CPI tháng giáp tết Đinh Dậu tăng cao nhất 3 năm gần đây

02/02/2017 15:12 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng giáp tết Đinh Dậu tăng 5,22%, cao nhất trong 3 mùa tết gần đây.

Tháng Tết chính là thời điểm mà giá cả thường bị biến động nhiều so với những tháng trong năm. Điều này thường dẫn đến kết quả rằng chỉ số giá tiêu dùng và mức lạm phát cơ bản sẽ được tính toán ở mức cao hơn bình thường.

Ở dịp Tết diễn ra vào tháng 1 dương lịch năm nay, đã không có bất cứ sự ngoại lệ nào xảy ra. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý rằng đây là dịp Tết Nguyên đán mà giá cả đã có mức tăng cao nhất trong cả 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước phải nói là rất cao, đặc biệt là nếu nhìn vào diễn biến tăng so với cùng kỳ của CPI trong từng tháng của năm ngoái 2016.

CPI tháng giáp tết Đinh Dậu tăng cao nhất 3 năm gần đây - Ảnh 1.

CPI tháng 1/2017 có mức tăng mạnh nhất so với các tháng khác trong vòng 1 năm qua

Theo đó, tháng có mức giá tăng mạnh nhất so với cùng kỳ ở năm ngoái là các tháng 10 và 11, với mức tăng chỉ từ 4% - 4,5%. Thậm chí, khi so với các tháng Tết của năm Bính Thân 2016 với mức tăng CPI là trên dưới 1%, có thể thấy giá cả của Tết năm nay tăng khá mạnh.

Sự tăng giá cả chung một cách mạnh mẽ của năm nay làm người ta liên tưởng đến thời kỳ những năm trước 2014, khi mà giá cả Tết thường xuyên tăng rất mạnh so với năm trước đó. 2 năm sau 2014, giá cả Tết có phần bình ổn khi đã có mức tăng không đáng kể.

Do vậy có thể nói giá cả Tết năm nay đã có sự tăng mạnh nhất trong 3 mùa Tết gần đây.

CPI tháng giáp tết Đinh Dậu tăng cao nhất 3 năm gần đây - Ảnh 2.

Thông qua số liệu tham chiếu vào tháng 1 các năm, có thể thấy giá cả Tết năm nay có mức tăng mạnh nhất trong 3 năm

Theo lý giải của Tổng cục thống kê, có tới 6 nguyên nhân lý giải cho việc CPI tháng 1 năm nay tăng mạnh.

Trong số đó, có thể nói các yếu tố liên quan đến Tết là “Nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng nên giá một số mặt hàng về lương thực, đồ uống, may mặc tăng cao hơn tháng trước” và "Nhu cầu đi lại cuối năm tăng cùng với giá xăng dầu tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng” là tác động mạnh hơn cả.

Về lạm phát, theo Tổng cục thống kê, lạm phát chung đã có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này đã phản ánh đúng biến động tăng cao của nhiều mức giá trên thị trường trong tháng vừa qua. Đó là những mức giá lương thực, giá xăng dầu và giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng do bị điều chỉnh.

So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tháng 1 năm 2017 đã tăng nhưng ở mức dưới 2%, qua đó phản ánh việc chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành tương đối ổn định.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM