Indonesia: Bùng nổ nhà máy sản xuất điện thoại

16/01/2015 09:26 AM | Công nghệ

Indonesia là một trong những thị trường tiêu thụ điện thoại di động lớn nhất của thế giới. Các chuyên gia tiếp thị trực tuyến tin rằng, quốc gia này sẽ đạt mức tăng trưởng 100 triệu thuê bao mới hàng tháng vào năm 2018.

Indonesia sẽ vươn lên trở thành thị trường điện thoại lớn thứ 4 thế giới. Với dự báo này, Indonesia trở thành thị trường chiến lược quan trọng đối với các nhà sản xuất điện thoại nổi tiếng.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác đang giúp đẩy mạnh quá trình tăng trưởng. Chi phí lao động tại Indonesia đang giảm gần đây. Mức lương tối thiểu hàng năm của quốc gia này là 1.163 USD, thấp hơn Trung Quốc là 2.472 USD. Ngoài ra, chính phủ Indonesia đang áp dụng chính sách mới một mặt gia tăng chi phí nhập khẩu điện thoại, mặt khác giảm hàng rào thủ tục để có thể thiết lập nhà máy sản xuất điện thoại trong nước.

Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu điện thoại của quốc gia này đạt 2,6 tỷ USD, và con số này đang tiếp tục tăng lên. Chính phủ Indonesia muốn chuyển hóa nhu cầu này trở thành lợi nhuận cho quốc gia.

Một lượng lớn các hãng điện thoại trong và ngoài nước bắt đầu thiết lập nhà máy tại Indonesia, trong khi những thương hiệu khác thì đang lên kế hoạch thực hiện. Làn sóng này đưa đến việc phát triển hàng loạt nhóm ngành phụ trợ trong chuỗi sản xuất điện thoại của các thương hiệu trong nước.

Dưới đây là 11 gương mặt nổi bật tại thị trường điện thoại Indonesia hiện tại.

Thương hiệu nước ngoài:

1. Oppo

Thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang rất quyết tâm tấn công vào thị trường Indonesia. Công ty này đã chi 30 triệu USD để mua lại một nhà máy cũ và cải tạo nó thành nhà máy lắp ráp tại quốc gia này. Nhà máy đầu tiên của Oppo bên ngoài Trung Quốc được đặt tại Tangerang, ngoại thành Jakarta sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2015.

Nhà máy này của Oppo hướng đến định mức 500.000 điện thoại mỗi tháng sau khi chính thức vận hành.

2. Haier

Haier, một thương hiệu khác của Trung Quốc, được biết đến với các sản phẩm gia dụng song lại mang mảng điện thoại đi "chinh chiến" tại Indonesia. Haier hiện là nhà sản xuất cho điện thoạt của hãng địa phương Smartfren Andromax.

Haier đã đầu tư 1 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất cho nhà máy của hãng tại Indonesia. Nhà máy này sẽ sớm đạt mức sản xuất 200.000 điện thoại mỗi tháng.

3. ZTE

ZTE là nhà sản xuất Trung Quốc chuyên cung ứng dòng điện thoại nhãn trắng cho các thương hiệu Indonesia như dòng điện thoại của Smartfren Andromax và Bolt Power.

ZTE cho biết Indonesia là thị trường điện thoại lớn nhất của hãng hiện tại. ZTE đang quyết định đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại ở gần sân bay tại Jakarta. Tuy nhiên, ZTE từ chối tiết lộ thêm thông tin về dự án này.

4. Samsung

Mặc dù gã khổng lồ Hàn Quốc đã lặp đi lặp lại về hứng thú xây dựng nhà máy tại Indonesia, kế hoạch vẫn đang trong vòng dự tính. Thông tin cập nhật mới nhất, từ người đại diện Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết Samsung có kế hoạch khởi động dây chuyền lắp ráp tại Indonesia vào cuối tháng này. Thông tin nhấn mạnh rằng Samsung đã mua lại một vài dây chuyền sản xuất và đội ngũ R&D tại Indonesia.

Samsung cho biết dự kiến sản xuất khoảng 900.000 điện thoại mỗi tháng tại một nhà máy ở Wast Java. Tuy nhiên ban đầu khi nhà máy mới hoàn thành sẽ khởi động với 100.000 sản phẩm mỗi tháng .

5. Axioo

Hãng điện thoại Singapore - Axioo đã xây dựng hai nhà máy tại khu vực Cakung và Sunter của Jakarta vào tháng 10/2013. Công ty cho biết hiện năng suất của hai nhà máy này vào khoảng 750.000 điện thoại và máy tính bảng mỗi năm. Tất cả điện thoại của Axioo đều được lắp ráp tại Indonesia, dù phần lớn các nguyên liệu được sản xuất tại Trung Quốc. Axioo cho biết mảng điện thoại của hãng đang có khoảng 30% linh kiện được sản xuất tại Indonesia.

