Con vật bé tý "nọc" độc hơn cả rắn hổ mang ẩn nấp ở mọi nhà

24/10/2016 09:15 AM | Sống

Kiến ba khoang đang xuất hiện thành nạn dịch tấn công sức khỏe con người. Con vật bé tý này có "nọc" độc gấp 10 lần so với rắn hổ mang, có thể tấn công con bạn ở mọi nơi.

Phỏng da vì kiến

Gần đây tại khoa da liễu và các phòng khám da liễu thường xuyên gặp các bệnh nhân là nạn nhân của kiến ba khoang . Biểu hiện nổi bật là các vùng da bị mưng mủ, lở loét, phồng rộp, không ít bệnh nhân là trẻ em.

Chị Cao Thị Phương trú tại Linh Đàm, Hà Nội tá hỏa phát hiện con gái chị bị kiến ba khoang tấn công ở mặt trái và vùng mắt. Vì không biết nên bé gãi khiến dịch của vết thương lan rộng ra vùng da lành và gây ra tổn thương cả ở mặt và tay.

Chị Phương tưởng con bị zona nên mua thuốc zona về điều trị nhưng không đỡ, các vết cứ lan rộng ra tay và mặt của bé. Khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương, bác sĩ chẩn đoán viêm da do côn trùng mà cụ thể là kiến ba khoang.

Chị Phương thở dài, từ trước đến nay nhà tôi chưa từng xuất hiện kiến ba khoang nên chủ quan không để ý đến con.

Khi chị Phương tìm hiểu mới biết trường của bé ở khu đô thị mới, xung quanh còn nhiều bãi đất trống, cây cỏ um tùm, trường cũng không có cửa lưới phòng côn trùng nên có thể bị kiến ba khoang tấn công ở lớp, bé thấy ngứa càng gãi, ai ngờ dịch lan ra khắp nơi.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Cảnh trú tại Hà Đông, Hà Nội cũng đang nhăn nhó chờ bác sĩ khám.

Anh Cảnh bị kiến ba khoang đốt ở gần mắt khiến hai mắt sưng tấy, đau đến sốt mà không khỏi nên anh tìm đến bác sĩ. Nhìn vết thương của anh, không ai nghĩ đó là do con kiến ba khoang bé tý gây ra.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị kiến ba khoang tấn công. Nhiều trẻ bị các tổn thương ở da, bố mẹ tự chữa không khỏi dẫn đến nhiễm trùng da, sốt, quấy khóc.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.

Các tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Bác sĩ Hương cho biết bệnh này hay bị nhầm là bệnh Zona. Tuy nhiên bệnh Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn.

Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Chất cực độc trong kiến ba khoang

PGS Nguyễn Văn Chấu - Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương cho biết, bình thường kiến ba khoang có rất nhiều ở ruộng lúa, chúng ăn con rầy nâu.

Khi người dân thu hoạch lúa thì loài kiến này sẽ "di cư" vào các khu vực có bãi cỏ, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng để sinh sống nên năm nào vào thời điểm này Hà Nội cũng xuất hiện nhiều kiến ba khoang.

Đặc điểm, loài kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu, chăn màn.

Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.

Theo nghiên cứu, dịch từ thân con kiến ba khoang rất độc, nó độc hơn nọc độc của rắn hổ mang từ 12 – 13 lần nhưng do tiếp xúc ở da nên gây tổn thương cho da là chính.

GS Châu cho biết trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở "con giời" gây viêm da.

Kiến ba khoang không đốt mà nó độc ở chất dịch vì thế theo PGS Châu, nên phòng bằng cách không được giết kiến, di kiến để thân con kiến dập ra, mà nên tìm cách bắt nó, đuổi nó ra khỏi nhà.

Khi tiếp xúc với kiến nên đeo găng tay hoặc có các vật dụng phòng hộ tránh chất độc tiếp xúc với da.

Theo Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM