Covid-19 làn sóng 2 trở lại: 10 xu hướng tăng trưởng qua đại dịch, doanh nghiệp Việt không thể làm ngơ

17/11/2020 13:30 PM | Kinh doanh

Là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, chắc chắn các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ một lần nữa phải đứng trước thách thức của làn sóng đại dịch tiếp theo. Hãy chuẩn bị tâm lý, cảnh giác với dịch bệnh, đồng thời học cách thích nghi với những thay đổi về thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng qua 10 xu hướng sau đây.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã được khống chế, nhưng trên thế giới, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi làn sóng thứ hai đã quay trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Viễn cảnh phục hồi và 10 xu hướng tăng trưởng qua đại dịch Covid-19" của ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng bộ phận cải tiến liên tục và kỹ thuật số tại Decathlon Việt Nam. Mời quý độc giả đón đọc.


Để nói đến viễn cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, đã có nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra các mô hình dự báo như hình chữ V, chữ U, chữ L, hay cả mô hình chữ K mà cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden có nêu ra gần đây….Trong các mô hình đó, trên phương diện kinh tế, tôi đồng ý với mô hình dấu Tích (hay Logo Nike), đó là hình ảnh của nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc đại suy thoái sâu trong thời gian ngắn, nhưng thời gian để phục hồi trở lại mức tiền suy thoái (Q3/2019) là dài hơi. 

Covid-19 làn sóng 2 trở lại: 10 xu hướng tăng trưởng qua đại dịch, doanh nghiệp Việt không thể làm ngơ - Ảnh 2.

Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế toàn cầu (OECD), khi không có làn sóng thứ 2 của đại dịch kinh tế toàn cầu sẽ cần ít nhất 2 năm để hồi phục (đi theo đường màu tím trong biểu đồ) và trong trường hợp xấu hơn, với kịch bản làn sóng đại dịch quay trở lại vào mùa đông 2020, chúng ta sẽ cần thậm chí đến 3 năm hoặc hơn để hồi phục (đi theo đường màu đỏ).

Trong 2 tuần cuối tháng, tình trạng dịch bệnh Covid-19 đã có những dấu hiệu tái bùng phát với số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên mức kỷ lục 99 ngàn ca mới/ngày tại Mỹ hay hơn 100 ngàn ca/ngày tại Châu Âu. 

Trước diễn biến đó, một số nền kinh tế chính tại Châu Âu, trong đó phải kể đến 3 nền kinh tế đầu tàu tại Châu Âu là Anh, Đức và Pháp đã ra quyết định áp dụng lệnh phong tỏa bán phần (partial lockdown, stay-at-home order) cho toàn bộ quốc gia và bắt đầu triển khai việc đóng cửa biên giới. Có thể thấy, qua dấu hiệu gần đây tại Mỹ - Châu Âu, kinh tế thế giới đang có thiên hướng rơi vào kịch bản xấu hơn khi làn sóng thứ 2 của Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện trở lại, trong khi Vaccine ngăn ngừa Covid-19 vẫn chưa thể sản xuất và áp dụng đại trà cho người dân.

Trong bối cảnh như vậy, là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, chắc chắn các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ một lần nữa phải đứng trước thách thức của làn sóng đại dịch tiếp theo. Vậy nên, tôi nhấn mạnh với các bạn hãy chuẩn bị tâm lý, cảnh giác với dịch bệnh, đồng thời học cách thích nghi với những thay đổi về thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng qua 10 xu hướng sau:

Xu hướng đầu tiên chắc chắn là nhu cầu mua sắm trực tuyến thông qua những sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Amazon…), website riêng của cách thương hiệu hay các mạng xã hội (zalo, facebook…). Cùng với xu hướng mua sắm trực tuyến, đó là sự phát triển của các dịch vụ phụ trợ cho mua sắm trực tuyến như: giao nhận, kho bãi, thanh toán online, hạ tầng cung cấp nền tảng băng thông, đường truyền và các dịch vụ marketing, hình ảnh... cho các website và ứng dụng.

