Hotel 22: Mặt tối ở Silicon Valley

24/04/2015 11:42 AM | Công nghệ

Jimmy đưa 2 USD vào máy bán vé tự động và tìm một chỗ ngồi ở phía cuối chiếc xe bus. Ông cởi giày, tựa đầu vào cửa kính mờ đục, sẵn sàng cho những chuyến đi xuyên đêm.

Jimmy đưa 2 USD vào máy bán vé tự động và tìm một chỗ ngồi ở phía cuối chiếc xe bus. Ông cởi giày, tựa đầu vào cửa kính mờ đục, sẵn sàng cho những chuyến đi xuyên đêm.

Trong vòng ba năm kể từ khi mất vị trí đầu bếp tại Microsoft, Jimmy, 47 tuổi, đêm nào cũng đi như vậy. Ông lên xe bus lúc nửa đêm và di chuyển qua lại trên hành trình 56 km xuyên đêm giữa San Jose và Palo Alto, California, Mỹ cho tới khi mặt trời mọc. Ông phải chi khoảng 8 USD tiền xe để có chỗ ngủ ấm áp trong một đêm.

Hotel 22: Mặt tối của xã hội tại Silicon Valley

Hotel 22

Tuyến xe bus số 22 là tuyến duy nhất chạy liên tục 24 giờ ở Silicon Valley và nó đã trở thành một nơi trú ngụ không chính thức cho người vô gia cư.

Họ gọi nó là Hotel 22...

Hotel 22 là một ví dụ cực đoan cho chúng ta thấy rõ tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt tại California hay còn gọi là "Mảnh đất vàng". Theo báo cáo mới nhất của Bộ Gia cư Mỹ, quận Santa Clara (thuộc tiểu bang California), bao gồm Silicon Valley, là nơi có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất nước Mỹ.

Tuy nhiên, nhờ nền kinh tế công nghệ cao, Santa Clara là nơi có mức thu nhập trung bình theo hộ gia đình cao nhất nước Mỹ và nơi đây cũng có những ngôi nhà đắt nhất nước Mỹ.

Silicon Valley đang không ngừng tạo ra sự giàu có nhưng khu vực này cũng đang bị tê liệt bởi mức chênh lệch thu nhập đang ngày càng gia tăng. Khi tầng lớp trung lưu ở khu vực này phát triển mạnh thì chỉ tồn tại giới siêu giàu và những người nghèo cùng cực.

Tuyến xe bus 22 đi qua cổng Microsoft, trụ sở chính của Google, Facebook và Apple.

Hotel 22: Mặt tối của xã hội tại Silicon Valley

Silicon Valley đang phát triển quá nhanh

Trên hành trình, có một chiếc xe bus của Google đi theo hướng ngược lại, hướng tới San Francisco. Những chiếc Gbuses này có nhiệm vụ đưa và đón nhân viên Google. Một số lái xe của Gbuses từng lên tiếng cho rằng họ bị đối xử bất bình đẳng.

"Đó là câu chuyện của hai thành phố", Jimmy nói. "Đó là một cách văn vẻ mà người ta dùng để mô tả những gì đang xảy ra ở đây. Những chuyên gia kỹ thuật không nhận ra rằng chúng tôi không khác gì họ, trong tương lai họ cũng sẽ lâm vào tình cảnh như chúng tôi".

Jimmy chuyển từ Chicago tới California vào những năm đầu thập niên 1990 để tìm kiếm việc làm. Ông thường mặc một bộ comple cũ và có thắt cà vạt với hy vọng việc ăn mặc chỉnh tề sẽ giúp ông kiếm được một công việc. Mỗi ngày ông gửi hàng chục đơn xin việc nhưng hầu hết đều không có hồi âm.

Ông quấn một sợi dây thừng dài quanh mắt cá chân, ẩn dưới ống quần. "Cái này để dành cho một ngày nào đó tôi cảm thấy đã chịu đựng đủ", Jimmy nói.

Theo điều tra dân số mới nhất, tại Santa Clara, có tới 20.000 người có thể sẽ rơi vào tình trạng vô gia cư trong năm nay.

Hotel 22: Mặt tối của xã hội tại Silicon Valley

Trại của người vô gia cư (điểm đỏ) phân bổ dày đặc xung quanh trụ sở hãng Adobe

Ở Santa Clara, những người không ngủ trên phố có thể ngủ tại nơi được gọi The Jungle, trại vô gia cư lớn nhất nước Mỹ. Hàng trăm lều tạm và nhà trên cây được dựng lên trong một khu vực rộng lớn.

Ray Bramson, quản lý các phản ứng vô gia cư tại City of San Jose, cho biết: "Có 5.000 người ngủ tạm bợ mỗi tối, chúng tôi không thể tiếp tục đối phó với điều này".

Trong vài năm qua, tiền thuê nhà trong khu vực này đã tăng vọt, ở một số nơi tiền thuê nhà cao hơn mức trung bình ở Mỹ tới 300%.

"Khi nhắc tới người vô gia cư hẳn bạn sẽ nghĩ về một người lang thang trên phố mà không có tiền, không có việc làm. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Những người đi làm thuê không thể kiếm đủ tiền để thuê nhà ở đây. Mức lương của họ không thể đảm bảo sự tồn tại cho họ", Bramson chia sẻ.

Mức lương tối thiểu tại Mỹ mới được tăng lên mức 10 USD một giờ. "Đó là một quyết định đúng", ông Bramson nói, "nhưng tiếc là, mỗi người ở đây cần khoảng 15 USD để tự cung tự cấp cho bản thân".

Hotel 22 dừng gấp bởi có người đang chờ xe ở bên đường. Cửa xe mở và Sandra Pena, một người phụ nữ với đồ đạc lỉnh kỉnh bước lên xe. Sandra Pena không phải hành khách nữ duy nhất của Hotel 22, mỗi tuần bà dành một đêm ngủ lại trên chiếc xe bus này. Bà giao tiếp tốt, có học vấn và rất xinh đẹp so với tuổi 52. Bà làm nhân viên kỹ thuật chín năm tại Arantech, một công ty từng nằm trong top những công ty công nghệ lớn nhất tại Silicon Valley, cho tới khi bị sa thải vào năm 1989.

Hotel 22: Mặt tối của xã hội tại Silicon Valley

Lều tạm của người vô gia cư tại các khu trại

Ngay sau khi bị sa thải, bà quyết định mở công ty riêng và gặt hái được một số thành công. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế mà đỉnh điểm là năm 2009 đã khiến bà mất tất cả, nhà của bà cũng bị thu hồi. Từ đó trở đi, bà sống trong chiếc xe tải của bà và làm việc vặt cho hàng xóm cho tới khi bà không còn khả năng duy trì cuộc sống.

"Tôi bị mọi điều tồi tệ tác động vào cùng một thời điểm, đôi khi bạn không thể gượng dậy khi gặp phải rủi ro như thế", Sandra nói. "Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra tôi bị rơi vào tình trạng như thế này".

Khi không kiếm được chỗ ngủ miễn phí, Sandra ngủ trên xe bus. "Tôi có thể tiễn một ngày đi qua với 6 USD nếu tôi chọn đúng thời điểm bắt xe. Tôi thích yên tĩnh và thích những khoảng thời gian ở một mình. Nhược điểm duy nhất của Hotel 22 là bạn bị đánh thức ở điểm cuối và phải chờ 15 phút để bắt chuyến tiếp theo", Sandra chia sẻ.

Là một người dân bản địa, Sandra chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của quận Santa Clara.

Khu vực này từng rất nổi tiếng với hoa lan và được gọi là là Valley of Heart's Delight. Cho tới những năm 1960, khu vực này vẫn là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất thế giới.

Sau đó các công ty công nghệ bắt đầu di chuyển tới, phát triển rộng ra từ Đại học Stanford khi mà đại học này cung cấp những khoản tài trợ và hỗ trợ đào tạo cho những công ty khởi nghiệp.

Hotel 22: Mặt tối của xã hội tại Silicon Valley

Valley of Heart's Delight

"Tôi lớn lên ở đây từ khi nó chỉ có các trại chăn nuôi và hoa lan, tôi là một cowgirl (cô gái chăn bò). Tôi có mọi thứ tôi muốn và thời tiết dễ chịu quanh năm. Tôi không trách họ vì họ đã tới đây nhưng họ chẳng cho người dân ở đây được thứ gì", Sandra nói. Hiện Sandra đang theo học một khóa học xây dựng tại một trung tâm hỗ trợ việc làm, cô hy vọng kỹ năng mới sẽ giúp cô tìm được việc.

"Bạn có thể thấy trại của người vô gia cư chỉ cách nhà của Sergey Brin (đồng sáng lập Google) có vài kilomet. Thậm chí những kỹ sư của Google cũng không đủ tiền để mua nhà tại đây", Chris Richardson, giám đốc các chương trình hoạt động tại tổ chức người vô gia cư Downtown Streets, người đang giúp đỡ Sandra, cho biết.

"Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các tỷ phú công nghệ tham gia hỗ trợ những gì chúng tôi đang làm. Họ đã quyên góp từ thiện hàng triệu USD nhưng hầu như không đóng góp gì cho cộng đồng địa phương, nơi mà họ đang phá hủy từng ngày. Lỗi không hoàn toàn ở phía họ, nhưng họ có liên quan tới vấn đề vô gia cư và họ có khả năng cùng trí tuệ để có thể thay đổi vấn đề", Richardson chia sẻ.

>> Sự hình thành thung lũng Silicon: Công nghệ thống trị thế giới

Theo ĐHK

Cùng chuyên mục
XEM