iPhone 5S 'chém' người Việt đắt thứ 2 thế giới

25/11/2013 10:17 AM | Công nghệ

Để mua được một chiếc iPhone 5S mới ra mắt, người tiêu dùng Việt Nam phải bỏ ra số tiền chiếm khoảng 20% thu nhập trong một năm của họ, chỉ sau Ấn Độ với trên 22%.

Nội dung nổi bật:

- Người tiêu dùng Việt Nam phải bỏ ra số tiền chiếm khoảng 20% thu nhập trong một năm để mua được chiếc iPhone 5S, chỉ sau Ấn Độ với trên 22%.

- Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 9,57%, người Thái Lan chỉ cần bỏ 7,96%, còn người Malaysia chỉ mất 4,48%, trong khi Singapore thì tương đương 1,3%.

- Tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng/2013 của mặt hàng điện thoại đạt 14,92 tỷ USD thì iPhone nằm trong tổng thể chung này vô cùng nhỏ bé. Hầu hết người Việt thường mua iPhone model đời cũ với giá thấp hơn nhiều.



Căn cứ theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, thu nhập bình quân đầu người trong một năm tính theo ngang giá sức mua của Việt Nam là 3.788 USD. 

Nếu người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập này muốn mua một chiếc iPhone 5S thì ít nhất phải bỏ ra tới 749,8 USD (bản 16GB khóa mạng của Viettel), tương đương 19,8% thu nhập một năm của họ. 

Thậm chí, trên thực tế người Việt Nam vẫn thường phải mua iPhone 5S xách tay với giá khoảng 775,5 USD, tương đương 20,47% thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua, do các nhà mạng cung cấp iPhone 5S một cách nhỏ giọt. Hay nói một cách khác thì người Việt kiếm tiền cả năm cũng chưa đủ mua 5 chiếc iPhone 5S.

So với các nước trong khu vực, để mua một chiếc iPhone 5S 16GB thì người Trung Quốc chi ra 9,57% thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua, người Thái Lan chỉ cần bỏ 7,96%, còn người Malaysia chỉ mất 4,48%, trong khi Singapore thì tương đương 1,3%.


Biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa giá iPhone 5S và GDP bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dù là một sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, song không có nghĩa là Apple muốn chiếc iPhone của mình chỉ chu du trong phân khúc thị trường nhen nhóm - những người tiên phong say mê công nghệ, những người thích ứng nhanh - hay 1% những người nhiều tiền. 

Cũng như bất kỳ một công ty công nghệ nào khác, đích nhắm vẫn là thị trường số đông - tức những người tiêu dùng phổ thông, có tính thực dụng cao, tính toán chi ly từng đồng bỏ ra so với thu nhập của mình.

Song nếu như iPhone có thể dễ dàng làm được điều này hơn ở các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu thì sẽ rất khó ở một thị trường như Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2013 đạt 1,71 tỷ USD, nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng/2013 lên 14,92 tỷ USD thì giá trị của nhóm hàng đến từ Apple nằm trong tổng thể chung này vô cùng nhỏ bé. 

Trong khi Hàn Quốc là đối tác lớn nhất trong việc cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam (chiếm khoảng 30%) thì Mỹ lại chỉ chiếm một con số khiêm tốn.

Điều này là do thị trường xách tay ở Việt Nam khá thịnh, nếu khéo tìm có thể được những sản phẩm có lúc còn rẻ hơn chính hãng do không chịu thuế nhập khẩu. 

Không những vậy, giá iPhone so với thu nhập trung bình của người Việt Nam là khá cao, cho nên, những người nhắm đến mẫu điện thoại mới nhất lại chỉ là những người thuộc thị trường nhen nhóm, hoặc những người có thu nhập cao trả tiền mua cho con em mình. 

Còn nhóm người tiêu dùng phổ thông thường sẽ tìm đến các model đời cũ với giá mềm hơn rất nhiều. Theo thống kê của Công ty Phát triển trình duyệt web Opera, người Việt chủ yếu sử dụng smartphone tầm trung ở mức giá trung bình 4 triệu đồng, điều này lý giải cho việc những thiết bị chạy Android, nhất là các smartphone thương hiệu Samsung, đang ngày càng chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam. 

Do đó, với những người cũng chỉ muốn bỏ ra một số tiền trong tầm giá này mà vẫn muốn sở hữu một sản phẩm của Apple, họ thường sẽ tìm đến các model cũ của iPhone, thịnh hành nhất là iPhone 4 giá thường từ 5-8 triệu đồng tùy theo độ cũ mới và cửa hàng bán - không quá lạc hậu mà vẫn đủ “đẹp” và “danh tiếng” để thỏa mãn “lòng ham hư vinh” của nhiều người tiêu dùng.

Chính vì thế mà doanh thu chính hãng của Apple tại Việt Nam trở nên thiếu sức hấp dẫn, cho nên cửa hàng bán iPhone, iPad thì nhan nhản, song chẳng có cái nào là Apple Store chính gốc, và số đại lý ủy quyền chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn là tự phát và tự trang hoàng cho mình “nhái” theo màu đen, gắn logo quả táo cắn dở… y chang các Apple Store nước ngoài. Vì thế mà chế độ hậu mãi cũng chẳng biết đâu mà lần.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM