Sẽ chỉ còn 10% ngôn ngữ trong thế kỷ 22?

09/02/2015 20:42 PM | Công nghệ

Tiếng Anh và Tiếng Trung chắc chắn sẽ là những "kẻ khổng lồ" có thể nuốt gọn và chiếm hữu bất kỳ một ngôn ngữ nào hiện nay.

Nội dung nổi bật:

- Thế giới hiện có hơn 6.000 ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên theo một nghiên cứu sẽ chỉ còn khoảng 10% ngôn ngữ trên thế giới tương đương khoảng 600 ngôn ngữ khác nhau còn có thể tồn tại cho tới năm 2115.

- Khả năng biến mất của ngôn ngữ trên là điều dễ có thể xảy ra dễ dàng bởi quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Khi mọi người di chuyển đến các khu vực mới, tất yếu sẽ dẫn tới sự phân mảnh văn hóa.

-  Tiếng Anh và Tiếng Trung chắc chắn sẽ là những "kẻ khổng lồ" có thể nuốt gọn và chiếm hữu bất kỳ một nền văn hóa nào hiện nay.


Thế giới hiện có hơn 6.000 ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên theo một nghiên cứu và dự đoán mới nhất từ nhà ngôn ngữ học thuộc trường ĐH Columbia, sẽ chỉ còn khoảng 10% ngôn ngữ trên thế giới tương đương khoảng 600 ngôn ngữ khác nhau còn có thể tồn tại cho tới năm 2115.

Con người hiện nay vẫn đang tưởng tượng về cuộc sống tương lai với những sản phẩm công nghệ viễn tưởng và lối sống văn minh cực thịnh. Tuy nhiên, ít ai suy nghĩ về cách con người giao tiếp như thế nào trong tương lai. Trong khi thế giới hiện nay có tới hơn 6.000 ngôn ngữ được sử dụng thì liệu trong số 6.000 ngôn ngữ ấy sẽ có bao nhiêu ngôn ngữ còn "sống sót" lại được sau 1 thế kỷ phát triển chóng mặt của loài người?

Câu trả lời không quá khó cũng không quá dễ này mới chỉ được một nhà ngôn ngữ học thuộc trường ĐH. Columbia trả lời một phần. Tiến sỹ ngôn ngữ học nổi tiếng John McWhorter tuyên bố rằng, 90% ngôn ngữ trong tổng 6.000 ngôn ngữ hiện nay sẽ biến mất vào năm 2115 tuy nhiên sẽ khó có khả năng xuất hiện một tháp Babel (kịch bản tưởng tượng cho rằng thế giới sẽ chỉ còn lại một ngôn ngữ sử dụng phổ biến duy nhất) trong tương lai.

Viết trên tờ Nhật Báo phố Wall, John McWhorter nói rằng, chỉ trong một thế kỷ tới ngôn ngữ sẽ dần mất đi tính rộng lớn của nó và cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt là trong cách nói chuyện giữa con người với nhau.

Quá trình toàn cầu hóa đang làm cho các ngôn ngữ có xu hướng xích lại gần nhau hơn.

McWhorter khẳng định, khả năng biến mất của ngôn ngữ trên là điều dễ có thể xảy ra dễ dàng bởi quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Khi mọi người di chuyển đến các khu vực mới, tất yếu sẽ dẫn tới sự phân mảnh văn hóa.

Nền văn hóa ít được biết đến và ngôn ngữ duy nhất của nền văn hóa đó sẽ phải cố gắng đấu tranh để tồn tại, trong khi đó những ngôn ngữ phổ biến và được dùng hàng đầu hiện nay như Tiếng Anh và Tiếng Trung chắc chắn sẽ là những "kẻ khổng lồ" có thể nuốt gọn và chiếm hữu bất kỳ một nền văn hóa nào hiện nay.

Ví dụ có thể thấy rõ nhất đó chính là những sự thay đổi đã từng xảy ra ở những nơi có dấu vết của sự đô hộ như Mỹ và Úc. Hầu như tại đây chỉ còn sót lại rất ít hoặc hầu như không còn một dấu vết gì của nền văn hóa cũng như ngôn ngữ bản địa. Đó cũng là những điều có thể xảy ra khi mọi người di cư và học tập ở một môi trường và nền văn hóa mới.

Tiến sỹ McWhorter tin rằng, những nhóm nhỏ sử dụng ngôn ngữ đang dần tạo ra cho mình một mối đe dọa tiềm tàng bởi lẽ họ đang có xu hướng ngừng việc truyền đạt lại cho những đứa trẻ ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng. Điều này giống như cách họ nghĩ rằng, ngôn ngữ đó sẽ thực sự không hữu ích trong một thế giới toàn cầu hóa và thay đổi từng ngày như hiện nay.

