Vì sao iPhone cũng hiếm như... USD ở Venezuela?

06/07/2015 09:17 AM | Công nghệ

Đừng nói gì đến những chiếc smartphone cao cấp. Tình trạng thiếu hàng và thiếu cả USD đang khiến cho việc tậu bất kì chiếc điện thoại di động nào ở Venezuela trở nên khó khăn hơn trong năm nay.

Nội dung nổi bật:

- Rất khó mua được điện thoại di động mới ở Venezuela.

- Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn dầu mỏ xuất khẩu khiến Venezuela gặp nhiều khó khăn khi dầu rớt giá.

- Người dân và chính phủ Venezuela đành phải tìm cách thích nghi riêng.

- Sự khan hiếm điện thoại khiến cho nó trở thành “món hàng béo bở” của bọn tội phạm.


Maria Veronica Fernandez phải đến tổng cộng... 8 cửa hàng ở Caracas để điền tên mình vào danh sách chờ được mua một loại điện thoại mà cô không hề thích.

Sau khi bị cướp mất chiếc Samsung Galaxy S4, Fernandez, 24 tuổi, bắt đầu “hành trình” khó khăn trên, nhưng lại khá quen thuộc đối với người dân Venezuela, những người hiện phải sống chung với mức lạm phát cao nhất thế giới, thiếu thực phẩm kinh niên và nạn tội phạm tràn lan.

“Cũng giống như cảm giác phải đi đến ba hoặc bốn siêu thị để tìm mua giấy vệ sinh, dầu ăn hay bột mì vậy,” cô nói. Sau vài tuần chờ đợi, cô mua được chiếc Samsung Galaxy Fame với ít tính năng hơn so với chiếc điện thoại cũ của cô. “Ít nhất thì tôi cũng ít cảm thấy đau lòng hơn nếu chiếc này lại bị mất.”

Đừng nói gì đến những chiếc smartphone cao cấp. Tình trạng thiếu hàng và thiếu cả USD đang khiến cho việc tậu bất kì chiếc điện thoại di động nào ở Venezuela trở nên khó khăn hơn trong năm nay. Theo ước tính của Pyramid Research, chỉ có 4,9 triệu chiếc sẽ được bán ra trong năm 2015, giảm 46% so với con số 9 triệu trong năm 2012. Theo eMarketer, số lượng người dùng đang sụt giảm ở Venezuela là một điều bất thường ở châu Mỹ Latin, khu vực mà đã có mức tăng hơn 4% trong năm ngoái.

Quốc gia này đang gặp vấn đề trong việc kiếm đủ lượng USD để trả cho những hàng hóa nhập khẩu cơ bản, chứ nói chi đến thứ “xa xỉ” như các thiết bị di động. đó là vì dầu chiếm đến 95% sản lượng xuất khẩu của Venezuela, mà giá dầu thô hiện đã rớt đến 50% trong sáu tháng cuối năm ngoái. Thay vì nhập khẩu điện thoại trực tiếp từ các nhà sản xuất, những nhà cung cấp và người bán bị buộc phải thông qua công ty trung gian của chính phủ nước này là Telecom Venezuela, và thiếu hụt USD đã khiến cho việc đáp ứng các đơn đặt hàng bị cản trở.

Sửa chữa, thay thế

Eduardo Eckholt, chủ cửa hiệu Celular Premium ở trung tâm mua sắm Paseo Las Mercedes tại Caracas, nói rằng “sợi dây thòng lọng” đối với việc nhập khẩu điện thoại khiến anh khó có được những mẫu điện thoại mới nhất tại của hàng của mình. Hiện tại anh tập trung vào việc sửa điện thoại và bán những phụ tùng thay thế. “Tôi đã kinh doanh mặt hàng này được 18 năm và tôi thấy rằng người ta thích sửa lại điện thoại hơn là mua cái mới,” anh nói.

Sự khan hiếm những mẫu điện thoại xài được 4G hiện đang ở mức cao nhất, khiến cho người dân Venezuela quay sang thị trường chợ đen và cũng khiến cho những ai đang sở hữu chúng rất dễ bị cướp.

“Nếu bạn có một điện thoại đẹp và “phơi” nó ra trên đường thì có lúc bạn sẽ bị cướp mất. Và nếu như bạn muốn mua chúng thì nó sẽ có giá là... một cánh tay hoặc một cái chân của bạn,” Tina Lu, tư vấn viên cao cấp tại Counterpoint, Buenos Aires cho biết.

Kiểm soát tiền tệ

Giá cả cũng tăng mạnh bởi nạn lạm phát đang tăng cao. Tháng 12 năm ngoái, mức lạm phát hàng năm của quốc gia này được báo cáo là 69%, còn hôm 20 tháng 5 vừa qua, ngân hàng Barclays nói rằng mức lạm phát hiện là “3 con số”.

Fernandez đã phải trả 17,000 bolivar cho chiếc điện thoại Fame 3G nói trên, tính ra khoảng 2,700 USD theo tỉ giá chính thức ở Venezuela, và17,000 bolivar hiện tương đương với 2.3 tháng lương trung bình ở đây.

Quốc gia này đã duy trì những biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt từ năm 2003. Tuy nhiên, với tốc độ lạm phát nhanh nhất thế giới, người dân nước này đều muốn giữ USD để bảo vệ số tiền tiết kiệm của họ.

Theo Lu, một số người dân Venezuela hiện đang cố gắng dùng số trợ cấp hàng năm của mình để mua USD theo tỉ giá chính thức rồi đặt mua điện thoại trên những trang như Amazon.com. tỉ giá chính thức hiện tại là 6.3 bolivar “ăn” 1 USD, và ưu tiên cho các mặt hàng như thực phẩm và thuốc men.

Tuy nhiên, chính phủ nước này đã siết chặt việc giải ngân và lợi tức thu được từ dầu giảm nghĩa là có ít USD được lưu thông trong quốc gia này hơn. Điều đó, cùng với sự khan hiếm hàng, đã khiến cho những thiết bị di động mới nhất trở thành các mặt hàng siêu “hot”. Một chiếc iPhone 6 được bán với giá khoảng 300,000 bolivar (47,678 USD) tại trang Mercado Libre, gấp khoảng 41 lần so với mức lương tháng tối thiểu (7,325 bolivar) ở quốc gia này.

Tháng 2 năm nay, Venezuela đưa ra mức tỉ giá lần thứ ba là 196.95 bolivar “ăn” 1 USD, dành cho những ai không thể mua USD theo mức giá ưu đãi. Một số người có nguồn USD khác đã đổi chúng theo giá chợ đen khoảng 456 bolivar “ăn” 1 USD, khiến cho giá iPhone 6 còn khoảng 658 USD. Từ tháng năm đến nay, đồng bolivar trên thị trường chợ đen đã giảm sâu, còn khoảng 279 “ăn”1 USD.

Một điều thật lạ là đối với nhiều người dân Venezuela, smartphone hầu như không phải là một thứ xa xỉ, ngay cả vào thời điểm thực phẩm và những thứ thiết yếu khác cũng khan hiếm.

Thiếu hụt nghiêm trọng

Sự thiếu hụt các thiết bị di động ở Venezuela trầm trọng đến nỗi thường chỉ có hai hoặc ba cửa hiệu ở Caracas là có hàng. Những chiếc iPhone đời mới nhất hiện không thể nào tìm được, vì thế các cửa hiệu thường phần lớn giới thiệu cho khách những chiếc điện thoại Trung Quốc như Huawei, ZTE và một ít mẫu của Samsung, Nokia hay LG.

“Với nhu cầu cao như thế nhưng không được đáp ứng, nên bạn có thể thấy rằng những thị trường khác đang bắt đầu phát triển, chẳng hạn như trang MercadoLibre.com, và cả nhu cầu tân trang lại các thiết bị di động của mình,” Guillermo Hurtado, một nhà phân tích tại Pyramid Research nói.

Điều đó khiến cho điện thoại di động là “mảnh đất màu mỡ” cho bọn tội phạm. Rubel Vasquez, một cảnh sát tại Chacao, Caracas, một khu vực buôn bán với nhiều tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm và nhà hàng, cho biết bọn cướp thường nhắm đến những người đi bộ hay bị kẹt xe.

Vasquez cho biết thêm, ở Chacao, loại tội phạm phổ biến nhất là giật điện thoại, thường được bọn tội phạm dùng xe máy để thực hiện. Trong hai năm qua, ít nhất 240 vụ cướp điện thoại đã được báo cảnh sát trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng năm mỗi năm. Con số thực sự có thể cao hơn nhiều vì không phải vụ nào cũng được trình báo.

“Bạn không bao giờ biết bạn sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống như thế. Cuối cùng, tất cả những gì bạn có thể làm là bỏ tiền ra mua lại cái khác, và điều đó thật là tồi tệ,” Fernandez, người phụ nữ bị mất điện thoại ở trên, thở dài.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM