Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn thoát khó, phải đổi mới

14/12/2016 19:57 PM | Xã hội

2018 là thời điểm Việt Nam đón nhận những bước triển khai mới của hội nhập. Doanh nghiệp (DN) tùy thực tế của mình phải xác định hướng đi phù hợp, tạo dựng vị thế mới.

Đó là những khuyến cáo được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "DN Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ và thế giới sau Trump" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại TP.HCM mới đây. Theo đó, vấn đề then chốt mà các chuyên gia nhấn mạnh là Việt Nam phải có sách lược để ứng phó với sự thay đổi của thị trường.

Muốn cạnh tranh, phải thay đổi

Ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thị trường trong nước với sức mua của 90 triệu dân là mảnh đất màu mỡ cần phải được quan tâm phát triển mọi mặt, từ sản xuất đến phân phối. Song, điều đáng lo ngại là thời gian qua, Việt Nam đã để mất rất nhiều thương hiệu nội địa.

Hơn thế nữa, việc phân phối hàng hóa trong nước lại qua nhiều khâu trung gian, chính vì điều này mà giá trị hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng bị đẩy lên quá cao. Trước thực trạng này, nhiều DN nước ngoài với lợi thế về chất lượng hàng hóa, thương hiệu, giá mềm đã thực sự chinh phục được thị trường Việt Nam.

Theo tính toán của ông Vinh: "Chi phí đầu vào của sản xuất ở Việt Nam đang ở mức cao, và buồn hơn là có xu hướng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 1989, chi phí đầu vào chiếm khoảng 43,8% giá thành, thì đến năm 2012 lên tới 63,4%. Tiếp đó, điều đáng lo ngại nữa là năng suất lao động dù vẫn tăng nhưng mức tăng đang giảm dần; lạc hậu về công nghệ; năng lực DN còn yếu khi 97% DN đăng ký hoạt động có quy mô vừa và nhỏ. Để cải thiện tình hình, DN Việt cần phải sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, làm chủ được công nghệ”, ông Vinh nói. Song hành cùng quyết tâm đổi mới là phải tiến hành đổi mới ngay.

Còn chuyên gia Phạm Chi Lan đã chia sẻ, Việt Nam nên chuẩn bị những kịch bản khác nhau để thích ứng với những thay đổi. Hiện nay, DN đang đứng trước những thay đổi mạnh mẽ và những thay đổi này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính họ. Theo đó, xu hướng tự động hóa sẽ ngày càng tinh giảm nguồn nhân lực.

Mọi hoạt động và sự xuất hiện của con người sẽ dần được thay thế bằng máy móc. Trong tương lai, điều này sẽ khiến người lao động trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày... dần mất việc làm. Từ đó, lợi thế về lao động giá rẻ không còn là điểm mạnh để các nền kinh tế thu hút đầu tư, DN tăng sức cạnh tranh.

Minh chứng điều này, bà Lan cho hay, theo tính toán, với sự phát triển tự động hóa, Campuchia có thể mất 88% việc làm sau 20 năm. Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ. "Bởi vậy, thay vì chỉ tập trung vào khâu gia công, cần phải có những bước tiến lên những khâu giá trị cao hơn", bà Lan nhấn mạnh.

Nhiều nguy cơ

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức ngắn hạn là nợ xấu và ngân hàng yếu kém đang kéo lùi nền kinh tế. Thách thức trong trung hạn là thâm hụt ngân sách và nợ công. Còn thách thức trong dài hạn chính là sự tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình và phát triển không bền vững.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng trong vấn đề hội nhập, ông Tự Anh cho rằng Việt Nam làm rất tốt, hiện chúng ta đang ở vùng lõi trong mọi khu vực kinh tế. Tuy nhiên, việc quay lại để xây dựng năng lực nhằm đón nhận cơ hội lại không đủ nghị lực, không đủ sức để thực hiện. Điều này dẫn đến nguy cơ đẩy Việt Nam vào những khó khăn mà hội nhập sẽ mang tới thay vì cơ hội. Và DN chính là đối tượng hứng chịu mọi khó khăn trước tiên.

Với những nhìn nhận từ phía chuyên gia Tự Anh, có thể thấy, DN Việt phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nội tại lẫn tác động khách quan bên ngoài, trong đó có áp lực từ thị trường Mỹ. Nỗi lo càng nặng nề khi tổng thống mới của Mỹ là ông Donald Trump tuyên bố sẽ thay đổi các chính sách hiện tại và tích cực bảo hộ nền sản xuất của nước Mỹ.

Ở khía cạnh này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, ngoài Mỹ, Việt Nam còn chịu tác động từ nhiều nước khác. "Chúng ta cần làm sao để duy trì mối quan hệ với tất cả các nước, nhất là các thị trường lớn để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó dù tình hình nội khối xảy ra vấn đề gì cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Điển hình như với Anh, dù họ phân rã ra khỏi khối EU nhưng Việt Nam vẫn cần phải duy trì mối quan hệ như hồi họ còn trong EU nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu. Ngay với Trung Quốc ở sát bên cũng cần có chiến lược cụ thể, không nên chủ quan", bà Lan nói.

Theo bà Lan, việc hình thành thị trường nội khối ASEAN đã thể hiện tác động rõ rệt trong năm 2016. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu trong ASEAN lại giảm mạnh. Năm 2016, nhập siêu từ các nước ASEAN tăng mạnh, DN Việt đang nhường lại thị trường cho các DN Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác.

Bởi vậy, Việt Nam phải chuẩn bị sao cho thích ứng được với bối cảnh mới ngay từ bây giờ. Và sự chuẩn bị phải được đồng bộ từ góc nhìn, hành động của Nhà nước đến từng DN.

Phân tích thêm, ông Bùi Quang Vinh cho rằng DN Việt Nam còn yếu kém, phải làm sao xây dựng được lực lượng DN có năng lực. Một điều không thể phủ nhận là quy mô DN qua thời gian không lớn lên mà ngày càng còm cõi. Do vậy, số lượng DN không quan trọng mà cần đặt vấn đề về chất lượng của DN thế nào, rồi tạo sự cân bằng giữa DN các khu vực sản xuất và phi sản xuất, tới nay, DN phi sản xuất đang chiếm tỷ lệ quá lớn.

Kinh tế Việt Nam dù vẫn còn những mặt chưa phát triển đồng bộ, nhưng phải nhìn nhận, năm 2017-2018 là thời điểm Việt Nam đón nhận những bước triển khai mới của hội nhập. Trong khi đó, theo các chuyên gia Việt Nam chưa khai thác tốt các cơ hội của hội nhập. Chẳng hạn, hiện nay trong tổng xuất khẩu của Intel, Việt Nam chỉ chiếm được 3% gồm các công đoạn cung cấp suất ăn, bao bì, nhân công...

Như vậy cũng không khác gì ngành dệt may, vẫn không thoát được thân phận gia công. Do vậy, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để DN gia tăng năng suất, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu trong chuyến tàu hội nhập. Vấn đề này vẫn phụ thuộc vào người dẫn đầu, không chỉ là những người làm kinh tế mà còn cần đến những chiến lược, sách lược từ những nhà hoạch định kinh tế.

Theo LÊ LOAN

Cùng chuyên mục
XEM