Công thức nói chuyện với khách hàng: Hãy nói điều họ muốn nghe, đừng nói điều mình muốn nói!

06/11/2017 15:42 PM | Kinh doanh

Người bán hàng chính là người trung gian giữa sản phẩm và người tiêu dùng. Vì thế khi mỗi nhân viên bán hàng tiếp xúc với một khách hàng. Nhân viên đó cần phải giao tiếp với khách hàng, chia sẻ và thuyết phục vị khách hàng đó mua sản phẩm của mình.

Thực tế, nhiều bạn vẫn chưa tạo ra được những cuộc hội thoại chất lượng với khách hàng. Vừa mất thêm thời gian vừa khiến chúng ta giảm tỉ lệ chốt sale đi rất nhiều.

Những lỗi mà nhiều bạn hay mắc phải trong khi giao tiếp với khách hàng

Lỗi khá phổ biến là nhân viên sale nói quá nhiều và không đúng trọng tâm của câu chuyện. Vấn đề này xảy ra khi chúng ta có nhiều điều muốn chia sẽ với khách hàng. Bạn kể về mọi thứ từ thành phần đến chức năng của sản phẩm cho khách hàng.

Tuy nhiên, mỗi khách hàng lại có một nhu cầu và mong muốn riêng, khi nói đúng vào nhu cầu thực của họ thì họ sẽ mua hàng và ngược lại, khi bạn cung cấp nhiều thông tin mà khách hàng không cần đến, họ sẽ càng phân vân và muốn dời quyết định mua hàng lại sau.

Tiếp theo đó là lỗi quá máy móc, chúng ta thường gặp trường hợp này ở những bạn mới bán hàng chưa được lâu. Bạn thường chỉ có một kịch bản bán hàng duy nhất do công ty hướng dẫn ban đầu và như một cái máy được lập trình sẵn, bạn áp dụng công thức này cho tất cả khách hàng, tất cả độ tuổi và nếu may mắn thì bạn sẽ bán được, còn nếu không thì thôi. Cũng như lỗi ở trên, mỗi khách hàng đều có một cách nói chuyện khác nhau, không thể máy móc để áp dụng cho tất cả mọi người được.

Luyện tập để làm chủ giọng nói và nội dung của mình

Dành thời gian để suy nghĩ xem mình cần nói với khách hàng những gì? Trong quỹ thời gian hạn hẹp mà khách hàng dành cho chúng ta, bạn cần phải nhận ra điều gì nên nói và điều gì nên bỏ qua. Hãy tìm hiểu về tâm lý khách hàng, cách trình bày với từng nhóm khách hàng khác nhau, giảm dần những câu, tiểu tiết thừa trong khi nói.

Thêm vào đó, hãy tập hỏi khách hàng, hỏi đúng vấn đề của khách hàng quan trọng hơn nói không có mục đích rất nhiều, vì việc hỏi khách hàng nhằm biết rõ mục đích thực sự họ mua sản phẩm là gì, để bạn có thể cung cấp được đúng những thông tin mà khách hàng cần. Ngoài ra, tập quan sát từ đồng nghiệp, cấp trên của bạn khi trao đổi với khách hàng, lọc ra ý tưởng hay và có thể ứng dụng vào bản thân. Sau đó là làm lại có chọn lọc những điều học được.

Ghi âm lại các đoạn hội thoại mà bạn sẽ trao đổi với khách hàng. Bạn sẽ nhận ra trong cách nói chuyện của mình còn tồn tại rất nhiều lỗi không đáng có, như nói quá nhanh, ngôn từ không phù hợp hay chưa đi sâu vào nội dung. Tiếp đó, bạn cần loại bỏ dần những điều chưa hợp lý đi. Quan trọng là hãy tự nhiên nhất có thể, đừng gượng gạo.

Cuối cùng, đây là điều quan trọng nhất. Bạn cần phải luyện tập cho thuần thục, không có cách nào tốt hơn là luyện tập các kĩ năng này hằng ngày và dần dần chuyển sang phản xạ của cá nhân. Công thức thành công trong giao tiếp với khách hàng là: "Hãy nói điều khách hàng muốn nghe, đừng nói điều mình muốn nói".

Khi khách hàng tìm đến bạn và lắng nghe bạn tư vấn thì họ đã gần như muốn mua hàng rồi. Điều bạn cần ngay lúc này đó là giao tiếp và thuyết phục khách hàng đó. Đừng để khả năng giao tiếp tồi làm chúng ta mất đi một thương vụ không đáng có.

Lê Nhật Luân

Cùng chuyên mục
XEM