Thế giới tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu giao dịch điện tử phổ biến hơn?

04/02/2016 14:28 PM | Công nghệ

Citigroup ước tính, nếu thực hiện số hóa chỉ 1/4 các giao dịch này, cả thế giới có thể tiết kiệm được 150 tỷ USD mỗi năm nhờ loại bỏ chi phí giao dịch tiền mặt và giảm gian lận.

Các ứng dụng thanh toán di động đang nở rộ ở thị trường Anh và Mỹ, nhưng các nước ít phát triển nhất trên thế giới gần như vẫn không có tiến triển gì trong việc loại bỏ dần các giao dịch bằng tiền mặt và séc – những hình thức giao dịch khiến họ tốn hàng tỉ đô la mỗi năm để duy trì.

Thống kê mới nhất về chỉ số tiền điện tử (digital money index) từ Citigroup và Đại học Imperial College London cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa các quốc gia về sự sẵn sàng sử dụng phương thức thanh toán điện tử.

Giám đốc số hóa toàn cầu Sandeep Dave của Citigroup chia sẻ: “Những kết quả chúng tôi thu thập được gần như không thay đổi”. Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng năm thứ 3 liên tiếp, vị trí thứ 2 và 3 thuộc về Singapore và Mỹ. Kết quả này không có gì thay đổi so với năm 2014. Anh Quốc vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2015 sau khi nhảy 3 bậc.

Mặc dù vậy, nhìn chung tiến trình này diễn ra khá chậm trong năm 2015 và báo cáo nhấn mạnh rằng con đường tiến đến kỷ nguyên tiền điện tử sẽ là một chặng đường dài. Theo Sandeep Dave, nghiên cứu mới nhất cho thấy thái độ của khách hàng chính là yếu tố chủ chốt khiến cho tiến trình này chậm lại, chứ không phải các yếu tố hỗ trợ thị trường, công nghệ hay sản phẩm tiền điện tử.

“Chúng tôi đã tiến hành quan sát 6 nước có sự phát triển về các giải pháp tiền điện tử và thấy rằng văn hóa giao dịch chính là rào cản nổi bật nhất”.

Các ngân hàng ở Anh quốc cho biết trong vài năm qua sự phổ biến của các công nghệ thanh toán điện tử mới đã tăng lên đáng kể. Ứng dụng thanh toán di động Pingit của Barclays đã có giao dịch thứ 1 triệu vào tháng 1 này, so với mốc 100.000 vào năm trước. Các công nghệ thanh toán không tiếp xúc cũng làm tăng tần suất sử dụng thẻ thay cho tiền mặt trong các giao dịch nhỏ ở mọi ngân hàng, và các ứng dụng có tích hợp hệ thống thanh toán như Uber cũng giúp người tiêu dùng ít phải sử dụng tiền mặt.

Ashok Vaswani, CEO bộ phận Personal and Corporate Banking của Barclays, cho biết khách hàng giờ đây muốn các giao dịch được thực hiện theo cách của mình và các lựa chọn thanh toán phải được số hóa để họ có thể quản lý tiền bạc và thực hiện thanh toán mọi lúc mọi nơi.

Theo Marion King, giám đốc thanh toán của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, “khách hàng luôn muốn áp dụng các phương thức nhanh chóng, dễ sử dụng và an toàn – đó là những yếu tố nền tảng cho chiến lược đổi mới của chúng tôi.”

Sandeep Dave cho rằng chính phủ ở các thị trường mới nổi cần phải chủ động hơn trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử vì ở các nước này có đến 2/3 giá trị giải ngân của nhà nước vẫn được thực hiện qua séc hoặc tiền mặt.

Citigroup ước tính, nếu thực hiện số hóa chỉ 1/4 các giao dịch này, cả thế giới có thể tiết kiệm được 150 tỷ USD mỗi năm nhờ loại bỏ chi phí giao dịch tiền mặt và giảm gian lận. Ngoài ra, còn có thể tiết kiệm 150 tỷ USD nữa nếu số hóa được 1/4 các giao dịch bán lẻ hiện nay.

Tom Thackray, quyền giám đốc phụ trách các thị trường cạnh tranh thuộc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), cho rằng các hệ thống thanh toán điện tử là công cụ quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ đang tìm cách phát triển, đặc biệt trong việc cải thiện dòng tiền mặt và quản lý hiệu quả các dữ liệu nhạy cảm.

Ông còn cho biết: “Tiếp tục tập trung vào các yếu tố sáng tạo, bảo mật và đơn giản hóa là hướng đi quan trọng nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM