Nhà mạng sợ mất 100.000 tỉ đồng

26/12/2012 14:36 PM | Công nghệ

Các nhà mạng viễn thông di động đang dần “biết sợ” hơn.

Sau khi phớt lờ những sự đe dọa của dịch vụ Over the top content (OTT) với các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí như Viber, Whatsapp, Wala, Zalo, Wechat… vì cho rằng chưa có mối nguy hiểm nào đáng kể thì đến nay, các nhà mạng viễn thông di động đang dần “biết sợ” hơn.

Đại diện của hầu hết các mạng viễn thông di động từ lớn đến nhỏ đều cho rằng việc các doanh nghiệp phát triển OTT đe dọa được nhà mạng viễn thông di động là khó xảy ra. Những lý do được đưa ra như wifi, 3G chưa quá phổ biến, người dùng phải sử dụng smartphone, hai máy phải cài chung phần mềm tương thích,... Thế nhưng, mới đây, đại diện của Viettel và cả Bộ thông tin và truyền thông đều tỏ ra quan ngại về khả năng nhà mạng sẽ bị tổn hại về doanh thu.

Cụ thể, ngày 24.12 vừa qua, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã cho rằng, dịch vụ OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G như Viber, Whatsapp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng.

Ông này giải thích thêm, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (khoảng trên 100.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông.

"Các cuộc gọi , nhắn tin miễn phí qua mạng WiFi, 3G đó sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh. Vì thế, Bộ thông tin và truyền thông nên có chính sách quản lý dịch vụ OTT trên cơ sở không kìm hãm sự phát triển nhưng đảm bảo phát triển bền vững của ngành viễn thông, CNTT và truyền hình", ông Hùng nói.

Tuy dịch vụ OTT đang trên đà phát triển mạnh mẽ và được nhiều nước phát triển hoanh nghênh vì những ích lợi dành cho người dùng nhưng trước những áp lực mà các nhà mạng đang đặt ra, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết năm 2013 sẽ có chính sách quản lý phù hợp, tránh việc các nhà mạng mất dần doanh thu.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, trưởng nhóm phát triển kĩ thuật, đồng sáng lập Wala, một dịch vụ nhắn tin miễn phí cho rằng, việc các nhà mạng lo ngại bị mất mát doanh thu là đúng, vì những công cụ thoại, nhắn tin miễn phí đang phát triển quá nhanh. Ông này cũng cho rằng, nếu nhà nước đưa ra chính sách quản lý thì các công ty chuyên doanh OTT nên hợp tác với các nhà mạng viễn thông di động để tìm một giải pháp hợp lí nhất cho đôi bên cùng có lợi.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn ví dụ tại Ả Rập, nhà nước đã có chính sách cấm triệt để những phần mềm miễn phí này để bảo hộ các nhà mạng trong nước. Tuy nhiên, nếu như nhà nước ta có biện pháp quản lý tương tự như Ả Rập thì có vẻ người chịu thiệt hại nhất chính là người dùng. 

May mắn thay, nếu như không tiếp tục bị cấm thì vẫn còn những con đường khác để người dùng tiết kiệm túi tiền với những ứng dụng miễn phí từ chính những nhà sản xuất smartphone. Các hãng này cũng trang bị các phần mềm nhắn tin miễn phí nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng như Blackberry với công cụ Blackberry Messenger, Apple với ứng dụng Facetime đàm thoại video và iMssenger hỗ trợ nhắn tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau hay Samsung với phần mềm ChatOn.

OTT ảnh hưởng xấu tới túi tiền của nhà mạng

Sự phổ biến của smartphone ảnh hưởng phức tạp tới mạng di động của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Người dùng háo hức mua smartphone và chi tiền cước dữ liệu để chơi game, xem video, “lướt” mạng xã hội hay gọi điện, nhắn tin miễn phí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc smartphone mở ra cánh cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ OTT "đánh cắp" khách hàng của nhà mạng bằng ứng dụng nhắn tin, điện thoại VOIP (gọi điện trên Internet hay qua mạng máy tính).

Thay vì trả tiền để gửi tin nhắn hay gọi điện, mọi người có thể dùng Skype, WhatsApp, Viber... mà không tốn đồng nào. Với kết nối Wi-Fi, dữ liệu là điều “khỏi phải nghĩ” với người dùng. Hãng tư vấn Ovum ước tính nhắn tin OTT làm “bốc hơi” 13,9 tỉ USD hay 9% doanh thu từ tin nhắn của nhà mạng trong năm 2011.

