Con số nhỏ bé 3% có thể tái định hình môi trường đầu tư toàn cầu như thế nào?

26/04/2018 09:35 AM | Xã hội

Lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt qua mốc 3%, thúc giục các nhà đầu tư chuẩn bị chiến lược giao dịch mới để thích nghi với thời kỳ lãi suất tăng.

Lãi suất tăng không phải là một vấn đề mới với các thị trường. Chỉ trong tháng một, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 30 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau lần tăng này là bởi giá hàng hoá tăng vọt thay vì do những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế. Và do đó, động thái này khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong báo cáo mới đây, Jim Paulsen, trưởng nhóm chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, nhận định: "Trong lịch sử, thị trường chứng khoán tỏ ra khá ổn khi lạm phát tăng trong bối cảnh động lực kinh tế cũng tăng lên. Thị trường cũng không bị xáo trộn kể cả khi các động lực kinh tế suy yếu, miễn là lạm phát cũng không nóng lên. Tuy nhiên, thời kỳ lạm phát đình đốn, tức là nền kinh tế trì trệ nhưng lạm phát lại tăng, sẽ tác động tiêu cực tới cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu."

Nhìn lại lịch sử có thể dự đoán về một số phản ứng tiềm năng của thị trường khi lợi suất trái phiếu tăng.

Kể từ sau khủng hoảng tài chính, cổ phiếu đã tăng nhiều hơn so với trái phiếu và các tài sản mang lại thu nhập cố định khác. Tuy nhiên mức chênh lệch này đang dần giảm xuống: mức chênh lệch giữa lợi suất thu được từ S&P500 và Tín phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đang dao động quanh mức thấp nhất trong vòng tám năm qua.

Con số nhỏ bé 3% có thể tái định hình môi trường đầu tư toàn cầu như thế nào? - Ảnh 1.

Theo Chris Verrone, giám đốc phân tích kỹ thuật tại Strategas Research Partners, lợi suất trái phiếu vượt mốc 3% sẽ làm thay đổi tỉ suất giá trị giữa cổ phiếu và trái phiếu trong nhiều năm tới.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, ông cho biết: "Sau 35 năm mới xuất hiện sự thay đổi mang tính xu hướng như vậy trên thị trường trái phiếu, chúng tôi cho rằng nó mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư xem xét giai đoạn 1950, lần cuối cùng lãi suất trái phiếu tăng. Phải mất một khoảng thời gian để lãi suất tăng từ 2 lên 5%, nhưng nó vẫn có xu hướng tăng và bạn sẽ không kiếm thêm được tiền nếu tiếp tục nắm giữ trái phiếu. Tôi nghĩ hiện tại chúng ta đang ở tình huống tương tự."

Các nhà đầu tư trên thị trường mới nổi cũng cần để tâm tới diễn biến hiện tại. Không giống như ba tháng trước, khi đợt tăng lãi suất trước đem đến cho họ nhiều cơ hội, hiện nay có khá nhiều lý do để lo ngại, từ tranh chấp thương mại tới dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Theo Per Hammarlund, trưởng nhóm chiến lược các thị trường mới nổi, lạm phát do hàng hoá gây ra có thể đẩy nhanh tốc độ thắt chặt tiền tệ, gây tổn thất cho các thị trường mới nổi.

Tín dụng doanh nghiệp

Những công ty có mức xếp hạng tín dụng thấp đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, nhưng nếu những khoản vay dễ dàng biến mất và chi phí vay tăng lên, khoản nợ cần trả sẽ càng cao hơn.

Theo Peter Boockvar, tổng giám đốc đầu tư của Bleakley Financial Group, câu hỏi đặt ra là tình hình hiện nay sẽ kéo dài bao lâu. Mức nợ ngân hàng hiện tại của các công ty trong chỉ số S&P500 đang ở mức rất cao. Rõ ràng, mức nợ cao cùng lãi suất tăng không phải là tổ hợp tốt nhất.

Matt Maley, chiến lược gia cổ phiếu tại Miller Tabak & Co., cũng cho rằng mức độ đòn bẩy của nhà đầu tư cũng là một nguy cơ. Khi lãi suất tăng, người cho vay sẽ tăng chi phí trong các tài khoản ký quỹ. Nợ trong các tài khoản ký quỹ trên sàn NYSE đang ở mức cao kỷ lục. Dĩ nhiên, mức nợ chắc chắn sẽ tăng khi giá trị cổ phiếu (thường được dùng như tài sản thế chấp) tăng lên và hiện nợ ký quỹ chỉ tương đương khoảng 3% tổng vốn hoá thị trường NYSE. Tuy nhiên cũng chính vì lý do này mà mức độ đòn bẩy không thể được coi là công cụ tính toán thời gian suy thoái, thay vào đó, nó sẽ là áp lực đè nặng thị trường trong thời kỳ các nhà đầu tư cần bán tháo tài sản.

Đồng đô la Mỹ

Với USD, lãi suất tăng sẽ dần dần thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đối với đồng bạc xanh. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index hiện đang có chuỗi tăng bốn phiên liên tiếp tốt nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Neil Dutta, chuyên gia tại Renaissance Macro Research LLC, cho rằng lý do khiến đô la và lãi suất thực tăng là do triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế Mỹ so với thế giới. Thị trường cổ phiếu thích môi trường tăng trưởng mạnh, nhưng sức mạnh của đồng đô và lãi suất thực tăng sẽ khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn."

Trên thực tế, việc đồng đô tăng giá do lãi suất điều chỉnh lạm phát tăng cũng có thể là dấu hiệu tự điều tiết. Đồng bạc xanh được củng cố có thể gây áp lực cho giá hàng hoá; và giá dầu thô West Texas Intermediate tăng là động lực chủ chốt khiến lạm phát tăng.

Theo Quỳnh Mai

Cùng chuyên mục
XEM