Khi điện thoại đang chết, đâu mới là mảng nuôi sống Samsung?

12/12/2015 09:28 AM | Công nghệ

Một vài nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích đang đặt cược rằng Samsung sẽ chuyển hướng tập trung của họ sang lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn bởi không những biên lợi nhuận cao hơn mà công ty còn đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Samsung Electronic đang đứng trước bước ngoặt chưa từng có. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh quan trọng của họ đang gặp khó với thị phần giảm đáng kể (xuống còn 22% trong Q2 năm 2015 từ mức hơn 30% vào năm 2003). Ngoài biên lợi nhuận sụt giảm, Samsung còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Apple và các nhà sản xuất Trung Quốc.

Đối lập lại, mảng kinh doanh chất bán dẫn lại đang trong tình trạng hoạt động rất tốt. Một phần đóng góp lớn là nhờ nhu cầu với các sản phẩm bộ nhớ tăng cao và Samsung cũng đạt được những cải tiến đáng kể trong sản xuất chip logic.

Thật ra từ trước khi đi vào làm smartphone, mảng kinh doanh linh kiện bán dẫn của Samsung đã rất lớn. Hiện tại, Samsung là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Intel.

Một vài nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích đang đặt cược rằng Samsung sẽ chuyển hướng tập trung của họ sang lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn bởi không những biên lợi nhuận cao hơn mà công ty còn đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Nhận định này càng được củng cố hơn sau khi Samsung đầu tư 14,7 tỉ USD vào thành phố Pyeongtaek phía nam Seoul để xây dựng một khu công nghiệp chuyên sản xuất vi xử lý mới.

Gần đây, Samsung còn xác nhận họ đang xây dựng thêm một bộ phận mới, đóng vai trò sản xuất linh kiện ô tô cho các đối tác khác và họ sẽ bắt đầu với các linh kiện giải trí trong xe.

Theo thông cáo mới đây, mục đích chính của việc mở thêm nhánh công ty này là nhằm "lấn sâu" hơn vào ngành công nghiệp sản xuất linh kiện của xe tự lái cho các công ty khác.

Động thái này cho thấy hướng tập trung mới của Samsung đang dịch chuyển, từ điện thoại sang linh kiện bán dẫn. Hiện nay trên thế giới những nhà sản xuất hàng đầu tư Apple, Google đều tham gia vào lĩnh vực xe tự lái vì vậy đây thực sự là một thị trường đầy hứa hẹn.

Một lãnh đạo của Samsung cũng khẳng định: “Samsung hiện đã hợp tác với Google – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xe tự hành. Nhìn vào liên minh trong đó Google đóng vai trò là người khởi xướng Samsung hoàn toàn nhìn thấy tương lai sáng lạng phía trước”.

Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng, trước khi trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới như hiện nay, Samsung xuất phát điểm là nhà sản xuất linh kiện và chất bán dẫn.

Nhờ những khoản đầu tư lớn được đưa ra vào đúng thời điểm, mảng chip bán dẫn của Samsung đã sớm trở thành "con ngỗng vàng" đem lại nguồn vốn để tập đoàn số 1 Hàn Quốc có thể tiếp tục đầu tư vào TV và di động sau này.

Thực tế, cho đến giờ Samsung vẫn là một trong các nhà cung ứng vi xử lý chính cho Apple. Con chip A9 với bộ vi xử lý 14nm được sản xuất tại Samsung; RAM cùng các loại linh kiện khác của Samsung có mặt trên rất nhiều smartphone và tablet hiện tại.

Chính vì vậy, không loại trừ khả năng, chiến lược mới của vị thái tử trẻ tuổi Lee Jae Yong của Samsung là đặt cược vào xe ô tô thông minh. Ban đầu có thể là nhà cung cấp, sau đó họ sẽ tự sản xuất ô tô thông minh.

Không chỉ là smartphone hay ô tô, Samsung còn tập trung vào mảng linh kiện bán dẫn để phục vụ cho "ý đồ" trong tương lai xa của hãng: đi đầu trong công nghệ Internet of Thing (IoT). Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về điều này.

Không hoàn toàn trải hoa hồng

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đó là mảng sản xuất chất bán dẫn biến động nhanh và cần nguồn vốn lớn.

Mảng sản xuất chất bán dẫn của Samsung có thể được chia thành 3 phân khúc: Mảng kinh doanh bộ nhớ DRAM (chiếm 48% tổng doanh thu các sản phẩm chất bán dẫn trong năm 2014); Chíp NAND (chiếm 26% tổng doanh thu); và một số sản phẩm khác (26%).

Cả 3 phân khúc này đều đạt kết quả kinh doanh tốt trong những quý gần đây.

Trong khi đó, mảng DRAM được hưởng lợi do giá trên thị trường tăng cao. Mảng kinh doanh NAND cũng đang trên đà phát triển nhờ nhu cầu từ những thiết bị di động cao và doanh số bán SSD.

Cuối cùng, mảng chip logic – ưu tiên sản xuất bộ vi xử lý cho các bên thứ 3 và cho chính mảng di động của Samsung cũng đã tăng trưởng lợi nhuận tốt thông qua việc ra mắt công nghệ xử lý FinFET.

Mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung hiện có lợi nhuận lớn hơn mảng kinh doanh điện thoại thông minh, chiếm gần 1 nửa tổng lợi nhuận của toàn công ty trong quý thứ 2 năm 2015.

Doanh thu từ mảng này cũng tăng 15% so với năm trước trong suốt Q2 – trong khi con số tương tự của mảng di động giảm 7% cùng kỳ và lợi nhuận từ mảng này đang lớn hơn mảng kinh doanh điện thoại thông minh (cao hơn khoàng 23%).

Tuy nhiên, mặc cho tốc độ phát triển mạnh gần đây, mảng kinh doanh chất bán dẫn cũng đang đối mặt với một vài thử thách. Đặc biệt, công ty này phải chịu khoản chi phí vốn khổng lồ.

Chi phí cho mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung hiện cao nhất trong ngành sản xuất chip trong ít nhất 5 năm qua và công ty đang hy vọng đầu tư thêm 15 tỷ USD trong năm 2015. Trong khi đó, chi phí cho mảng kinh doanh di động của công ty chỉ ở mức dưới 4 tỷ USD.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM