Internet có phải là nguyên nhân khiến nhiều ngôn ngữ biến mất hay không?

30/09/2015 14:18 PM | Công nghệ

Bạn có biết: Tiếng Trung, mặc dù có tới hơn 1,2 tỉ người sử dụng, nhưng số lượng các trang web hỗ trợ ngôn ngữ này chỉ chiếm chưa tới 3% tổng số các trang web trên thế giới, trong khi tiếng Anh vẫn đang áp đảo với 55%.

Khi một thứ tiếng không còn được người nào sử dụng nữa, chúng ta sẽ gọi đó là “ngôn ngữ chết”. Và trên thế giới hiện tại, ước tính cứ 14 ngày sẽ có một ngôn ngữ bị biến mất hoàn toàn. Nhưng, sự thiếu đa dạng ngôn ngữ trên mạng internet liệu có phải là nguyên nhân khiến cho nhiều thứ tiếng biến mất, hay chỉ phản ánh đúng những thứ đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

Hiện tại, có tới hơn 7.100 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới, nhưng tới 90% trong số đó chỉ được sử dụng bởi trên dưới 100.000 người. Một số thứ tiếng chỉ được sử dụng bởi những người dân tộc thiểu số, và một số khác, chẳng hạn như tiếng Taushiro - một nhánh ngôn ngữ của Peru – nay chỉ còn đúng một hoặc hai người biết.

Việc ngôn ngữ mới được sinh ra, hay chết đi, là một quá trình tất yếu của lịch sử. Theo trang Ethnologue - liệt kê toàn bộ các thứ tiếng được sử dụng trên thế giới – có tới 1.519 ngôn ngữ đang bên đứng bờ diệt vong. Và, hiểu rõ được nguyên nhân biến mất của các thứ tiếng hiện vẫn là điều tương đối khó khăn và phức tạp với những nhà ngôn ngữ học.

 Bản đồ ngôn ngữ trên thế giới, với những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất được đánh dấu màu đỏ

Bản đồ ngôn ngữ trên thế giới, với những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất được đánh dấu màu đỏ

Theo thống kê mới đây của Liên Hợp Quốc, hiện chỉ có khoảng 500 ngôn ngữ được sử dụng trên Internet, và công cụ tìm kiếm của Google đứng đầu với việc hỗ trợ tới 348 thứ tiếng khác nhau. Theo sau là Wikipedia với 290 ngôn ngữ, Facebook 80, Twitter 28 và 24 ngôn ngữ là con số được LinkedIn hỗ trợ. Số lượng ngôn ngữ được hỗ trợ trên mạng Internet hiện đã cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng so với số thứ tiếng trên toàn thế giới thì vẫn còn kém rất xa.

Trong số các thứ tiếng được sử dụng trên mạng Internet, tiếng Anh vẫn hoàn toàn áp đảo khí chiếm tới 55,2% trong số 10 triệu trang web nổi tiếng nhất. Theo sau là các thứ tiếng Pháp, Đức, Nhật, Nga và Tây Ban Nha – chiếm từ 4 tới 5,8% trong số các website kể trên.

Thực ra, không phải thứ tiếng nào có nhiều người nói cũng đồng nghĩa với việc ngôn ngữ đó được sử dụng nhiều trên Internet. Ví dụ điển hình nhất là tiếng Hindi – ngôn ngữ “mẹ đẻ” của hơn 310 triệu người. Mặc dù là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 4 trên thế giới, nhưng chỉ có 0,1% trong số 10 triệu trang web nổi tiếng hỗ trợ tiếng Hindi. Tiếng Trung cũng nằm trong tình trạng tương tự, tuy có tới 1,2 tỉ người sử dụng nhưng số lượng trang web tiếng Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 2,8%.

 Dù là ngôn ngữ lớn thứ 4 trên thế giới, nhưng tiếng Hindi rất ít được sử dụng trên Internet

Dù là ngôn ngữ lớn thứ 4 trên thế giới, nhưng tiếng Hindi rất ít được sử dụng trên Internet

Vấn đề đôi khi không thuộc về ngôn ngữ, mà lại nằm ở những ký tự được sử dụng. Ước tính có tới 3,2 tỉ người sử dụng Internet không đọc được ký tự La tinh, nên đối với họ thì tên miền “www.facebook.com” hoàn toàn vô nghĩa và khó nhớ.

Sự xuất hiện của hệ thống tên miền quốc tế IDN, cho phép các địa chỉ web được hiển thị bằng tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Kirin, Tamil hay tiếng Hebrew, đã khiến cho việc phổ cập Internet đến với rất nhiều người trên thế giới trở nên dễ dàng hơn. Và có lẽ, việc các tên miền chỉ được hiển thị bằng chữ cái La tinh như trước đây phần nào cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kém đa dạng về ngôn ngữ trên mạng Internet.