Xu hướng thứ 2, đó là sự phát triển mạnh của các công cụ làm việc – học tập trực tuyến như Zoom, Skype hay Google Meet… để đáp ứng nhu cầu tổ chức lớp học – meeting – phỏng vấn trực tuyến. Bên cạnh đó, cũng có những công cụ khác để giúp đơn giản hóa công việc theo dõi tiến độ dự án hay công việc như phần mềm Trello, Base Wework, Base Workflow hay Monday.com…. Thực vậy, trước những hạn chế di chuyển, tụ tập của chính sách giãn cách xã hội hay phong thành, việc di chuyển – gặp gỡ trực tiếp đã bị hạn chế nhưng nhu cầu về làm việc hay học tập là không thể thay đổi, điều thay đổi duy nhất là nằm ở cách thức và công cụ thực hiện. 

Xu hướng thứ 3, Covid-19 cũng sinh ra rất nhiều kênh Youtube (cá nhân hay tổ chức) và những người có ảnh hưởng (K.O.L.) mới, những người đó vốn là thầy cô giáo, diễn giả hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực. Trước hạn chế về việc tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức hay bán hàng như thông thường, họ bắt đầu làm quen với việc lên sóng trực tiếp (qua video streaming) hay gián tiếp (qua các video/bài viết để lại bình luận) để vẫn có thể tiếp cận với các khán giả và khách hàng của mình. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp K.O.L. mới thành công, thu hút được nhiều khách hàng / khán giả hơn trước về số lượng lượt xem, đăng ký và theo dõi. Đây có thể gọi là xu hướng mới để giải quyết nhu cầu được chia sẻ, trao đổi kiến thức và giao lưu trực tuyến.

Xu hướng thứ 4, đó là những công cụ để đáp ứng nhu cầu về giải trí tại nhà (truyền hình – game - thể thao – trang trí). Thực tế cho thấy khi mọi người được yêu cầu ở nhà thì lượng thời gian rảnh rỗi phát sinh ra nhiều hơn tạo ra nhu cầu giết thời gian rảnh rỗi, bên cạnh đó là nhu cầu tăng lên của các mặt hàng đồ chơi, giải trí cho con trẻ khi mà các trường học đóng cửa và cha mẹ phải dành phần lớn thời gian để chơi và dạy học cho con. 

Không khó để tìm ra được sự tăng trưởng của các dịch vụ giải trí truyền hình, video game hay mặt hàng đồ chơi truyền thống… Thực tế, ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em tại Mỹ đã có mức tăng trưởng 19,1% tính đến quý 3 năm đầu năm. Tương tự, ngành công nghiệp trò chơi giải trí ước tính tăng trưởng 12% trong năm nay. 

Bên cạnh các công cụ giải trí, nhu cầu về tập luyện thể thao vẫn được phần đông người dân duy trì, thay vì trước đây họ đến các câu lạc bộ tập, sân chơi để chơi, thì người dân thích ứng bằng cách chuyển qua tập các môn thể thao cá nhân, với các công cụ mới thực hành tại nhà. Cũng trong khoảng thời gian sống dài ngày ở nhà, rất nhiều gia đình đã có xu hướng sửa chữa lại nhà cửa, mua thêm vật dụng trang trí hay cải tạo vườn tược, trồng thêm cây cối để làm mới tổ ấm. 

Xu hướng thứ 5, nhu cầu chẩn đoán và theo dõi y tế từ xa. Trong giai đoạn Covid bùng phát, các bệnh viện trên khắp thế giới là những nơi có nguồn cơn lây lan dịch bệnh cao nhất và các y bác sĩ, những người hùng tuyến đầu đáng chân trọng, luôn thường trực nguy cơ trở thành F1. Vì vậy cũng dễ hiểu khi các bệnh nhân có bệnh nền, các bệnh nhân mới hoặc những người có nhu cầu khám chữa bệnh… sẽ cần đến những dịch vụ y tế từ xa. Trên thực tế, ở nhiều nơi như Hoa Kỳ, Châu Âu hay ngay cả ở Việt Nam đã phát triển ra những ứng dụng (ví du: Teladoc Health, Zipnosis, NowGP…) để đưa ra các dịch vụ chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, trả lời tự động, kết nối trực tuyến với bác sĩ và theo dõi kết quả y tế online…

Xu hướng thứ 6, nhu cầu được bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Qua ít nhất 5 xu hướng kể trên, có thể thấy đại dịch đã và đang thúc đẩy các công ty chuyển dịch vụ của họ sang trực tuyến. Việc chuyển đổi gấp rút để bắt kịp xu hướng, có nghĩa là đi kèm với đó là rủi ro không phải tất cả các bước cần thiết đã được thực hiện đầy đủ để đảm bảo mọi dữ liệu được bảo mật an toàn, như thông tin cá nhân của khách hàng. 

Coronavirus đã được chứng minh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xu hướng trực tuyến, đó là vấn đề an ninh mạng. Những kẻ lừa đảo đang lợi dụng sự lỏng lẻo của bảo mật để liên tục đưa ra các email / tin nhắn rác, hay những cuộc gọi đưa ra thông tin lừa đảo hoặc giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như khai thác túi tiền của người dân bình thường. Có thể thấy, an ninh mạng và cụ thể là bảo mật thông tin là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp hiện có thể đang đánh giá lại và cần đầu tư tiền vào để đảm bảo rằng tất cả người dùng trực tuyến của họ đều an toàn

Xu hướng thứ 7, việc chính phủ yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết trong đó có nhà hàng, quán bar… kèm với đó là sự giảm thu nhập của một lực lượng lớn dân số trong cộng đồng, tạo ra môi trường thúc đẩy người dân tăng cường ăn uống – nấu nướng tại nhà. Vì vậy, nhu cầu đi siêu thị để mua các sản phẩm thiết yếu – bình ổn giá là lương thực / thực phẩm cũng như các dụng cụ gia đình của người dân chắc chắn sẽ vẫn được duy trì và gia tăng trong bối cảnh phong tỏa và suy thoái kinh tế.

Xu hướng thứ 8, các sản phẩm vệ sinh cá nhân - công cụ - thực phẩm để phòng ngừa Covid-19. Rõ ràng số trong dịch bệnh, không ai mong muốn mình sẽ phải trải qua hay mắc phải bệnh, vì vậy khẩu trang, nước rửa tay hay những thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Có thể đây không phải là những cách khoa học chứng minh là tránh được Covid-19 như vaccine, nhưng cũng là những biện pháp – liều thuốc tâm lý cho người dân tự tin hơn khi ra đường và giao tiếp xã hội. 

Xu hướng thứ 9, nhu cầu giải quyết tranh chấp qua các dịch vụ pháp lý. Thực vậy, Covid-19 đã gây ra rất nhiều tổn thất về kinh tế cũng, cũng như tâm lý và các mối quan hệ. Số lượng những tranh chấp đã tăng lên đột biến trong thời gian cách ly vì đại dịch: Về mặt dân sự, số vụ ly dị tại Trung Quốc đã tăng thêm gấp 2 lần trong thời gian cách ly so với mức bình quân trước đó, còn tại Mỹ, số lượng ly dị cũng tăng 37% so với giai đoạn tiền Covid-19. 

Bên cạnh đó, mất mát người thân cũng kéo theo các thủ tục pháp lý về quyền thừa kế hay việc chia tài sản. Còn đối với kinh doanh và thương mại, đó là những thủ tục phá sản hay những vụ kiện tụng về các điều khoản chậm thanh toán hay những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh.

Xu hướng cuối cùng, đến từ tính đặc thù của giai đoạn kinh tế hiện tại, khi mà ở phương Tây người dân được hưởng các gói cứu trợ bằng tiền mặt do dịch bệnh gây ra, kèm với một môi trường được nhà nước hoạch định để kích thích đầu từ - tiêu dùng với mức lãi suất cho vay từ ngân hàng trung ương gần như không đáng kể, thì nhu cầu đầu tư – đầu cơ với số tiền trong tay của người dân là có. Điều này có thể nhận biết được khi mà chứng khoán liên tục tăng điểm và không phản ánh đúng thực tại sức khỏe của nền kinh tế. 

Ở Việt Nam, chúng ta cũng không khó để tìm thấy những thông tin liên quan đến số lượng kỷ lục người mới mở tài khoản (F0) và tham gia đầu tư lần đầu vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 4-5 và là nhân tố chính giúp thị trường tăng nhiệt trở lại sau giai đoạn rớt xuống đáy 660 điểm vào ngày 24/3. Bên cạnh chứng khoán, vàng và các đồng tiền kỹ thuật số cũng đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Nguyễn Huy Phương

Cùng chuyên mục
XEM