Hacker gặp khó với nền tảng hệ điều hành nào nhất trên smartphone?

14/12/2015 13:30 PM | Công nghệ

Ngày nay, trong kỷ nguyên phát triển của di động, mọi thứ chúng ta cần đều nằm trong chiếc điện thoại bỏ túi.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ trang bị cho smartphone những tính năng và dịch vụ tương tự như máy tính bàn và laptop, cùng với khả năng sử dụng linh hoạt, thiết bị này trở thành “vật bất ly thân” với rất nhiều người.

Những gì mà hầu hết người dùng thường lưu trong điện thoại nay không chỉ dừng lại là danh bạ, tin nhắn, email hay hình ảnh mà thậm chí có thể là những thông tin tài chính cá nhân hay những tài liệu công việc quan trọng. Và hơn hết, chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mọi thứ đều kết nối với nhau, smartphone là công cụ có thể liên tục theo dõi vị trí của người dùng để lập ra một hồ sơ chi tiết những địa điểm mà họ thường đến.

Do vậy, điện thoại thông minh trở thành mục tiêu tối quan trọng cho các hacker. Và kể từ vụ bê bối truyền thông khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden cáo buộc tình báo Anh đột nhập điện thoại cá nhân để lấy thông tin, vấn đề bảo mật cho smartphone trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hệ điều hành nào dễ bị hạ gục nhất?

Người dùng các hệ điều hành di động khác nhau luôn tranh cãi bên nào an toàn hơn, nhưng đối với các chuyên gia bảo mật, thông qua các bài kiểm tra của mình, Windows Phone mới là hệ điều hành an toàn và khó nhằn nhất.

Doanh số thấp, kho ứng dụng ít ỏi, hệ điều hành không thân thiện và thiếu các ứng dụng phổ biến thường là những nhận xét của người dùng về Windows Phone, tuy nhiên Microsoft vẫn làm tốt một điều dựa trên lịch sử và những thành tựu mà công ty đã đạt được, đó là an ninh.

CEO Eugene Kaspersky, nhà sáng lập công ty Kaspersky Lab cho biết Microsoft luôn tỏ ra coi trọng vấn đề về bảo mật, và điều này quả thực không sai khi Windows Phone luôn đánh bại các hệ điều hành khác trong những bài kiểm tra. "Tin tặc đang tập trung vào iOS và nền tảng này có rất nhiều, rất nhiều lỗ hổng", Kaspersky chia sẻ tại một hội nghị bảo mật tại Úc. "Đã có hàng triệu cuộc tấn công nhắm vào iOS, Android cũng vậy, không hề an toàn", Kaspersky cho biết thêm.

Mới đây, Steve Lord – một white hacker (chuyên gia an ninh) có kinh nghiệm 15 năm làm việc, khi được hỏi đánh giá về vấn đề bảo mật an ninh của 3 hệ điều hành phổ biến nhất, ông nhận định Windows Phone là nền tảng khó hack nhất.

“Tất cả đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Hiện tại, Windows Phone có vẻ là hệ điều hành khó khăn nhất để bẻ gãy. Trước đây, BlackBerry đã có một truyền thống khá lâu dài trong vấn đề an ninh. Nếu tôi có quyền truy cập vào các thiết bị, Android sẽ là mục tiêu dễ dàng hơn cả. Tiếp đến là iPhone, sau đó là phiên bản cũ trên BlackBerry. Cách thức thường dùng để xâm nhập là tấn công qua mạng hoặc email, và cũng có thể là tin nhắn.”, Steve Lord nhận định. Ông cũng dành lời khen cho hệ điều hành Windows 10 mới trên điện thoại di động cũng như các phiên bản trước đây của hệ điều hành này về khả năng bảo mật.

Windows Hello – Khi chủ nhân là người duy nhất có thể mở được điện thoại

Ngoài những tính năng bảo mật về nền tảng nói chung, Microsoft không tập trung phát triển những tính năng như selfie hay màn hình cong như một số hãng khác mà hơn hết là tập trung đem lại độ tin cậy và an toàn tối đa cho người dùng, và Windows Hello – công nghệ bảo mật bằng cách quét võng mạc ra đời.

Quét võng mạc (iris scanning) là một công nghệ yêu cầu độ chính xác cao, và võng mạc cũng gần như là một thông tin độc nhất của mỗi người giống như vân tay. Phương pháp này thậm chí còn cho kết quả chính xác hơn cả xác thực bằng dấu vân tay, và chỉ kém hơn việc so sánh DNA. Ngoài ra, những chiếc máy quét võng mạc có thể dễ dàng kết hợp với các phương pháp xác thực danh tính khác như nhận diện khuôn mặt trong trường hợp nếu có người tìm cách qua mặt hệ thống sử dụng công nghệ này như dùng kính áp tròng in võng mạc giả.

Tính năng quét võng mạc Windows Hello trên điện thoại Lumia 950 của Microsoft –

Nguồn: wmpoweruser.com

Windows Phone đang ngày một hiện diện nhiều hơn trong môi trường doanh nghiệp khi mà thị phần tại một số nước Châu Âu chiếm tới 20%. Ngoài những lý do chính như giá thành rẻ hơn so với những dòng điện thoại khác trong cùng phân khúc, kho ứng dụng hỗ trợ công việc hiệu quả thì khả năng bảo mật của hệ điều hành cũng là một điểm mấu chốt trong lựa chọn của người dùng.

Và với những tính năng nổi bật của hệ điều hành mới Windows 10 trên dòng smartphone cao cấp Lumia 950 mới ra mắt của hãng như Universal Platform – trải nghiệm và đồng bộ dữ liệu xuyên suốt cho tất cả các thiết bị, Continuum – một công nghệ đầy hứa hẹn, giúp biến smartphone trở thành chiếc PC khi kết nối với màn hình ngoài, hay Cortana – trợ lý ảo giúp bạn nhắc nhở và quản lý công việc hàng ngày…

Windows Phone đang dần chiếm nhiều thiện cảm hơn từ phía người dùng và đang thể hiện vị thế cũng như khả năng cạnh tranh từ “gã khổng lồ công nghệ” này so với Android và iOS.

 

A.D

Cùng chuyên mục
XEM