 Tên miền được viết hoàn toàn bằng tiếng Hy Lạp

Tên miền được viết hoàn toàn bằng tiếng Hy Lạp

Thách thức lớn nhất hiện tại vẫn là tìm ra cách tốt nhất để đa dạng hóa ngôn ngữ trên Internet. Theo ước tính của Facebook, để 80% dân số thế giới sử dụng được mạng Internet thì chỉ cần nội dung hỗ trợ khoảng 92 ngôn ngữ là đủ. Wikipedia đang tiến rất gần tới mốc này, với hơn 100,000 chủ đề hỗ trợ tới 52 thứ tiếng. Và thực ra, việc cố gắng để mạng Internet hỗ trợ tất cả ngôn ngữ trên toàn cầu là hoàn toàn thừa thãi.

Theo giáo sư Giuseppe Longobardi, đến từ khoa ngôn ngữ học trường Đại học York, mạng Internet hoàn toàn không phù hợp để hỗ trợ những thứ tiếng đang bên bờ vực biến mất. Lý do là bởi, những ngôn ngữ này thường chỉ được sử dụng bởi những người dân tộc thiểu số sống trong các ngôi làng nhỏ, không có nhu cầu sử dụng internet để liên hệ với những người bản ngữ khác.

 Trang Wikipedia bằng tiếng Trung. Wikipedia hiện đang hỗ trợ tới 52 ngôn ngữ khác nhau

Trang Wikipedia bằng tiếng Trung. Wikipedia hiện đang hỗ trợ tới 52 ngôn ngữ khác nhau

“Một vài ngôn ngữ địa phương thuộc Brazil hay Úc đang có nguy cơ trở thành ngôn ngữ chết, nhưng mạng Internet hoàn toàn không có khả năng cứu lấy chúng, do số lượng người biết những thứ tiếng này quá ít để tạo ra được những trang web có mức độ tương tác cao.”

Đối với ông Longobardi, tính đa dạng của ngôn ngữ trên mạng Internet chính là tấm gương phản chiếu những gì thực sự diễn ra trong môi trường đa ngôn ngữ trên toàn thế giới. Những ngôn ngữ thiểu số sẽ ít được dùng, và những thứ tiếng được nhiều người học tập, sử dụng sẽ tiếp tục thống trị mạng Internet”

Số lượng ngôn ngữ được sử dụng trên mạng có thể sẽ đa dạng hơn rất nhiều so với hiện tại, nhưng chắc chắn việc hồi sinh những ngôn ngữ chết là điều không thể xảy ra” – giáo sư cho biết thêm.

Bà Friederike Luepke, giáo sư tại trường Đại học London đưa ra quan điểm: “Hiện tại, phần đông dân số trên thế giới đều biết nhiều thứ tiếng, và hầu hết bọn họ đều không sử dụng ngôn ngữ thiểu số, thay vào đó là ngôn ngữ phổ biến nhất tại quốc gia mà họ sinh sống, hay những thứ tiếng mà cộng đồng xung quanh họ sử dụng”.

Trên các trang mạng xã hội, rào cản về ngôn ngữ đang dần bị xóa bỏ. Khi người sử dụng tham gia vào một cộng đồng mới, với ngôn ngữ, quy tắc chính tả, ngữ pháp hoàn toàn khác biệt, cũng là lúc mà môi trường đa ngôn ngữ mới được hình thành. Và bà Luepke tin rằng đây sẽ tiếp tục là mô hình đa ngôn ngữ trên mạng trong tương lai.

Chỉ có điều, kể cả khi các vấn đề về môi trường đa ngôn ngữ trên mạng Internet được giải quyết, thì vẫn còn một rào cản tồn tại – chính là khả năng tiếp cận của người dùng. Ở những khu vực như Tây Phi, người dân không sử dụng internet không phải vì họ không hiểu gì cả, mà bởi điều kiện cơ sở hạ tầng ở đây quá yếu kém, và chi phí truy cập dịch vụ rất cao.

“Vấn đề thực sự ở đây là rất nhiều người trên thế giới vẫn không có điều kiện truy cập mạng Internet. Mặc dù công nghệ di động có thể sẽ giúp phổ biến Internet đến nhiều nơi trên thế giới hơn, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề trên thì vẫn còn rất nhiều việc khác cần phải làm”, bà Luepke cho biết thêm.

Cùng chuyên mục
XEM