi cho sự phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế. Mỗi năm, tôi đến Việt Nam một lần và thấy mọi thứ thay đổi rất nhiều, cảnh quan, thậm chí cả cafe giá cũng cao hơn. Nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao.

Các công ty Đài Loan đã làm gì để cạnh tranh trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để đầu tư ngành giày da?

- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục cải tiến để tiến bộ. Hiện nay, tự động hóa kết nối với Internet, Internet kết nối với khách hàng. Nếu bạn tự động hóa tốt, công nghệ tốt, bạn sẽ là người chiến thắng. Ngược lại, bạn sẽ phải thua cuộc.

Các công ty của Đài Loan đã chuẩn bị như thế nào để tận dụng TPP ở Việt Nam khi hiệp định này có hiệu lực?

- Tôi nghĩ rằng các công ty đến đầu tư ở Việt Nam cũng hy vọng vào lợi ích của TPP. Hiện tại, mức thuế suất xuất khẩu cao nhưng khi TPP có hiệu lực, thuế có thể xuống tới mức 0. Việt Nam có nhiều cơ hội sau TPP. Nếu Việt Nam thành công, các công ty của chúng tôi cũng thành công và ngược lại. Chúng tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ thành công.

Ngành da giày: Những công ty quy mô chục nghìn tỷ “không mấy ai biết”

Xét về tổng thể, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan và Hàn Quốc chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu da giày của Việt Nam.

Pouyuen, Chang Shin, Tae Kwang Vina lại là những doanh nghiệp lớn nhất doanh thu hàng năm lên đến vài trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD như PouYen.

Các doanh nghiệp này là đối tác gia công sản xuất cho hầu hết các thương hiệu giầy hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Converse…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung có quy mô khá nhỏ, khó có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực gia công sản phẩm da giày với các doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn có thể kể đến như CTCP Đầu tư Thái Bình (TBS Group), CTCP Công nghiệp Đông Hưng...

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM