Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt

28/07/2019 15:45 PM | Kinh doanh

Pokemon Go đã mang về doanh thu 2,7 tỷ USD cho nhà phát hành kể từ khi ra mắt hồi tháng 7/2016.

Cách đây đúng 3 năm, "cơn bão" trò chơi thực tế ảo Pokemon Go - người chơi có thể tự đi săn các nhân vật hoạt hình ngay trong thế giới thực - đã đổ bộ Hong Kong. Trong khoảng thời gian đó, không khó để bắt gặp từng nhóm người tụ tập trên các con phố, công viên hoặc không gian công cộng khác trong thành phố. Họ được ví như những “xác sống”, lúc nào cũng khư khư chiếc điện thoại trên tay.

Các huấn luyện viên (tên gọi dành cho người chơi) đến từ nhiều lứa tuổi, giới tính và tôn giáo khác nhau. Họ đều có chung một nhiệm vụ: bắt được càng nhiều những nhân vật hoạt hình Pokemon có hình dáng kỳ lạ càng tốt.

Ngay sau khi trò chơi được phát hành, Hong Kong, cũng giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, đã phải hứng chịu “cơn sốt” Pokemon. Chính phủ nhiều nước đã ban hành những cảnh báo với người chơi- những người chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại - rằng họ có thể gặp phải nhiều tai nạn không mong muốn như rơi khỏi vách đá hoặc tai nạn giao thông.

Tại Hong Kong, hàng loạt áp phích được căng lên tại các công trình xây dựng nhằm cảnh báo các “huấn luyện viên” hãy tránh xa khỏi khu vực này, trong khi người lao động buộc phải tuân thủ nghiêm túc quy định không được chơi trò chơi này trong giờ làm việc.

Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt - Ảnh 1.

Những người chơi Pokemon Go trên một xe điện ở Hong Kong tháng 8/2016. Tốc độ chậm của xe điện phù hợp để đi săn Pokemon. Ảnh: SCMP.

Nói Pokemon Go “cực kỳ phổ biến” dường như vẫn chưa diễn tả hết được độ “nóng" của trò chơi này. Pokemon Go có độ phủ sóng rất cao và là trò chơi mang lại doanh thu nhiều nhất cho nhà phát triển trong năm 2016, với hơn 500 triệu lượt tải trên toàn cầu tính đến tháng 9 cùng năm, theo dữ liệu của Statista.

Những ai cho rằng “cơn sốt Pokemon Go” đã hết thời có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại. Trò chơi này vẫn có chỗ đứng vững trên thị trường và có thể sẽ cán mốc 1 tỷ lượt tải về vào cuối năm nay.

Đối với nhà phát triển game- Niantic, một công ty phần mềm có trụ sở tại Mỹ, cũng là công ty chủ quản của một loạt các tựa game thực tế ảo di động khác như Ingress và Harry Potter: Wizards Unite, Pokemon Go là “cỗ máy kiếm tiền” của họ khi đạt doanh thu 2,65 tỷ USD trên toàn cầu kể từ khi phát hành 3 năm trước, theo công ty chuyên nghiên cứu thị trường Sensor Tower.

Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt - Ảnh 2.

Doanh thu do các trò chơi mang lại trong 3 năm đầu tiên sau phát hành.

Pokemon Go không được phát hành tại thị trường Trung Quốc nhưng sự phổ biến của trò chơi này có thể ước lượng được thông qua một yếu tố. Một trò chơi “sao chép” ý tưởng của Pokemon Go có tên Let’s Hunt Monster - cho phép người chơi săn các loài vật tồn tại trong thần thoại như rồng và phượng hoàng - được phát hành trong tháng 4 và nhanh chóng trở thành trò chơi có lượt tải nhiều nhất trên chợ ứng dụng iOS tại Trung Quốc.

