Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tìm thấy hàng nghìn trẻ em mất tích tại Ấn Độ

14/05/2018 11:26 AM | Công nghệ

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã giúp cảnh sát tìm thấy hàng ngàn trẻ em mất tích tại Ấn Độ.

Công nghệ mới giúp tìm kiếm trẻ em mất tích chỉ trong 4 ngày

Hải Đăng

Chỉ trong vòng 4 ngày, gần 3000 trẻ mất tích đã được tìm thấy nhờ công nghệ mới do cảnh sát New Delhi - Ấn Độ triển khai. Kết quả đáng kinh ngạc này mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng triệu gia đình có con bị thất lạc, mất tích hoặc bắt cóc.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tìm thấy hàng nghìn trẻ em mất tích tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Tình trạng trẻ em mất tích do bị lạc đường, bắt cóc, buôn bán, thậm chí giết hại đang ngày càng phổ biến, và không đâu mà tệ nạn này diễn ra nghiêm trọng như ở Ấn Độ. Ước tính mỗi năm có khoảng 50.000 trẻ biến mất, cứ 8 phút lại có một trẻ mất tích không rõ nguyên nhân. Chúng có thể lạc đường, phải sống lang thang trên đường phố, sống vất vưởng trong các trại mồ côi hoặc tệ hơn là bị bắt cóc, hành hạ, giết hại. Việc lần tìm tung tích các em gần như là không thể tại đất nước hơn 1.3 tỷ dân như Ấn Độ.

Nhưng hy vọng đã mở ra. Hàng nghìn trẻ em mất tích đã được tìm thấy nhờ thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới của cảnh sát New Delhi. Sử dụng cơ sở dữ liệu hình ảnh của khoảng 60.000 trẻ em mất tích và so sánh chúng với khoảng 45.000 bức ảnh trẻ mồ côi không rõ danh tính trong các trại trẻ lang thang trên khắp thành phố, cảnh sát New Delhi đã nhận diện được 2.930 trẻ em thông qua phần mềm nhận diện khuôn mặt FRS. Kết quả có được chỉ trong vòng 4 ngày.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tìm thấy hàng nghìn trẻ em mất tích tại Ấn Độ - Ảnh 2.

Về cơ bản, phần mềm FRS lưu trữ những thông tin đặc trưng trên gương mặt của các em nhỏ, sau đó tìm chi tiết để khớp lại với các bức ảnh và cơ sở dữ liệu có sẵn trên cổng thông tin Track Child (tìm trẻ). Cơ chế thuật toán của FRS không được công bố, nhưng nền tảng nó sử dụng là hình học (geometric) và trắc quang học (photometric). Theo đó nếu có sự trùng khớp thông tin, nó sẽ cho ra danh tính của trẻ. Như vậy, chỉ trong 4 ngày, gần 3.000 đứa trẻ đã có cơ hội được đoàn tụ với gia đình của mình sau chuỗi ngày biệt tích.

Thành công đáng kinh ngạc này đã mở ra một hướng đi mới cho vấn nạn mất tích trẻ em tại Ấn Độ, khi mà các cơ quan chức năng gần như bất lực trước tình trạng nghiêm trọng này. Ước tính có hơn 50.000 trẻ em bị đánh cắp tại Ấn Độ mỗi năm. Những đứa trẻ này sau đó sẽ bị bán cho các đường dây tội phạm để tuồn vào các thị trường lao động bất hợp pháp. Trẻ em nam thường bị bán làm nô lệ trong các ngành như dệt may, đào vàng, còn trẻ em gái bị bán làm gái mại dâm.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tìm thấy hàng nghìn trẻ em mất tích tại Ấn Độ - Ảnh 3.

"Với 200.000 trẻ mất tích chính thức, và 90.000 cơ sở chăm sóc trẻ cơ nhỡ, việc ai đó có thể tự tay sàng lọc số ảnh đó là điều không tưởng" - nhà hoạt động Bhuwan Ribhu thuộc tổ chức vì quyền lợi trẻ em Bachpan Bachao Andolan (BBA) chia sẻ.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tìm thấy hàng nghìn trẻ em mất tích tại Ấn Độ - Ảnh 4.

Saroo Brierley là một trong hàng trăm nghìn đứa trẻ bị thất lạc tại Ấn Độ. Câu chuyện đầy kịch tính của anh đã trở thành chủ đề của bộ phim Lion ra mắt năm 2016 gây chấn động dư luận Ấn Độ. Khi còn nhỏ, Brierley bị lạc mất anh trai trong một nhà ga. Cậu bé ngủ thiếp đi trên một chuyến tàu và không thể thoát khỏi khoang tàu cho tới khi nó đưa cậu đi gần 1.500km dọc Ấn Độ. Brierley quá nhỏ nên không thể nhớ tên quê nhà và không tìm được đường về. Phải mất 25 năm sau, Brierley mới được đoàn tụ với mẹ ruột của mình – một cái kết có hậu cho một phần tư thế kỷ chờ đợi đầy đau khổ. Câu chuyện đã gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông lớn về tình trạng trẻ thất lạc tại quốc gia này.

Hy vọng rằng, với những cải tiến mới, FRS sẽ cứu giúp thêm nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ như Brierley. Ủy ban quốc gia bảo vệ quyền trẻ em (NCPCR) của Ấn Độ cũng ủng hộ việc sử dụng phần mềm nhận diện để lần theo dấu vết những đứa trẻ bị mất tích và giúp các em đoàn tụ cùng gia đình. Hiện tại, dự án FRS mới chỉ được đưa ra thử nghiệm, và sẽ được áp dụng triệt để nếu như tòa án tối cao Delhi thông qua.

Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM