Con đường thống trị nền tài chính thế giới của gia tộc Rothschild

09/04/2016 09:08 AM | Kinh doanh

Một số phác họa về câu chuyện thành lập đế chế ngân hàng quốc tế hùng mạnh của ông tổ Mayer Amschel Rothschild và các con trai.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có thể coi gia tộc Rothschild là những người đi tiên phong trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Mayer Amschel Rothschild – ông tổ của dòng họ Rothschild và là người đầu tiên trong gia đình mở ngân hàng – đã được Forbes bình chọn là người quyền lực thứ 7 trong mọi thời đại và cũng là người phát minh ra mô hình ngân hàng hiện đại. Nói 1 cách đơn giản, Mayer là người đã hiểu ra và sẵn sàng chi tiền để kiếm tiền.

Tuy nhiên, sự nổi lên quá nhanh chóng của gia tộc này cũng gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử. Chỉ cần tìm kiếm với cụm từ “Rothschild family’’ trên Google, bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều giả thiết xung quanh cách thức để đạt được sự giàu có, mối quan hệ rộng khắp cũng như ảnh hưởng của gia tộc này đối với các sự kiện lớn của thế giới.

Chứng kiến sự hùng mạnh của gia tộc này, chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tương tự như William Langley (cây bút của tờ Telegraph): làm cách nào mà một gia đình đã nổi lên một cách quá nhanh chóng và trở thành những người đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại, thâu tóm quyền lực chính trị và trở thành “gia tộc giàu có nhất mọi thời đại” ?

Dưới đây là một số phác họa về câu chuyện thành lập nên đế chế ngân hàng quốc tế hùng mạnh của ông tổ Mayer Amschel Rothschild và các con trai.

Mayer Amschel Rothschild sinh năm 1744 tại một khu dân cư của người Do thái ở Frankfurt. Với tên gọi “Phố Do thái” (Judengasse), đây là khu dân cư nổi tiếng ở Đức cũng như toàn châu Âu. Ông sống trong ngôi nhà này cùng với 30 người họ hàng khác với điều kiện hết sức chật hẹp và tù túng. Hơn nữa, vào thời điểm đó, địa vị xã hội của người Do Thái ở Franfurt luôn được coi là thấp kém, thường bị khinh rẻ. Những người Do Thái ở Frankfurt chỉ được ở tại Judengasse, không được phép sống ở bên ngoài.

Cha của Mayer, Amschel Moses, là một thương nhân buôn bán quần áo lụa và cũng là 1 người đổi tiền. Hoàng tử xứ Hesse cũng là người nằm trong danh sách khách hàng của ông. Tuy nhiên, Amschel không phải là 1 người giàu có bởi ông có dáng vẻ gầy gò và ăn mặc xoàng xĩnh.

Sau khi người cha qua đời khi ông chỉ mới 12 tuổi, Mayer tới Hanover để học về tài chính. Trong 1 bức thư, ông cũng tự nhận rằng ông là một người khá yếu về tổ chức vì không được học bất cứ điều gì về kinh doanh. Sau đó, ông theo học việc với Wolf Jakob Oppenheimer, người cung cấp các khoản tín dụng cho hoàng gia và tham gia cả vào giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là giao dịch vàng.

Giống như người cha của ông, Mayer cũng phục vụ hoàng tử William và kiếm sống bằng cách thu thập và trao đổi các đồng tiền hiếm. Ký giả Niall Ferguson cho rằng đây chính là bước đặt nền móng cho sự giàu có của nhà Rothschild.

Năm 1770, Mayer kết hôn với Gutle Schnapper và nhận được một lượng của hồi môn khá lớn. Hai người có 5 con trai và 5 con gái.

Mayer chuyển từ giao dịch tiền cổ sang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Ký giả Niall Ferguson đã mô tả đây là 1 diễn biến rất tự nhiên bởi thỉnh thoảng ông cũng cung cấp tín dụng cho khách hàng khi buôn bán tiền cổ. Tài sản của ông tăng từ 4.000 gulden (đồng tiền của Hà Lan) trong năm 1795 lên tới hơn 60.000 gulden vào năm 1796.

Tuy nhiên, ông quản lý hoạt động kinh doanh khá lỏng lẻo và do đó tài sản của ông trở thành mục tiêu của các nhân viên dưới quyền. Một nhân viên cấp dưới có tên Hirsh Liebmann đã biển thủ gần 30.000 gulden trong 3 năm do chế độ sổ sách của Mayer có nhiều lỗ hổng. Mayer thừa nhận cả ở nhà và ở văn phòng, người ta có thể dễ dàng lấy tiền của ông vì chúng không được cất giữ cẩn thận.

Các cuộc cách mạng (cả cách mạng dân tộc và cách mạng công nghệ) thực sự đem lại cho vận may cho Mayer. Trong suốt cách mạng Pháp, Mayer đã được hưởng lợi từ việc cung cấp tiền xu của Anh cho quân lính Áo. Ông cũng nhạy bén với cuộc cách mạng công nghiệp và trở thành nhà nhập khẩu hàng dệt may từ Anh với qui mô lớn.