“Fan cuồng” Sam Cheung, 30 tuổi, đang là giáo viên tiếng Anh, tỏ ra khá hào hứng khi chia sẻ về những khoảnh khắc thú vị anh trải qua vào ngày 25/7/2016, ngày Pokemon Go chính thức ra mắt người dùng tại thị trường Hong Kong.

“Tôi sung sướng đến phát khóc khi lần đầu tiên bắt được một Pokemon. Giống như một giấc mơ trở thành hiện thực vây. Tôi là một fan bự của Pokemon từ khi 7 tuổi”, Cheung cho biết.

Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt - Ảnh 3.

Một huấn luyện viên Hong Kong chuẩn bị bắt Pokemon tên Dratini ở cầu cảng Victoria. Ảnh: Bloomberg.

Hiện tượng Pokemon bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản từ năm 1995 và được sáng tạo bởi Satoshi Tariji, người có tình yêu to lớn đối với các loài côn trùng. Từ đó, Pokemon trở thành hiện tượng trên sóng truyền thông toàn cầu với giá trị ước tính lên đến 90 tỷ USD và vẫn không ngừng tăng lên, theo Wikipedia.

Pokemon thậm chí còn vượt lên trên mèo Hello Kitty hiện có giá trị 80 tỷ USD ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng. Star Wars đang đứng thứ 5 với giá trị 65 tỷ USD. Nhân vật người nhện Spiderman thậm chí còn đứng ngoài top 10, với vị trí thứ 12, khi chỉ sở hữu giá trị khoảng 27 tỷ USD.

“Tôi thậm chí còn biết Butterfree trước cả khi có thể phân biệt được đâu là loài bướm”, Cheung cho biết. Butterfree là một trong số hơn 800 loài Pokemon, có hình dáng giống với loài bướm, có khả năng phát tán phấn độc ra không khí.

Ngay sau khi trò chơi được ra mắt, Cheung đã lập ngay một fanpage Pokemon Go trên Facebook. Tính đến thời điểm hiện tại, fanpage này đang có hơn 57.000 lượt theo dõi.

“Và vẫn chưa có một trang Facebook, kênh Youtube hoặc một website chính thức nào về Pokemon Go tại Hong Kong. Sẽ rất khó khăn cho các huấn luyện viên trong tiếp cận những thông tin cập nhật và chính xác”.

Vào những ngày đầu sau khi trò chơi được phát hành, Cheung cũng như nhiều fan cuồng khác, chỉ ngủ 3 đến 4 giờ mỗi đêm. Trong một công viên tại quận Lai Chi Kok, anh cho các phóng viên được chiêm ngưỡng những kỹ năng bắt Pokemon điêu luyện bằng cách bắt một Pokemon với 100 điểm kinh nghiệm (XP). Con số đó không thấm tháp vào đâu so với số 60 triệu XP mà anh đã thu thập được. Số Pokemon anh bắt được cũng vượt qua con số 87.000.

“Tôi vẫn chưa là gì so với các huấn luyện viên đứng đầu”, anh cho biết. Huấn luyện viên số một thế giới hiện tại là Brandon Tan với hơn 900 triệu XP tính đến tháng 5. Tan đang sống tại Singapore.

Cheung chơi Pokemon Go hầu như mọi lúc mọi nơi.

“Tôi lúc nào cũng muốn chơi trò chơi đó. Thậm chí, đối với tôi, Pokemon Go không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần. Nó là một phần của cuộc sống”. Thời gian trực tuyến của anh kéo dài 24/7.

“Đây là Poke Ball Plus”, anh khoe một quả bóng bắt Pokemon. “Đây là thiết bị giúp người chơi bắt Pokemon mà không cần lúc nào cũng phải nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại. Đi đâu tôi cũng mang nó theo. Nó giúp tôi bắt được Pokemon ngay cả khi tôi đang ngủ hoặc làm việc. Những người chơi khác cũng làm tương tự. Chúng tôi không bào giờ tắt thiết bị này đi”.

Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt - Ảnh 4.

Cheung khoe kỹ năng bắt Pokemon không cần nhìn điện thoại bằng cách sử dụng Poke Ball Plus. Ảnh: SCMP.

Poke Ball, Poke Stop, Poke Gym, Poke Coin là những từ Cheung gọi các tính năng trong trò chơi, Nhưng đối với anh, những thuật ngữ như trên chỉ là một phần nhỏ trong một thế giới Pokemon rộng lớn. Chính cộng đồng người chơi mà Pokemon Go đã tạo ra là yếu tố giữ chân anh ở lại với trò chơi này lâu đến thế.

“Thành thực mà nói, trò chơi này không có gì đặc biêt, tôi nghiêm túc đấy”. Đó là lý do nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ. Nhưng thứ khiến tôi mê mẩn đó chính là tinh thần đồng đội”, anh cho biết.

“Hầu như mỗi cuối tuần, tôi và một số người bạn thường có các buổi hẹn đi bắt Pokemon với nhau. Tôi cần một người quan sát radar và chỉ cho những người khác biết họ cần đi đến đâu để có thể tìm thấy Pokemon.

“Hãy di chuyển đến khu vực trung chuyển Tai Po nào! Cùng đến sân bay thôi!. Một người sẽ lên lịch trình chuyến đi, một người sẽ lái xe và may mắn thay, tôi chưa phải nhận một vé phạt vượt quá tốc độ nào, mặc dù tôi cũng đã vi phạm một vài lần”, anh cười lớn.

Một số người có thể nghĩ rằng hiện tượng Pokemon là một sự “ám ảnh ngu ngốc” đối với các nhân vật hoạt hình, nhưng cũng có nhiều người khác lại dày công nghiên cứu về mức độ phổ biến của trò chơi này.

Bruno Lovric là một giảng viên chuyên ngành thông tin và truyền thông tại Đại học Hong Kong. Chính hiện tượng Pokemon Go đã thôi thúc anh viết một bài báo với tiêu đề “Hâm mộ Pokemon như một tôn giáo”, qua đó kiểm chứng vai trò của trò chơi trong việc hình thành tính cách người chơi.

Lovric cho biết anh cảm thấy trò chơi này mang những đặc điểm, tính chất nghi lễ, huyền bí và tính cộng đồng cao, tạo cho người chơi những sự hài lòng nhất định, giống với những gì một tôn giáo thể hiện.

“Trò chơi này giúp người chơi trải qua những cảm giác hết sức phấn khích khi kết nối họ với những nhân vật đã gắn bó với một phần tuổi thơ”, Lovric chia sẻ.

“Pokemon Go đã giúp những người hâm mộ Pokemon gắn kết với cộng đồng người chơi và dạy họ biết trân trọng giá trị của sự chăm chỉ, tinh thần cống hiến và đức tính kiên cường”.

Anh cũng bổ sung thêm rằng thế giới Pokemon giúp khai phá hàng loạt những trải ngiệm của con người và xây dựng nên những quy tắc đạo đức dành cho người chơi.

“Trò chơi khuyến khích người chơi tự phát triển bản thân, tăng khả năng vượt qua các trở ngại cũng như đưa ra cách giải quyêt giúp người chơi thích ứng với sự xoay chuyển trong thế trận, đối diện với sự thua cuộc cũng như xây dựng chiến thuật cho các trận đấu diễn ra hàng ngày”.

Cheung hoàn toàn ủng hộ những lập luận của Lovric. Anh tin rằng người hâm mộ của Pokemon Go có thể có cách nhìn khác về thế giới so với khi họ không chơi trò chơi này.

“Tôi đã học được bài học rằng nếu muốn trở nên thành công (với phương diện là một huấn luyện viên Pokemon), bạn phải làm việc hết sức chăm chỉ. Khi tôi thua một trận đấu, tôi rút ra được những bài học từ sai lầm và qua đó cũng tham khảo luôn chiến lược của đối thủ. Bạn có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là bạn phải đứng dậy thật nhanh và rút ra kinh nghiệm từ đó”.

Không giống như phần lớn các trò chơi khác buộc người chơi phải ngồi trước màn hình máy tính trong nhiều giờ đồng hồ, Pokemon Go lại khuyến khích người chơi tích cực hoạt động thể chất, thậm chí còn làm lợi cho các cửa hàng trên phố vì giờ đây mọi người đi bộ nhiều hơn.

“Kế hoạch tốt nhất cho cuối tuần đó là ở các công viên. Chúng ta có thể đi bộ lòng vòng trong khoảng 6 giờ đồng hồ mà không hề cảm thấy mệt mỏi. Vì việc bắt Pokemon rất thú vị”, Chueng cho biết. Sự đam mê đối với trò chơi này còn khiến anh bay sang Hàn Quốc vào tháng 5 vừa qua để tham gia sự kiện tuần lễ Pokemon tại đây.

Tại Đài Loan, một huấn luyện viên Pokemon đặc biệt- Chen San-yuan, năm nay đang ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, đã trở nên nổi tiếng khi hình ảnh ông chơi Pokemon Go với sự trợ giúp của 21 chiếc điện thoại thông minh được lắp đặt khéo léo trên chiếc xe đạp, trở thành một hiện tượng internet.

Trên nhiều tờ báo, Chen được gọi với cái tên “ông nội Pokemon Go”. Pokemon cũng được tán thưởng là một tựa game giúp kết nối cộng đồng cũng như có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzhemer.

Nếu chưa nói về các sản phẩm khác thuộc hệ sinh thái Pokemon quả thực là một sự thiếu sót. Bạn có thể nhìn các sản phẩm liên quan Pokemon ở bất cứ nơi đâu, từ bánh bột ngô nướng; pastry đến mỳ ống, pho mát, mỳ vằn thắn, cơm rang và mứt được trang trí và đựng trong những chiếc bát và lọ có in hình Pokemon.

Cũng có rất nhiều các sản phẩm thông dụng khác như các thẻ bài, tượng, sách và thú ôm được truyền cảm hứng từ các nhân vật Pokemon.

“Tôi yêu các sản phẩm Pokmon nhồi bông”, Cheung cho biết. “Bạn có muốn xem bức ảnh tôi chụp về chúng không?”.

Bức hình của Cheung có đến hơn 40 Pokemon nhồi bông. Tất cả được anh bày biện trên chiếc ghế cùng với chú mèo cưng tên Ban Ban.

“Chúng thật đáng yêu phải không?”, Chueng nói.

Cơn sốt Pokemon Go: 3 năm vẫn chưa dứt - Ảnh 5.

Bộ sưu tập Pokemon nhồi bông của Cheung với mèo Ban Ban ngồi giữa. Ảnh: SCMP.

Tại một cửa hàng chuyên bán đồ về Pokemon tại trung tâm thương mại Langhan Place, quận Mong Kok, rất nhiều mặt hàng được bày bán từ cốc, các mô hình tĩnh, quạt cầm tay cho đến thú nhồi bông.

Trong số ít những khách hàng nữ trong cửa hàng, Bonnie và Cecile, năm nay cùng 17 tuổi, chia sẻ chính Pokemon là sợi dây kết nối tình bạn của họ. Họ từ chối chia sẻ thêm các thông tin cá nhân hoặc được chụp ảnh vì lo sợ bị cha mẹ phát hiện.

“Mẹ em bảo em chơi Pokemon nhiều quá” Bonnie vừa nói vừa với tay lấy một Pokemon nhồi bông. “Tên nó là Beware”.

“Mẹ em sẽ không bao giờ hiểu được tình yêu của em với Pokemon Go đâu. Mẹ sẽ không hiểu được”, Bonnie chia sẻ.

Theo Trọng Đại

Từ khóa:  Pokemon
Cùng chuyên mục
XEM