Công ty cầm đồ âm thầm thu thập thông tin Zalo, Facebook “con nợ” để khủng bố

24/01/2019 14:58 PM | Kinh doanh

Một số công ty cho vay trực tuyến và cầm đồ âm thầm thu thập thông tin ứng dụng người đi vay hay sử dụng như Viber, Facebook, Zalo… để liên hệ với danh sách bạn bè trên các ứng dụng này khi thực hiện thu, nhắc nợ, thậm chí "khủng bố" qua tin nhắn.

Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam ghi nhận sự bùng phát của các mô hình cho vay trực tuyến, trong đó có một số mô hình cho vay trên cơ sở kết hợp giữa công ty tư vấn và công ty dịch vụ cầm đồ.

Qua quá trình rà soát hoạt động của một số công ty có liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bước đầu ghi nhận một số công ty thu thập thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc của người đi vay nhưng không nêu mục đích sử dụng thông tin này (ví dụ, để liên hệ khi thực hiện nhắc, thu nợ).

Một số công ty thu thập thông tin về ứng dụng mà người đi vay hay sử dụng (Viber, Facebook, Zalo…) nhưng không nói rõ việc sẽ kiểm tra hoặc liên hệ với danh sách bạn bè trên các ứng dụng này khi công ty thực hiện thu, nhắc nợ. Thậm chí theo tìm hiểu của ICTnews, các công ty cho vay, cầm đồ còn sử dụng danh sách này để tiện bề "khủng bố" qua tin nhắn nếu con nợ chây ì, trả chậm.

Phía công ty cho vay còn sử dụng các cụm từ, hình ảnh có thể gây hiểu nhầm cho người đi vay về việc công ty được phép cung cấp dịch vụ cho vay, trong khi các công ty này chỉ được phép cung cấp dịch vụ tư vấn mà không có chức năng cho vay, ví dụ: "đơn vị cho vay trực tuyến"; "công ty tài chính"; "cung cấp khoản vay nhanh"… hoặc các hình ảnh, sơ đồ tập trung vào việc giải ngân khoản vay.

Công ty không cung cấp rõ ràng, đầy đủ về các chi phí phát sinh từ khoản vay, ví dụ: chỉ cung cấp mức lãi suất cho vay, không cung cấp cụ thể về phí tư vấn, phí thẩm định tài sản, phí lưu giữ tài sản, phí quản lý hồ sơ…

Các khoản phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả, dẫn đến người tiêu dùng không ước tính được đầy đủ tổng chi phí phải trả khi đi vay.

Trong quá trình tham khảo hoặc đăng ký thông tin vay trên website, người tiêu dùng không được tạo điều kiện thuận lợi để đọc, nghiên cứu nội dung hợp đồng hoặc thông tin về chủ thể liên quan hoạt động cho vay.

Một số trường hợp người tiêu dùng được đề nghị xác nhận ký (bằng phương thức điện tử) trước khi nhận được nội dung hợp đồng (gửi qua email sau). Hợp đồng, điều khoản giao dịch chung có một số nội dung chưa rõ ràng, chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực tế trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xin lưu ý người tiêu dùng cần cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký khoản vay, nghiên cứu kỹ các mục đích sử dụng thông tin khi thực hiện giao dịch.

Nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký, đặc biệt cần cân nhắc các chi phí phải trả khi tham gia vay trực tuyến, yêu cầu gửi bản sao hợp đồng sau khi ký.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan cần bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phải tiến hành điều chỉnh, sửa đổi khi có các thông tin chưa phù hợp hoặc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM