Sau máy bay không người lái, Amazon muốn bạn là người giao hàng?

25/06/2015 16:10 PM | Công nghệ

Amazon sẽ tận dụng các nhà bán lẻ offline ở khu vực thành thị để lưu kho hàng hoá, có thể gồm thuê kho hoặc trả phí dựa theo từng kiện hàng.

Nội dung nổi bật:

- Hãng bán lẻ tại Seattle đang phát triển một ứng dụng di động có thể trả tiền cho những người dân thường trong một số trường hợp, thay vì thuê nhân viên vận chuyển của United Parcel Service, để họ chuyển hàng hoá theo lộ trình khi tới điểm đến khác.

- Với dịch vụ này, Amazon sẽ kiểm soát trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và giúp kiểm soát chi phí giao hàng tăng 31% năm ngoái, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu.


Động thái sẽ giúp nhà bán lẻ trên web kiểm soát trải nghiệm mua sắm và các chi phí vận chuyển đang gia tăng

Với nỗ lực không ngừng nhằm cải tiến tốc độ giao hàng, Amazon muốn biến nước Mỹ thành đất nước của những người vận chuyển.

Hãng bán lẻ tại Seattle đang phát triển một ứng dụng di động có thể trả tiền cho những người dân thường trong một số trường hợp, thay vì thuê nhân viên vận chuyển của United Parcel Service, để họ chuyển hàng hoá theo lộ trình khi tới điểm đến khác, theo nguồn tin thân cận.

Theo quan sát, Amazon sẽ tận dụng các nhà bán lẻ offline ở khu vực thành thị để lưu kho hàng hoá, có thể gồm thuê kho hoặc trả phí dựa theo từng kiện hàng. Dự án của Amazon có tên nội bộ là “On My Way”.

Một nữ phát ngôn viên của Amazon từ chối bình luận.

Với dịch vụ này, Amazon sẽ kiểm soát trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và giúp kiểm soát chi phí giao hàng tăng 31% năm ngoái, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu. Dịch vụ cũng là đòn bẩy giúp hãng bán lẻ khi đàm phán với các hãng vận chuyển lớn nhất.

Tuy nhiên, ý tưởng này cũng vấp phải nhiều thách thức như Amazon kiểm soát lý lịch người giao hàng thế nào, hay liệu các nhà bán lẻ vật lý có hợp tác với đối thủ chủ chốt này không.

Trung bình Amazon giao 3.5 triệu kiện hàng một ngày, theo SJ Consulting Group, vì thế hãng sẽ cần rất nhiều người vận chuyển để có tác động đáng kể. Nhưng chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu kiện hàng bị hỏng hoặc mất.

“Ý tưởng có vẻ hợp lý, nhưng dường như còn nhiều thứ cần cân nhắc”, Marc Wulfraat, chủ tịch MWPVL International, công ty tư vấn logistic tại Montreal luôn theo dõi sát sao Amazon chia sẻ. “Điều gì ngăn cản những người này không chiếm dụng những kiện hàng này cho bản thân thay vì giao cho người khác?”

Nếu Amazon thông qua kế hoạch này, hãng sẽ liên kết với một số công ty vận chuyển theo mô hình crowdsourcing (ưu thế đám đông) có sử dụng lao động ký kết hợp đồng như Deliv, Uber và Instacart. Google và eBay cũng đang thử nghiệp nỗ lực giao hàng trong ngày sử dụng công nhân có ký hợp đồng. Năm 2013, Wal-Mart, đối thủ của Amazon cũng quan tâm một chương trình giao hàng theo mô hình crowdsourcing, biến khách hàng thành những người giao hàng cho hãng.

Tuy nhiên cho tới giờ, chưa ai có thể thực sự thách thức những gã khổng lồ giao nhận hay các hãng giao nhận địa phương phụ trách những khâu cuối cùng tốn kém trong hành trình giao một kiện hàng.

Bản thân Amazon đã thử nhiều lựa chọn giao hàng khác nhau. Ở một số thành phố tại Mỹ, hãng thuê nhân viên vận chuyển bằng xe máy cho chương trình giao hàng trong 1 giờ Prime Now, và hãng cũng ký hợp đồng với các công ty giao nhận phục vụ dịch vụ rau quả tươi trong cùng ngày. Amazon đang xây dựng mạng lưới riêng để thuê dịch vụ của UPS và Poster Service triển khai giao hàng vào Chủ Nhật và rau quả vào sáng sớm. Amazon cũng đang phát triển giao hàng bằng máy bay không người lái.

Năm ngoái, Amazon đã thử nghiệm sơ bộ giao hàng tại San Francisco bằng những chiếc taxi màu vàng và các loại xe của Uber, với mức phí 5$/1 kiện hàng. Đây là thử nghiệm hạn chế nhằm đánh giá tính khả thi và chi phí, tuy nhiên theo nhiều nguồn tin thân cận thì phương án không được mở rộng sau đó.

Theo nguồn tin cho hay, dự án “On My Way|” ra đời khi Amazon quan tâm tới dịch vụ gọi taxi có tên Rides, dịch vụ tương tự như Uber hay Lyft. Amazon sau đó đã tạm dừng dự án Rides.

Giao hàng theo mô hình crowdsourcing có thể giúp Amazon tháo được nút thắt khi lượng đơn hàng tăng đột ngột vào mùa lễ hội như hồi năm 2013, hãng phải bồi thường cho khách hàng khi một số kiện hàng không giao kịp vào Giáng Sinh. Năm ngoái, chi phí vận chuyển của Amazon tăng khoảng 2,07 tỷ USD lên 8,7 tỷ USD, tương đương 9,8% doanh thu, so với 8,9% năm 2013.

Thách thức lớn là đàm phán với các nhà bán lẻ về kho lưu trữ, mặc dù gã khổng lồ thương mại điện tử có thể tìm đến UPS là một ví dụ. Tại New York và Chicago, UPS có một dịch vụ sử dụng các điểm giặt là khô, cửa hàng tiện ích và các cửa hàng bán lẻ nhỏ làm điểm lấy hàng, vì thế khách hàng không cần thiết phải ở nhà để ký nhận chúng. Với dịch vụ này, UPS thanh toán phí cho nhà bán lẻ theo từng kiện hàng.

Đồng thời, Amazon có mạng lưới các tủ khóa trong chuỗi cửa hàng 7-Eleven, các gara đậu xe và địa điểm khác mà khách hàng có thể lấy hàng hoặc đổi trả. Amazon thuê không gian các cửa hàng, còn các nhà bán lẻ hưởng lợi nhờ lượng khách tăng.

Mô hình tính phí của “On My Way” gần đây đang được thử nghiệm, theo đó Amazon cho phép thanh toán bằng tiền mặt hay một dạng tiền thưởng được sử dụng trên trang web của hãng.

Vũ Khắc Thành

Cùng chuyên mục
XEM