Các doanh nghiệp vốn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động nghe gọi và nhắn tin của người dùng phải lo lắng hơn cả. Quý II/2012, doanh thu từ dịch vụ di động của KPN của Hà Lan giảm 9,4% so với cùng kì năm 2011. Doanh thu ảm đạm và lợi nhuận sụt giảm trong nửa đầu năm 2012 cũng khiến nhà mạng Telefónica của Tây Ban Nha hủy bỏ kế hoạch trả tiền lãi cổ phần. Chừng ấy ví dụ cho thấy nhà mạng phải hành động ngay nếu không muốn "sống dở chết dở" vì OTT.

4 giải pháp cho nhà mạng đối phó OTT

Đầu tiên, nhà mạng có thể chặn các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Tháng 7/2012, cơ quan quản lí viễn thông Hàn Quốc cho phép 3 nhà mạng chặn truy cập dịch vụ VOIP trên di động. Gần như mọi người dùng smartphone tại nước này đều dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí của KakaoTalk và khi dịch vụ gọi điện của KakaoTalk được giới thiệu vào tháng 6/2012, tất cả nhà mạng đều “lo sốt vó”. Dù vậy, quyết định của cơ quan quản lí không được lòng dân và có lẽ không kéo dài sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa kết thúc vào tháng 12/2012.

Thứ hai, nhà mạng có thể điều chỉnh giá để làm dịch vụ OTT kém hấp dẫn hơn thông qua việc thu phụ phí dịch vụ của nhà cung cấp nội dung trên mạng lưới di động hoặc giảm giá cước dịch vụ của mình. Tháng 4/2012, nhà mạng Tây Ban Nha Yoigo áp đặt phụ phí cho dịch vụ VOIP. Nhà mạng TeliaSonera cũng có kế hoạch tương tự cho Thụy Điển. KPN trong khi đó mang tới gói nhắn tin không giới hạn “Hi” hướng tới những người trẻ tuổi; AT&T và Verizon Wireless – hai nhà mạng lớn nhất của Mỹ - lại tung ra gói cước dữ liệu mới nhằm “đánh úp” dịch vụ gọi, nhắn tin OTT.

Thứ ba, Hiệp hội GSM (GSMA) đang đề xướng bộ ứng dụng thông tin liên lạc mới có tên RCS-e (Rich Communication Suite-enhanced) hay “joyn”. Ban đầu, joyn cung cấp dịch vụ gọi, nhắn tin cho phép gửi ảnh, video, chia sẻ tệp tin bất kể người dùng đang sử dụng thiết bị nào, nhà mạng nào và không yêu cầu phải đăng kí, chỉ dựa vào số điện thoại và danh bạ làm các điểm kết nối. 

Trong tương lai, GSMA kì vọng joyn sẽ trở thành nền tảng cơ sở để nhà mạng cung cấp các dịch vụ khác của mình-những dịch vụ có thể sinh lời và bù đắp phần dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống bị thâm hụt. Điểm then chốt của joyn là nó được tích hợp sẵn trong điện thoại và tương thích với mọi mạng di động. Do đó, người dùng không cần phải cài đặt ứng dụng và kiểm tra xem bạn bè đã dùng chưa.

Tuy nhiên, hiện joyn mới chỉ có mặt ở Tây Ban Nha và sắp tới là ở Đức và Hàn Quốc. Joyn sẽ được triển khai từ từ khi người dùng thay thế điện thoại bằng những thiết bị đã cài sẵn joyn. Mọi nhà sản xuất thiết bị hàng đầu đều đồng ý đưa joyn vào sản phẩm trừ Apple.

Giải pháp cuối cùng là nhà mạng gia nhập cuộc chơi OTT. Telefónica là nhà mạng sắc bén nhất khi vừa tham gia joyn, vừa giới thiệu TU Me - ứng dụng nhắn tin, VOIP, chia sẻ hình ảnh tới hơn 600.000 người dùng vào tháng 5/2012. Thị trường lớn nhất của TU Me là Tây Ban Nha, kế tới là Ấn Độ và Mỹ dù hãng không hề hiện diện tại đây. Telefónica tỏ ra khôn ngoan trong tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại. Dù TU Me có thể “gặm nhấm” mảng kinh doanh cốt lõi, ít nhất Telefónica cũng giữ chân khách hàng của mình và thậm chí có thể “cướp” được khách hàng từ các nhà mạng khác.
Du Lam

Theo Nhịp cầu đầu tư/ ICTnews/Economist

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM