Công ty vận tải biển hàng đầu thế giới đã phá sản, các hãng tàu Việt Nam có tiếp bước?

07/09/2016 09:22 AM | Kinh doanh

Đã có ít nhất 2 công ty vận tải biển nộp thủ tục phá sản là Vinashinlines và Falcon. Nhiều khả năng sẽ có thêm một số doanh nghiệp "tiếp bước" khi mà những khoản vay hàng nghìn tỷ để mua tàu giai đoạn 2007-2008 đến thời điểm đáo hạn.

Năm 2008, kinh tế thế giới đã xảy ra 2 biến cố lớn là khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của bong bóng ngành vận tải biển. Sau 8 năm, trong khi thị trường tài chính đã phục hồi từ rất lâu thì ngành vận tải biển vẫn ngụp lặn trong khó khăn chưa biết khi nào mới khởi sắc trở lại.

Việc Hanjin – 1 trong 10 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới vừa phải nộp đơn phá sản là minh chứng rõ nét cho điều này. Không chỉ đối với các tập đoàn vận tải biển toàn cầu, nguy cơ phá sản cũng là vấn đề hiện hữu đối với không ít các doanh nghiệp vận tải biển trong nước.

Thực tế là từ cuối năm 2015 đã có những công ty nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp như Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin – Vinashinlines và CTCP Vận tải Dầu khí – Falcon Shipping. Đây là 2 công ty vận tải biển trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines ).

Bong bóng vận tải biển 2007-2008

Cuối năm 2007 đầu năm 2008, thị trường vận tải biển thế giới cũng như Việt Nam tăng nóng chưa từng thấy, giá cho thuê tàu tăng chóng mặt theo ngày. Các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam bỗng trở thành những công ty ăn nên làm ra, có tỷ suất sinh lời vượt trội so với các lĩnh vực khác.

Cổ phiếu vận tải biển bỗng dưng trở thành cổ phiếu “hàng hiệu”, các nhà đầu tư tài chính cũng như các ngân hàng đều mạnh dạn rót tiền vào các doanh nghiệp này để có thêm tiền đầu tư những con tàu lớn hơn, thu lợi nhiều hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục con tàu có trọng tải lớn đã được mua về rồi cho thuê khai thác ngay. Tất nhiên phần lớn tiền mua tàu được tài trợ bởi vốn vay.

Tháng 5/2008, giá cho thuê những con tàu có trọng tải hơn 60.000 tấn lên đến 85.000 USD/ngày. Nhưng đây cũng là thời điểm mà bong bóng vận tải biển đã phình to đến mức tối đa. Và rồi bong bóng vỡ, trong sự ngỡ ngàng của các chủ tàu, giá cho thuê đến cuối năm 2008 chỉ còn 3.000 USD/ngày!

Nguồn cung dư thừa, giá thuê thấp trong khi vẫn phải trích khấu hao lớn cũng như phải gánh hàng nghìn tỷ đồng vay nợ khiến cho chuỗi ngày vật lộn với thua lỗ của các công ty vận tải biển lớn nhỏ như Vosco, Nosco, Vitranschart, VSP , Đông Đô … kéo dài đến tận hôm nay. Không ít công ty đã bị âm vốn tới cả nghìn tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các công ty vận tải biển trong nước mãi không thể thoát khỏi thua lỗ là do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Trong cơn hào hứng của ngành, các ngân hàng đã dễ dàng cho các công ty vận tải biển vay nợ với số tiền gấp 10-15 lần vốn chủ sở hữu.

Hàng loạt công ty lỗ, âm vốn tới vài nghìn tỷ đồng

Hai công ty đã nộp hồ sơ mở thủ tục phá sản là Vinashinlines và Falcon đều có mức lỗ rất lớn. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2014, Vinashinlines bị âm vốn chủ sở hữu gần 8.500 tỷ đồng còn Falcon cũng bị âm vốn trên 2.100 tỷ đồng.

Một cái tên từng đình đám một thời trên thị trường chứng khoán là VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải cũng ngấp nghé phá sản.

VSP đã lỗ tổng cộng 3.200 tỷ trong giai đoạn 2009-2013. Đến cuối năm 2013, vốn chủ sở hữu của công ty đã âm hơn 1.800 tỷ trong. Mặc dù đã bán hết tàu nhưng VSP vẫn đang phải cõng khoản nợ phải trả 2.700 tỷ đồng và không biết lấy gì để trả nợ.

Nhưng đây chưa hẳn là những trường hợp lỗ lớn nhất. Một doanh nghiệp vẫn tạm “cầm cự” được do chưa đến hạn trả nợ là CTCP Vận tải Biển Bắc (Nosco – NOS ). Có vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 200 tỷ nhưng hiện Nosco đã lỗ lũy kế gần 3.300 tỷ với khoản nợ phải trả lên đến trên 5.000 tỷ, vốn chủ âm 3.000 tỷ đồng.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển lớn thuộc hệ thống Vinalines đều có lỗ lũy kế; công ty lỗ ít thì ở mức vài ba trăm tỷ, nhiều lên đến vài ba nghìn tỷ. Hiện chỉ còn 2 công ty hiếm hoi vẫn còn dương vốn chủ là Vosco và Vinaship.

Điều đáng nói là các công ty vận tải biển của Vinalines hầu như không có cách nào để dừng lỗ. Nợ phải trả cũng như mức lỗ ngày càng lớn hơn trong khi nguồn thu lại teo tóp dần. Nguy cơ phá sản sẽ hiện hữu kể từ năm 2017 khi mà những khoản vay dài hạn cách đây 9-10 năm đến thời điểm đáo hạn.

Theo Kinh Kha

Cùng chuyên mục
XEM