Công ty có còn cần phòng nhân sự?

04/03/2017 09:49 AM | Kinh doanh

Không dừng lại ở việc tuyển người một cách thụ động, trong tương lai bộ phận nhân sự sẽ đóng nhiều vai trò lớn hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Carmel Galvin cho rằng, bộ phận nhân sự đã tiến hóa từ chức năng tuyển người thụ động sang vai trò định hình chiến lược kinh doanh. “Chuyên gia nhân sự hiện đại phải đảm nhận nhiều vai trò: phân tích dữ liệu, tư vấn, marketing, kinh doanh quốc tế và tổ chức doanh nghiệp”.

Trong vai trò phân tích, chuyên gia nhân sự phải biết sử dụng nhiều nền tảng công nghệ và dữ liệu. Đồng thời, họ cũng còn phải biết đưa ra các tư vấn hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này có nghĩa là họ phải “am hiểu sâu sắc việc kinh doanh, nhận biết và thấu hiểu những nhân tố quan trọng, và giành được lòng tin của các quản lý để có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn”.

Cô cho biết thêm, bên cạnh thông thạo các kỹ năng công nghệ và kinh doanh, chuyên gia nhân sự hiện đại cũng phải biết thích ứng nhanh với những thay đổi của thời cuộc. Galvin đã có hơn 25 năm kinh nghiệm quản lý nhân sự ở các tập đoàn đa quốc gia. Với vai trò ở Glassdoor, cô tin rằng mình đang ở “tiền tuyến của những đổi thay đang diễn ra trong lĩnh vực nhân sự”.

Lawrence Jones, CEO của UKFast

Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty điện toán đám mây UKFast thì lại cho rằng, ở một công ty có cấu trúc quản lý tương đối phẳng như của anh, họ không cần phòng nhân sự. “Phòng nhân sự từ lâu đã có tiếng là chuyên quyền và áp đặt. Chúng ta đều là người lớn cả rồi”, anh nói.

UKFast được thành lập vào năm 1999 và hiện có 400 nhân viên. “Bạn không cần phòng nhân sự. Họ chỉ toàn làm những công việc cơ bản”, Jones nói. Tuy nhiên, anh cho biết thêm, một quản lý cấp cao không bao giờ nên quá xa cách nhân viên. Anh cũng cho rằng, mặc dù những ai gắn bó với công ty từ những ngày đầu có thể thấy thoải mái khi tiếp cận CEO, nhân viên mới thường không như vậy.

Khi công ty của anh trở nên lớn hơn, anh bắt đầu giám sát những việc như gọi điện thoại. Ban đầu năng suất của công ty có đi lên, nhưng sau đó lại lao dốc. Vì thế, anh đã bỏ những quy định như vậy, và tin rằng nhân viên sẽ làm việc tốt hơn nếu họ không bị giám sát liên tục. Thay vào đó, họ cần được tin tưởng để có thể làm việc một cách hiệu quả.

Công ty có nhiều phúc lợi đa dạng cho nhân viên, như thêm một tuần nghỉ cho nhân viên mới kết hôn, thưởng 10.000 bảng cho ai làm việc ở công ty từ 10 năm trở lên, và cung cấp chỗ nghỉ trưa cho nhân viên.

Anh cũng phê phán sự phụ thuộc của bộ phận nhân sự vào dữ liệu: “Bạn phải phát hiện vấn đề trước khi chúng xuất hiện. Tôi không muốn phụ thuộc vào dữ liệu”.

Laura Hinton, giám đốc nhân sự của PwC ở Anh

Laura Hinton từng có thời gian làm kiểm toán viên trước khi chuyển sang quản lý nhân sự. Hinton bước chân vào lĩnh vực nhân sự khi cô thành lập bộ phận tư vấn ở BDO, một công ty dịch vụ kinh doanh và kế toán. Sau khi chuyển sang PwC, cô chịu trách nhiệm tư vấn và giám sát nhân sự cho công ty kiểm toán này.

Giống các ngành khác như luật và ngân hàng, cô xem trí tuệ nhân tạo có vai trò ngày càng quan trọng trong quản trị nhân sự. Có thể kể đến việc phân bổ nhân viên vào các dự án và quản lý thời gian của họ.

Cô cũng cho rằng, việc sử dụng dữ liệu cho hoạt động dự báo sẽ ngày càng gia tăng, ví dự như xác định xem nhân viên nào sẽ rời công ty. “Cái thời mà nhân viên nhân sự có thể nói tôi không biết xử lý dữ liệu đã qua rồi”, cô nói.

Song, bất chấp xu hướng sử dụng dữ liệu gia tăng, Hinton nhấn mạnh các kỹ năng con người cũng phải được phát triển song song. “Họ cần trí thông minh cảm xúc, kỹ năng đối nhân xử thế và khả năng tư duy sáng tạo về tương lai”, cô cho biết.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM