Máy tính bảng thương hiệu Việt: Chưa học bò đã lo học chạy

26/03/2013 13:26 PM | Công nghệ

Theo thống kê, hiện nay các DN Việt Nam đang nắm giữ 80% thị phần máy tính để bàn tại thị trường nội địa. Nếu đối với những mặt hàng khác, đây là điều đáng mơ ước.

Tuy nhiên, các DN thay vì đầu tư tập trung thị trường này, lại nhảy sang thị trường máy tính bảng và laptop trong khi đang rất yếu và thiếu cả về công nghệ lẫn nhân lực.

Khoảng 6 năm trước, trong tổng lượng máy tính tiêu thụ trên thị trường, máy tính bàn chiếm đến 70%. Song đến thời điểm này, máy tính bàn chỉ còn khoảng 25%, trong khi máy tính xách tay và máy tính bảng có mức tăng trưởng ngày càng lớn.

Nhìn thấy xu hướng của thị trường, các DN Việt cũng giảm bớt mối quan tâm đối với dòng máy tính bàn và bắt đầu dò dẫm lấn sang lĩnh vực máy tính xách tay và máy tính bảng giá rẻ với hy vọng tìm kiếm được thị phần. Tiên phong trong việc cung cấp máy tính bảng “made in Vietnam” là các thương hiệu FPT, Pi Vietnam, CMS, Hanel.

Tuy nhiên, do trình độ công nghệ thấp nên dù nỗ lực nhiều nhưng thành công khá hiếm hoi. Một số công ty đã giới thiệu sản phẩm ra thị trường nhưng đều không thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ lớn.

Để bán được hàng, các nhà sản xuất phải tìm đến những kênh bán hàng trực tuyến, kết hợp với những trang bán hàng theo nhóm. Một vấn đề đáng nói nữa là một số DN còn đánh lừa người tiêu dùng, nhập khẩu hàng Trung Quốc về dán lại nhãn mác khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sự phát triển của DN Việt.

Trước xu hướng kinh doanh máy tính bảng giá rẻ của một số DN Việt, Viettel đã tuyên bố sẽ gia nhập thị trường máy tính bảng giá rẻ và định hướng sẽ đi nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cá thể hóa với lô nhỏ cung cấp cho các thị trường ngách vì không đủ nguồn lực về con người, tài chính và trình độ công nghệ để có thể sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, dù hàng mẫu đã được trưng bày nhưng đơn vị này lại chưa công bố kế hoạch sản xuất. Điều này cho thấy con đường tiến tới lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam dường như quá mờ mịt.

Hiện tại, vì không thể nào cạnh tranh nổi với máy tính xách tay, máy tính bảng, các DN nên tập trung sâu vào thị trường máy tính bàn, mở rộng kênh phân phối đến những khu vực nông thôn. Đồng thời, dù doanh số máy tính bàn có sụt giảm nhưng hiện nay nhu cầu sử dụng vẫn hiện hữu ở một số ngành cần bảo mật cao hay các cơ quan nhà nước vẫn đang ưu tiên sử dụng hàng trong nước.

Còn nếu muốn phát triển sang lĩnh vực khác cần phải có sự đầu tư bài bản về nhân lực, công nghệ để làm đến nơi đến chốn, chứ không nên làm chụp giật như hiện nay.

Theo Đỗ Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM