Công thức nào giúp nhà máy dệt hơn 200 năm tuổi của Anh vẫn sống sót giữa thế kỷ 21?

04/08/2017 08:41 AM | Kinh doanh

Tại vùng nông thôn Derbyshire (Anh), nhà máy len lâu đời nhất thế giới vẫn liên tục phát triển bằng am hiểu về sản xuất hiện đại.

“Mỗi ngày tôi đều đi quanh nhà máy, suy nghĩ về truyền thống tạo nên sức mạnh của chúng tôi và vì sao chúng tôi là nhà máy dệt len chất lượng cao cuối cùng còn lại ở Anh,” Ian MacLean, Giám đốc nhà máy John Smedley trầm ngâm suy nghĩ.

Vị giám đốc rút ra được rằng một phần là vì văn hóa, và vì cả những gì mọi người ở đây cảm nhận được. Tất cả kỹ năng của họ đều được kế thừa, có khi là 5 năm trước, có khi là từ 30 năm trước. Các toà nhà ở đây lâu đời nhưng truyền thống không nằm ở nhà xưởng hay máy móc.

John Smedley là nhà máy dệt len kết hợp các cỗ máy dệt từ thời Victoria cuối thế kỷ XVIII với thiết bị dùng tia lazer đời mới, để cho ra đời những sản phẩm len merino chất lượng tốt nhất. Năm 1784, chỉ 13 năm sau khi máy dệt dùng khung xoay ra được phát minh, John Smedley ra đời và trở thành nhà máy dệt lâu đời nhất vẫn đang hoạt động trên thế giới hiện nay.

“Chỉ đến khi nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh, tôi mới thực sự giật mình bởi sự lâu đời của nhà máy”, Ian MacLean, người có họ xa với nhà sáng lập và thuộc thế hệ thứ bảy của gia đình làm chủ nhà máy chia sẻ.

Thật tuyệt khi bạn có tên tuổi lâu đời nhưng đừng sống mãi trong quá khứ. Hãy trân trọng điều đó trong khi thật tỉnh táo với thực tại.

Thường được biết tới với dòng áo polo len màu đen, năm ngoái, John Smedley đã cho ra một dòng sản phẩm unisex dáng rộng với kiểu đan tổ ong, trở thành sản phẩm bán chạy nhất tại John Lewis, trung tâm thương mại của tầng lớp trung lưu nổi tiếng là bảo thủ của Anh Quốc.

Họ cũng kết hợp với nhiều nhà thiết kế để cho ra mắt các sản phẩm hiện đại hơn và cùng với đó là đưa việc sản xuất quần áo trở lại nước Anh thay vì tới các nước có giá nhân công rẻ hơn.

“Tôi đã thấy nhiều công ty ngủ quên trong danh tiếng lâu đời của mình và dần bị mất chỗ đứng”, MacLean cho biết. “Họ trở nên lỗi thời và khách hàng đi tìm những cái tên mới. Và khi điều đó xảy ra, tất cả sẽ kết thúc. Thật tuyệt khi bạn đã tồn tại lâu đời nhưng đừng sống mãi trong quá khứ. Hãy trân trọng điều đó trong khi thật tỉnh táo với thực tại”.

Ian MacLean luôn đảm bảo nhà máy của mình trong tư thế sẵn sàng. Bởi, chỉ một thay đổi nhỏ trong nguồn cung cấp lông cừu, như hạn hán ở New Zealand hay việc Trung Quốc mua nhiều lông cừu hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến công ty. Lông cừu sau đó được xử lý ở Trung Quốc và se thành sợi ở Ý trước khi chuyển tới dệt ở Derbyshire.

Những hợp đồng lông cừu thường được ký trước ít nhất hai năm và có thể lên đến năm năm nếu cần nuôi một giống cừu đặc biệt để đảm bảo chất lượng len. Việc nhuộm len được nhà máy tự làm. Việc này khiến độ co giãn của len không cao nhưng là điều phải chấp nhận. Sợi len sau đó được kiểm tra phản ứng với các loại bột giặt khác nhau.

Các máy dệt được kiểm soát liên tục tới từng chỉ số nhỏ để đảm bảo sản phẩm luôn đồng nhất. Ngay cả thị lực của các thợ đan thủ công cũng được chăm sóc kỹ. Họ sẽ xen lẫn việc đan các loại len sẫm màu và len nhạt màu để tránh mỏi mắt và làm lỗi.

John Smedley có thể "già" nhưng không hề "yếu", một chuyên gia phân tích tại Anh từng nhận định. “Sản xuất đồ len là một ngành chuyên môn”, Jess MacGuire-Dudley, Giám đốc thiết kế của John Smedley cho biết. Bà thường thử thách các nhà thiết kế bằng những việc như pha len merino và sợi lông dê quý mohair, hoặc in hoạt tiết bằng kỹ thuật số trên len.

"Có gì vui nếu cứ làm đi làm lại những loại sản phẩm cổ điển. Ngoài ra, chúng tôi là người Anh. Chúng tôi được phép kỳ cục một chút", vị giám đốc thiết kế này nhấn mạnh triết lý của John Smedley.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM