Mỹ tung đặc nhiệm săn lùng cựu nhân viên phanh phui chương trình theo dõi Prism

12/06/2013 11:00 AM | Công nghệ

Các nghị sĩ Mỹ dồn dập kêu gọi chính quyền Washington sớm dẫn độ Edward Snowden về nước, người lật tẩy chương trình do thám PRISM. “Chúng ta phải bắt cho bằng được Snowden dù có phải đi đến cùng trời cuối đất”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, tiết lộ nhà chức trách Mỹ đang ráo riết săn đuổi Snowden. Thượng nghị sĩ Bill Nelson nhấn mạnh Snowden phải bị truy tố tội phản quốc. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố: “Chúng ta phải bắt cho bằng được Snowden dù có phải đi đến cùng trời cuối đất”.

Chính quyền Mỹ đã khởi động cuộc “săn người” như báo chí mô tả để truy lùng Ed Snowden, tác giả của những rò rỉ nghiêm trọng nhất trong lịch sử NSA. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra vụ Snowden phanh phui chương trình PRISM của NSA cho báo Washington Post và Guardian.

Theo báo Daily Beast, trên thực tế bộ phận an ninh và phản gián của NSA đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để truy tìm Snowden khi anh biến mất khỏi Hawaii từ hồi tháng 5.

Và khi báo Washington Post và Guardian đăng tải vụ nghe lén chấn động của Chính phủ Mỹ, NSA đã lập tức nghi ngờ Snowden chính là “người thổi còi”. Trong “cơn hoảng loạn bùng nổ” ở NSA, như một sĩ quan tình báo giấu tên tiết lộ, nhóm đặc nhiệm của NSA đã gây sức ép lên gia đình và bạn bè của Snowden để buộc họ tiết lộ tung tích của anh.

Mất dấu vết ở Hong Kong

Theo Guardian, Snowden đã đến Hong Kong từ ngày 20-5 và đến ngày 10-6 anh vẫn còn ở đó. Báo Independent cho biết Snowden lấy thẻ tín dụng của mình đăng ký phòng ở khách sạn Mira tại Hong Kong sáng 10-6. Nhưng chỉ đến trưa là anh trả phòng.

Báo Le Monde viết: người mà tờ báo tiếng Anh South China Morning Post ở Hong Kong mô tả trên trang 1 của mình là “người bị săn lùng nhất thế giới” nay đang ở đâu?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được quay phim của báo Guardian, Ed Snowden - “người thổi còi” người Mỹ đang làm rung chuyển cơ quan tình báo hùng mạnh nhất thế giới này - đã để lại đủ những dấu vết để báo chí có thể tìm thấy anh trong một khách sạn của Tsim Sha Tsui, ở phía nam Kowloon.

Thế nhưng, du khách người Mỹ này với tên thật Ed Snowden đã biến mất khỏi nơi này ngay sáng 11-6. Và dấu vết lại bị xóa mất.

Truyền thông quốc tế ngạc nhiên không hiểu tại sao Snowden lại sử dụng tên thật để thuê phòng khi đang bị đặc nhiệm của NSA săn lùng. Một số chuyên gia an ninh nhận định có thể đây là cách của một cựu nhân viên CIA như Snowden để đánh lạc hướng những kẻ đang bám đuôi.

Nhưng, rõ ràng du khách này không phải là đối tượng săn lùng của cảnh sát Hong Kong. Reuters dẫn lời nghị sĩ Hong Kong Regina Ip trước đó tuyên bố có thể Snowden đã tính toán sai lầm khi đến Hong Kong.

“Chúng tôi có thỏa thuận song phương với Mỹ và phải tuân thủ các thỏa thuận này. Hong Kong không phải là nơi vô luật pháp như Snowden đã nghĩ” - bà Ip nêu rõ.

Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, Tòa án tối cao Hong Kong đã ra phán quyết khẳng định chính quyền đặc khu không được dẫn độ bất kỳ ai cho đến khi thiết lập một quy trình dẫn độ mới.

Điều đó có nghĩa là kể cả khi Snowden bị bắt ở Hong Kong và phía Mỹ yêu cầu dẫn độ thì quá trình xét duyệt cũng sẽ kéo dài rất lâu. Giới quan sát cho rằng có thể Snowden đã tính toán đến yếu tố này.

Giáo sư luật Simon Young thuộc Đại học Hong Kong nhận định Snowden cũng có thể chọn giải pháp xin tị nạn chính trị ở Hong Kong và cơ hội thành công của anh chắc chắn không nhỏ.

Sẽ còn nhiều bất ngờ

Khi trả lời phỏng vấn báo Guardian, Snowden từng bày tỏ nguyện vọng được tị nạn chính trị ở Iceland với các thủ tục được tiến hành thông qua trung gian của lãnh sự Phần Lan, nơi cấp visa vào Iceland tại Hong Kong.

Tuy nhiên, chính quyền Iceland tuyên bố anh phải đến quốc gia này thì mới có thể nộp đơn xin tị nạn. Ed Snowden cũng có thể xin tị nạn chính trị tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nhưng cơ may được chấp nhận xem chừng rất ít.

Trong khi đó, Nga sẵn sàng cho Snowden tị nạn chính trị nếu anh yêu cầu, như tuyên bố ngày 11-6 của người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov, được báo Nga Kommersant dẫn lời.

Còn lại khả năng, như Snowden thừa nhận trong cuộc phỏng vấn này, là sớm muộn gì anh cũng sẽ bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ, thậm chí bị thủ tiêu. “Đó là nỗi lo sẽ đeo bám tôi suốt cuộc đời” - Snowden tâm sự. Tuy nhiên, anh không cô độc.

Theo báo USA Today, hiện đã có hơn 25.000 người tham gia vào chiến dịch trên mạng Internet kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama tha tội cho Snowden dù anh chưa bị truy tố. Một trang Facebook gây quỹ để giúp Snowden đối đầu với cuộc chiến pháp lý sắp tới cũng đã huy động được 8.000 USD chỉ sau vài giờ.

Nhà báo Glenn Greenwald của báo Guardian, người viết bài về chương trình PRISM theo thông tin từ Snowden, vừa tuyên bố “còn nhiều tài liệu quan trọng khác để công bố”. “Còn có hàng chục câu chuyện nữa từ khối tài liệu do Snowden cung cấp và chúng tôi sẽ đăng tải cho đến đề tài cuối cùng” - Greenwald quả quyết và tiết lộ trong hai ngày qua vô số người đã liên hệ với ông để bày tỏ ý nguyện đóng góp tiền cho Snowden giúp anh đối đầu với Chính phủ Mỹ.


Hé lộ chương trình nghe lén của Chính phủ Canada

Tờ The Globe and Mail vừa tiết lộ vào tháng 11-2011, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay đã thông qua một chương trình nghe lén điện tử bí mật cho phép chính phủ nước này thu thập hồ sơ điện thoại toàn cầu và các đường dẫn truy cập Internet. Ông MacKay đã lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của chương trình này trước Quốc hội Canada.

AFP cho biết chương trình này hoạt động dưới quyền Cơ quan An ninh truyền thông Canada (CSEC) thuộc Bộ Quốc phòng. Canada nằm trong mạng lưới chia sẻ tình báo Five Eyes cùng với Mỹ, Úc, Anh và New Zealand.

Anh Thư


Theo Sơn Hà

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM