Công ty năng lượng IREX: Ấp ủ giấc mơ “quốc tế hóa” hàng nội địa
Sở hữu nhà máy pin mặt trời tự động hóa 100% cùng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, công ty năng lượng IREX đang từng bước thực hiện giấc mơ “Quốc tế hóa” hàng nội địa ngay trên đất Việt.
Qua gần 5 năm xuất khẩu, pin mặt trời của công ty IREX đã đi qua hơn 10 nước trên Thế giới, vào được các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ với đầy đủ chứng nhận Quốc tế. Doanh thu 2017 tăng trưởng hơn gấp 3 lần so với năm trước. Trong đó, IREX chiếm thị phần 30% mảng cung cấp pin mặt trời cho thị trường điện mặt trời trên mái tại Việt Nam.
Xuất phát điểm của công ty IREX
Thừa hưởng nền tảng 40 năm nghiên cứu khoa học từ công ty mẹ SolarBK, IREX có những bước khởi đầu thuận lợi khi được hoạch định rõ ràng từ tầm nhìn và định hướng phát triển. Mặc dù vậy, giấc mơ “Quốc tế hóa hàng nội địa” của công ty năng lượng IREX trong thời điểm đó vẫn còn là một hành trình khá mơ hồ.
Năm 2012 khi thành lập công ty IREX, Việt Nam gần như là một vùng trắng về điện mặt trời, kể cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn thị trường. Do đó, việc mở một nhà máy sản xuất gần như là không khả thi. Để thuyết phục, IREX tập trung đánh mạnh thị trường Quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ đối tác và từng bước nâng dần nhận thức trong nước về điện mặt trời.
“Hành trình ra Thế giới cũng không mấy dễ dàng vì pin Việt Nam hoàn toàn không được định nghĩa trong sân chơi này. Trở thành doanh nghiệp tiên phong luôn vấp phải nhiều rào cản và thách thức, thậm chí cả sự hoài nghi từ đồng đội và đối tác. Nhưng sự trải nghiệm là rất xứng đáng. Nếu không có những quyết định đầy táo bạo cùng sự kiên định của ban lãnh đạo và cả tập thể, pin mặt trời “Made in Việt Nam” cũng không có chỗ đứng trên trường Quốc tế như hôm nay, và nỗ lực “Quốc tế hóa hàng nội địa” của IREX vẫn chỉ là giấc mơ xa tầm với của người Việt.” - Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc khối kinh doanh công ty năng lượng IREX chia sẻ
Hành trình đưa pin mặt trời Việt Nam phủ sóng Quốc tế
Trong năm 2017, công ty IREX tiếp tục đầu tư mở rộng Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao, nâng tổng công suất sản xuất pin mặt trời lên 500 MWp. Tổng số tiền đầu tư lên đến 400 tỷ đồng, với nhiều dây chuyền thiết bị hiện đại, sản xuất 200 MW solar cell và 300 MW pin mặt trời mỗi năm.
Tuy công suất của nhà máy IREX không thuộc hàng “khủng”, nhưng lại được trang bị dây chuyền, thiết bị hiện đại tự động hóa 100%, cho ra những sản phẩm chất lượng Quốc tế. Mặt khác, công suất trên được cho là vừa đủ với chiến lược và bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
Công ty năng lượng IREX đưa pin mặt trời Việt Nam tham gia Intersolar 2018.
Nhớ lại lần đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên, bà Quỳnh cho biết: “Thời điểm đó vẫn chưa có chính sách khuyến khích điện mặt trời của Chính phủ, các ngân hàng chưa có nhận thức về ngành nên không sẵn sàng cung cấp nguồn vốn cho IREX. Vì vậy, chúng tôi phải huy động vốn từ công ty mẹ và các đối tác tin tưởng, tăng cường OEM cho các khách hàng để vừa tận dụng chi phí nguyên liệu từ đối tác, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các tập đoàn Tier 1 của Thế giới.”
Hành trình đến nhà máy mới này đã “dễ thở” hơn rất nhiều. Được biết, trong nỗ lực vươn đến Tier 1, công ty IREX đã thuyết phục được 3 trên tổng số 6 ngân hàng đồng ý bảo lãnh đơn hàng (làm tiêu chí xét duyệt doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm Tier 1 của Bloomberg New Energy Finance).
Bà Quỳnh cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng cơ hội thị trường “mở cửa” cả về chính sách lẫn tài chính để đẩy mạnh xây dựng chiến lược theo chiều sâu. Bởi lẽ, thị trường trên Thế giới còn rất rộng cửa, doanh nghiệp IREX sẵn sàng làm đầu tàu để kết nối các doanh nghiệp Việt cùng vươn ra Thế giới, tạo nên giá trị cho thương hiệu pin mặt trời “Made in Việt Nam”.
Nỗ lực của công ty IREX trên hành trình “Quốc tế hóa” hàng nội địa
Trong ngắn hạn, công ty năng lượng IREX vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu thị phần trong nước để phổ biến hàng Việt trên chính lãnh thổ Việt Nam. Rõ ràng, công suất sản xuất của IREX vẫn còn khá nhỏ bé so với tiềm năng thị trường mảng nhà máy điện mặt trời cũng như điện mặt trời trên mái. Còn hầu hết các doanh nghiệp Việt hiện nay đều nhập khẩu pin mặt trời từ nước ngoài về bán, không tạo lập được giá trị thực sự cho hàng Việt.
Vì vậy, IREX cũng như SolarBK vẫn song song xây dựng mục tiêu dài hạn. Thông qua mô hình Không gian trải nghiệm năng lượng sạch (SES), IREX đã tích cực phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về ngành đến các thế hệ tương lai, đặt ra khái niệm tiêu chuẩn Quốc tế cho pin mặt trời Việt Nam cho những thế hệ trẻ tương lai.
Cũng trong ngày vừa qua, dự án SES đã xuất sắc vượt qua 41 đội thi trên Thế giới, giành chiến thắng cao nhất trong cuộc thi The E Smarter Award - Hạng mục Dự án nổi bật, đưa hai tiếng “Việt Nam” cất vang đầy tự hào trong buổi lễ trao giải.
Bà Nguyễn Thùy Ngân - Đại diện công ty IREX tại buổi lễ nhận giải chia sẻ: “Tại SES, chúng tôi không chỉ trưng bày những sản phẩm, giải pháp “Made in Việt Nam”, mà còn đưa ra các chứng nhận Quốc tế tương ứng phải đạt được khi xuất khẩu ra thị trường Thế giới. Khi tốt nghiệp, các bạn kỹ sư trẻ cũng biết cách lựa chọn con đường gia nhập ngành một cách bền vững hơn. Với sứ mệnh đó, việc tham gia cuộc thi The smarter E Award cũng là cách để SolarBK khẳng định rằng trí tuệ Việt không hề thua kém các quốc gia khác, từ đó tiếp thêm sự tự tin cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành năng lượng sạch tại Việt Nam.”
Bà Ngân (Đứng giữa) trong khoảnh khắc nhận chiến thắng tại cuộc thi The Smarter E Award.
Với chiến lược và định hướng rõ ràng, công ty IREX đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa giấc mơ Quốc tế hóa hàng Việt Nam. Mục tiêu sắp tới là trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt được chứng nhận Tier 1 từ BNEF. Việc sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam không chỉ giúp phát triển thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, mà còn tạo cơ hội để những vùng xa xôi của Tổ quốc - những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu điện được tiếp cận với nguồn năng lượng sạch này.