"Trong một phạm vi ngôn ngữ ít như vậy chắc chắn cũng sẽ dẫn tới ít nền văn hóa hơn, nhưng ngay cả khi có tới 600 nền văn hóa khác nhau thì con người trong tương lai cũng sẽ chẳng thể nào thấy rằng chúng ta đang sống ở trong một thế giới hợp nhất. Một ngôn ngữ không chỉ là tập hợp các từ vựng và quy tắc, nó là một phần của văn hóa, cách học hỏi và sử dụng từ khi còn bé của trẻ nhỏ... Như vậy, cách duy nhất để cả thế giới có thể nói chung một ngôn ngữ đó là chỉ khi có những phong trào ngôn ngữ đại chúng thật sự lan rộng đến nỗi một số lượng lớn người tự tách ra khỏi nền văn hóa của họ để đi theo", McWhorter nói với tờ DailyMail.

Một lớp học dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, McWhorter còn dự đoán thêm về ngôn ngữ sẽ tiếp tục thống trị về tính đại chúng của nó trong tương lai, đó không phải ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh. Theo ông, tiếng Anh vẫn thực sự là mục tiêu đeo đuổi của nhiều người hiện nay đặc biệt là do tiếng Anh có cách viết và cách học đơn giản hơn rất nhiều so với tiếng Trung, mặc dù ngôn ngữ này đang được nói nhiều nhất trên thế giới (chủ yếu do đặc trưng dân số).

Đồng thời, do tiếng Trung thuộc hệ chữ tượng hình cùng với đó là cách phát âm cũng rất khó khăn cho người học ngay cả đó là những đứa trẻ bản địa. Ngoài ra, đó còn là do sự phổ biến của tiếng Anh hiện nay vẫn còn khá rộng lớn trong tất cả mọi mặt của đời sống, thậm chí nó hiển hiện ngay cả dưới dạng những bàn phím QWERTY mà mọi người dùng đang sử dụng hàng ngày trên di động.

Một yếu tố nữa cũng được tiến sỹ McWhorter khẳng định, dù rằng các công cụ dịch thuật ngày nay có thực sự tiên tiến nhưng đó cũng chưa thể nào đủ để "cứu sống" được tất cả các ngôn ngữ hiện nay trên thế giới.

"Đã có người nói rằng, việc dịch ngôn ngữ tức thời có thể giúp duy trì một số ngôn ngữ, thế những quan niệm đó chỉ đúng cho tới thời điểm hiện tại. Khi mà những đứa trẻ không còn được truyền đạt ngôn ngữ nữa thì chúng sau này cũng sẽ ít quan tâm hơn tới các công nghệ dịch, bởi lẽ chúng đã gần như không còn nói được thứ tiếng đó nữa", McWhorter cho biết.

Một ví dụ khác chứng minh cho lập luận này của ông, đó là việc ngôn ngữ của thổ dân Mỹ không còn được truyền bá rộng rãi nữa và nguyên nhân chính là do không còn đủ những người biết nói ngôn ngữ này để có thể truyền tải và giao tiếp với các ngôn ngữ khác.

Dịch vụ truyền hình có tên Viki cung cấp các kênh phát sóng với xấp xỉ hơn 50 ngôn ngữ, với một biểu đồ hiển thị các ngôn ngữ được cho đang gặp phải nguy cơ biến mất trên thế giới.

Ông tin rằng, những nỗ lực để bảo tồn các ngôn ngữ cũ đã và đang vô tình tạo nên những ngôn ngữ mới dẫn tới sự ra đời của nhiều các ngôn ngữ ít phức tạp hơn mà con người có thể nói trong vòng 100 năm tới. Điều này bắt đầu xảy ra từ khi mọi người bắt đầu đi qua khắp mọi nơi trên hành tinh này và khi họ bắt đầu học một ngôn ngữ mới mà họ thấy là hữu ích với họ.

Không chỉ vậy, việc di dân di cư như đã nói trước đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm biến đổi và thu hẹp ngôn ngữ. McWhorter viết: "Tại các thành phố lớn, trẻ em nhập cư đang lớn dần lên và giao tiếp với nhau bằng một phiên bản hoàn toàn mới của ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó như là một sự thỏa hiệp giữa ngôn ngữ gốc và cách cha mẹ của những đứa trẻ đã nắm bắt và truyền đạt chúng ra sao". Ông lưu ý thêm rằng, các ngôn ngữ hòa trộn như vậy sẽ khó có khả năng được viết ra để lưu lại hậu thế sau này.

Một lưu ý cuối cùng mà McWhorter cho biết, đó là việc nếu như sử dụng công nghệ hiện đại để lưu trữ thì ít nhất chúng ta cũng có thể ghi lại được khá nhiều ngôn ngữ hiếm có hiện nay trên thế giới. Nhưng dù con người có thể sẽ phải đối mặt với việc mất đi tới gần 90% ngôn ngữ sử dụng hàng ngày thì cũng với thách thức đó, con người lại có thể tạo ra được một cơ hội tuyệt vời để có thể giao tiếp được với nhau mà không phải lo về vấn đề rào cản ngôn ngữ.

>> Vì sao tiếng Trung không thể trở thành ngôn ngữ quốc tế?

Theo Tiến Thanh

Cùng chuyên mục
XEM