Cận Tết, tràn ngập tin nhắn lừa đảo người sử dụng

30/01/2016 17:37 PM | Công nghệ

“Đến hẹn lại lên”, tin nhắn rác thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa khuyến mại giáp Tết. Doanh nghiệp nào cũng muốn “đẩy” hàng đi để thu hồi vốn nên người dùng được phen bị “khủng bố"

1001 kiểu tin rác lừa người dùng

Thời gian gần đây, anh T thường xuyên nhận được các số điện thoại lạ hướng dẫn cách soạn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone, ôtô, xe máy, máy nghe nhạc... nhưng không niêm yết một mức giá cước rõ ràng.

Khi soạn tin nhắn theo cú pháp được hướng dẫn, tài khoản của chủ thuê bao sẽ bị trừ một số tiền nhất định. Mức này thường cao gấp nhiều lần so với giá cước tin nhắn thông thường của các nhà mạng. Tuy nhiên, thực tế, không ai trúng thưởng trò chơi trên, hoặc có người trúng nhưng không được thông báo.

Cũng với hình thức soạn tin theo cú pháp, gần đây, tin nhắn lừa đảo còn biến tướng sang kiểu đề nghị người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ, để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao.

"Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Samsung note 5, có cơ hội trúng xe máy Airblade nếu giá đoán là thấp nhất và duy nhất. Nhiều người cả tin tham gia, sau đó mới vỡ lẽ, tiền của mình đã "không cánh mà bay" và việc trúng được điện thoại hay xe máy chỉ là trò lừa đảo.

Tinh vi nhất hiện nay là các đối tượng sử dụng phần mềm SMS Touch để lừa đảo tới hàng loạt người sử dụng điện thoại. Đây là phần mềm gửi tin nhắn qua Wifi/3G, hiện tại nó được viết cho hệ điều hành iOS trên iPhone và bán trên Apple Store. Chỉ với giá 2,99 USD, các đối tượng lừa đảo có thể gửi được 10 tin nhắn để lừa đảo một lúc. Nếu bỏ ra khoảng 100USD mua phần mềm này thì có thể gửi đến 1.000 tin nhắn.

Hiện nay phần mềm này được rao bán nhan nhản trên nhiều trang rao vặt ở Việt Nam với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng, hoặc với 550.000 đồng thì có thể gửi được 2000 tin nhắn… Với phần mềm này, từ chiếc máy tính kết nối Internet, chúng có thể sử dụng bất kỳ đầu số nào của các nhà mạng, gửi tin nhắn đến người sử dụng.

Các tin nhắn “rác” quảng cáo sản phẩm, chào bán mua nhà, mở thẻ tín dụng… cũng “ầm ầm” gửi đến người dùng mạng gây phản cảm, khó chịu. Chị Trang (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn “rác” mở bán căn hộ, thông tin các shop thời trang giảm giá, quảng cáo mua hàng tại siêu thị điện máy… Nhất là vào dịp sát Tết Nguyên đán như thế này, tình trạng này càng “nhức nhối” hơn.

Nhiều nhà mạng ra tay với tin rác

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), chỉ tính riêng năm 2015, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn được gần 1 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 361 đầu số, cắt dịch vụ đối với 52 đầu số. Nhưng trên thực tế, tin nhắc rác vẫn luôn là nỗi đau đầu của các nhà mạng, nhất là đối với các thuê bao di động trả trước việc quản lý còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người sử dụng.

Theo đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel, trước vấn nạn tin rác, hiện Viettel đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác cho khách hàng trên toàn mạng và đạt được một số kết quả. Từ khi triển khai hệ thống này đến nay (tháng 6.2015), mỗi tháng Viettel ngăn chặn được hành vi phát tán tin nhắn rác của hàng trăm nghìn thuê bao với hàng triệu tin nhắn rác.

Còn theo đại diện VinaPhone, thời gian qua, nhà mạng này cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng về tình trạng tin nhắn rác. Nhà mạng đã khóa gần 460.000 sim gửi tin nhắn loại này, đồng thời khóa hơn 150 cú pháp nhắn tin đến các đầu số khác nhau.

Việc chặn tin rác cũng đã được Bộ Thông tin- Truyền thông đặt ra yêu cầu đối với các nhà mạng và coi đây là một thước đo đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ khách hàng. Mới đây, Bộ này cũng đưa ra quy định về việc quản lý thuê bao di động trả trước trong việc ký hợp đông dịch vụ để kiểm soát vấn nạn tin rác. Tuy nhiên, chính bộ này cũng thừa nhận, đây là vấn đề khó.

Theo Hồng Quân-Trà Giang

Cùng chuyên mục
XEM