Thương hiệu trong nước:

6. Polytron

Công ty địa phương này khá nổi tiếng trên khắp đảo quốc đang sản xuất các sản phẩm điện tử như radio, loa, TV LED, tủ lạnh. Trong năm 2011, Polytron tham gia vào thị trường điện thoại di động bằng dòng điện thoại nhãn trắng của mình. Mặc dù Polytron hiện đã có 3 nhà máy đặt tại Indonesia, Polytron vẫn đặt hàng các điện thoại sản xuất từ nhà máy Trung Quốc.

Cho đến tháng 12/2013, Polytron quyết định sử dụng một trong những nhà máy của mình để sản xuất điện thoại.

Gần đây, Polytron đặt mục tiêu sản xuất 100.000 điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh mỗi tháng từ nhà máy tại Kudus, trung tâm Java. Những chiếc điện thoại tự sản xuất đầu tiên của Polytron sẽ được bán ra trong tháng này.

7. Evercoss

Đặt tại Semarang, trung tâm Java, nhà máy của Evercoss bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6 năm 2014. 350 công nhân của nhà máy đang sản xuất khoảng 1.500 điện thoại thông minh, 1.500 máy tính bảng và 2.500 điện thoại phổ thông mỗi ngày, tuy nhiên không phải tất cả điện thoại của hãng đều được sản xuất tại Indonesia.

Ngay thời điểm này, Evercoss đang xây dựng một nhà máy thứ hai gần khu vực trên. Lần này, nhả máy mới sẽ có thể sản xuất linh kiện điện thoại thông minh và sẽ tuyển dụng thêm khoảng 2.500 nhân công.

Bên cạnh Indonesia, thương hiệu điện thoại này cũng có kế hoạch ra mắt tại các quốc gia Đông Nam Á khác.

8. Advan

Advan đang sở hữu một nhà máy vận hành tốt tại Semarang. Nhà máy này chuyên sản xuất màn hình LCD, notebook và PC. Sau khi đầu tư khoảng 80,7 triệu USD để xây dựng nhà máy rộng 3000m2, Advan đang tiếp tục đầu tư khoảng 8,1 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.

Công ty hướng đến lắp ráp khoảng 25.000 điện thoại thông minh và 25.000 máy tính bảng mỗi tháng trong năm nay. Công ty đang mong đợi sớm khởi động dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại thông minh trong tương lai.

9. Mito

Nhà máy của Mito đặt tại Tangerang đi vào hoạt động từ tháng 8/2014. Nhà máy hiện đang lắp ráp khoảng 100.000 điện thoại thông minh và máy tính bảng mỗi tháng. Mito hiện đang lắp ráp điện thoại tại cả Indonesia lẫn Trung Quốc.

Cũng giống như Advan, Mito hy vọng có thể sản xuất linh kiện điện thoại của riêng hãng trong năm tới.

10. Himax

Himax có thể gọi là một Xiaomi của Indonesia. Thương hiệu này đang vươn lên mạnh mẽ tại thị trường điện thoại đảo quốc với các sản phẩm chất lượng cao và giá thành thấp. Công ty cho biết đang thực hiện được một nửa quy trình xây dựng nhà máy. Trong năm 2016, nhà máy rộng 6 hecta đặt tại Tangerang sẽ có nhiệm vụ sản xuất 100.000 điện thoại thông minh mỗi tháng.

11. SPC

Mặc dù SPC có vẻ ít nổi tiếng hơn các thương hiệu địa phương trong danh sách này, công ty cho biết đã sẵn sàng để sản xuất 200.000 điện thoại phổ thông mỗi tháng tại nhà máy ở Tangerang. Đầu tư thêm 1 triệu USD vào nhà máy này, SPC khởi động kế hoạch lắp ráp điện thoại và máy tính bảng trong năm 2015.

Ngoài 11 thương hiệu trên, thị trường điện thoại tại Indonesia đang thu hút sự chú ý của các hãng khác như Huawei, Asus, Lenovo, Xiaomi và LG. Tuy nhiên, các công ty vẫn chưa xác nhận chắc chắn có đặt nhà máy tại Indonesia hay không.

Một gương mặt nổi trội khác cũng được mong đợi sẽ xuất hiện tại Indonesia là Foxconn. Nhà sản xuất Đài Loan này đã chính thức chia sẻ dự định đầu tư một nhà máy khổng lồ tại Indonesia. Tháng 12/2014, Foxconn đã ký một biên bản ghi nhớ sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong 3 đến 5 năm tới tại Indonesia, song quá trình đàm phán đã gặp thất bại do các vấn đề liên quan đến đất đai.

>> Thị trường điện thoại Ấn Độ: "Đất" rộng, người thưa

Theo Lâm Nghi

Cùng chuyên mục
XEM