Ông nhanh chóng mở rộng hoạt động ra châu Âu và trên toàn thế giới. Các con trai của ông được cử tới các thủ đô lớn của châu Âu để thành lập nhiều ngân hàng. Họ được ví như 5 mũi tên nhắm tới các trung tâm chính của châu Âu như Frankfurt, Naples, Vienna, Pháp và London. Đây cũng chính là bước khởi đầu đặt nền móng cho đế chế ngân hàng lớn mạnh trên toàn cầu của gia tộc Rothschild.

Lo sợ tài sản của gia đình sẽ bị phân tán bởi sự mở rộng qui mô thông qua hôn nhân, Mayer cấm không cho các con và cháu gái thừa kế trực tiếp của cải. Thậm chí, ông còn cho phép hôn nhân cùng huyết thống. Trên thực tế, 4 cháu gái của ông đã cưới người trong dòng họ và 1 người cưới chính người chú của mình.

Người con trai cả Amschel Rothschild đã ở lại Frankfurt để quản lý cơ ngơi mà cha để lại. Ông là người ít được biết đến trong số 5 anh em nhà Rothschild. Amschel qua đời năm 1855 và sau đó chi nhánh Frankfurt được giao lại cho các con trai của người em Carl Rothschild.

Carl Rothschild là người điều hành C M de Rothschild & Figili ở Naples. Tại đây, ông đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với gia đình đầy quyền lực de'Medici. Con gái của Carl là Charlotte kết hôn với Lionel – con trai của người em Nathan.

Salomon Rothschild thành lập S M von Rothschild ở Vienna. Salomon đóng vai trò chủ chốt trong việc cấp tín dụng cho tuyến đường sắt Nordbahn và cũng là một người rất say mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Salomon bị mất hết tài sản và còn trở thành mục tiêu công kích của dư luận trong suốt thời kỳ cách mạng năm 1848. Sau đó, ông phải chuyển ngân hàng cho con trai. Theo truyền thống gia đình, con gái Betty cưới người chú James Rothschild.

James Rothschild quản lý chi nhánh ở Paris, De Rothschild Frères. Nhờ vào mối quan hệ thân thiết với vua Louis Philippe, đây là 1 trong những chi nhánh thành công nhất của gia tộc Rothschild. Hiện nay, ngôi nhà nơi con cái của James lớn lên đã trở thành 1 phần của đại sứ quán Mỹ. James đã mua căn biệt thự Chateau Lafite tọa lạc ở vùng Bordeaux.

Nathan Rothschild là người con thành công nhất của gia tộc. Hoàng tử William của xứ Hesse – khách hàng của cả Amschel Moses và Mayer và cũng là người đã phong chức tước cho Mayer vào năm 1785.

Nathan thừa hưởng tính thiếu tổ chức từ người cha. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản quá trình leo lên đỉnh cao của ông. Sự nghiệp của Nathan bắt đầu phất lên từ năm 1806 và 5 năm sau ông thành lập N M Rothschild & Sons.

Người vợ của Nathan - Hannah Cohen – là con gái của một nhà buôn kim cương và cũng là đối tác làm ăn của Nathan. Cuộc hôn nhân này giúp đẩy mạnh các mối quan hệ kinh doanh và lợi nhuận của Nathan.

Nathan được hưởng lợi rất nhiều từ trận Waterloo. Một số người cho rằng ông là người đầu tiên biết tin về chiến thắng của công tước Wellington. Do biết tin trước, Nathan đã bán lượng lớn cổ phiếu để lừa người khác rằng nước Anh đã thua. Mọi người hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu. Sau đó, khi mọi thứ bình thường trở lại, Nathan bình thản mua vào cổ phiếu với mức giá đã sụt giảm mạnh và thu được khoản lợi nhuận khổng lồ.

Nathan cũng là người đi đầu trong chiến lược cho các chính phủ vay mượn trong thời chiến. Thủ thuật này được Nathan sử dụng lần đầu tiên khi ông tài trợ cho quân đội của công tước Wellington vào năm 1814. Đây cũng là khoản đầu tư giúp tài sản của nhà Rothschild bùng nổ. Từ mức 500.000 pound trong năm 1818, tài sản của gia tộc này đã tăng lên 4.330.333 chỉ trong 1 thập kỷ khi chiến lược này được áp dụng tại tất cả các chi nhánh của gia đình.

Nhà Rothschild nhanh chóng vươn ra châu Mỹ và thống trị nền tài chính toàn cầu. Ký giả Niall Ferguson đã mô tả sức mạnh của gia tộc Rothschild qua đoạn viết “trong suốt thế kỷ 19, N M Rothschild là ngân hàng lớn nhất thế giới – ngân hàng chi phối thị trường trái phiếu quốc tế. Để có thể tạo ra 1 ngân hàng với tầm cỡ tương đương N M Rothschil, bạn hãy tưởng tượng ra 1 định chế tài chính được tạo nên từ thương vụ sáp nhập bao gồm Merrill Lynch, Morgan Stanley, J P Morgan và thậm chí là cả Goldman Sachs. Vai trò của N M Rothschild trong việc ổn định nền tài chính toàn cầu thông qua hoạt động cho vay tới rất nhiều chính phủ khiến ngân hàng này có thể được so sánh với Quỹ tiền tệ quốc tế IMF”.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM