Cơn 'đói' thuốc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

20/11/2018 13:36 PM | Xã hội

Dù nền kinh tế phát triển nhưng vẫn còn một bộ phận rất lớn người dân Trung Quốc không đủ tiền mua các loại thuốc đắt đỏ, trong khi thuốc nội chưa đủ sức để điều trị bệnh cho người dân.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là thị trường số 1 toàn cầu. Trớ trêu thay, những người nghèo tại đây vẫn phải chật vật để tồn tại, nhất là với những người mắc bệnh hiểm nghèo. Hệ thống y tế nhiều bất cập của nước này đã khiến vô số người bệnh Trung Quốc phải tìm đường tự kiếm thuốc cho mình.

Cơn đói thuốc của nền kinh tế thứ 2 thế giới

Như thường ngày, anh Zhang Zhejun bắt đầu công việc chế thuốc của mình bằng cách dùng một ống hút nhựa đổ dược phẩm lên cân điện. Với những người tự chế thuốc tại gia như anh, việc đong đếm chính xác số lượng thành phần thuốc để cho vào viên nhộng là vô cùng quan trọng.

Dù không có kiến thức về dược phẩm, y tế cũng như kinh nghiệm nào về mảng này nhưng anh Zhang vẫn phải tự chế thuốc trong tuyệt vọng. Mẹ của anh Zhang bị ung thư phổi và bà cần loại thuốc đắt đến mức hệ thống y tế, bảo hiểm của Trung Quốc không thể giúp đỡ.

Cơn đói thuốc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.
Cơn đói thuốc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

Anh Zhang tự điều chế thuốc ung thư cho mẹ

Như một hệ quả tất yếu, anh Zhang quyết định tự mua nguyên liệu trên mạng về bào chế, dù anh chẳng rõ nguồn gốc của chúng thế nào và chất lượng ra sao. Dẫu sao thì có thuốc vẫn hơn là nhìn người mẹ của anh qua đời trong đau đớn.

"Chúng tôi không thể lựa chọn vì chẳng có cái quyền đó. Bạn sẽ phải trông chờ vào lương tâm của người bán", anh Zhang nghẹn ngào nói.

Câu chuyện thương tâm của anh Zhang chẳng có gì lạ tại Trung Quốc khi dân số nước này đang già đi nhanh chóng kèm theo bệnh ung thư và tiểu đường ngày một tăng. Dù kinh tế phát triển nhưng vẫn còn một bộ phận rất lớn người dân nước này không đủ tiền mua các loại thuốc đắt đỏ, trong khi thuốc nội chưa đủ sức để điều trị bệnh cho người dân.

Số liệu chính thức cho thấy bệnh tật là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình Trung Quốc vẫn phải sống dưới mức nghèo khổ. Tuy vậy, hành chính quan liêu và thủ tục rườm rà vẫn khiến các hãng thuốc nước ngoài nằm ngoài tầm với của hàng triệu bệnh nhân nghèo.

Tính đến tháng 10/2018, những công ty dược của Mỹ và châu Âu vẫn phải chờ thông qua những thủ tục đắt đỏ và rối rắm của Trung Quốc mới được phép bán tại một số địa phương. Thậm chí nhiều hãng dược nước ngoài phải khổ sở mới đòi được tiền thanh toán từ các công ty bảo hiểm.

Trong khoảng 2001-2006, Trung Quốc mới chỉ thông qua hơn 100 loại thuốc mới được phép lưu thông trên thị trường, chỉ bằng 1/3 so với tại các nước phát triển. Đối với một số loại dược phẩm, thậm chí tốn tới 6-7 năm mới được cấp phép, khiến các bệnh nhân hiểm nghèo như ung thư lâm vào cảnh sống còn.

Sau khi được cấp phép lưu thông, những loại thuốc này phải đàm phán với công ty bảo hiểm để được đưa vào danh sách hỗ trợ chi trả. Tuy nhiên các hãng bảo hiểm thì chẳng mặn mà mấy và công cuộc đàm phán này phải tốn hàng năm trời. Suốt từ năm 2009 đến 2016, chính phủ Trung Quốc chưa hề công bố số liệu về những thuốc mới được thêm vào gói bảo hiểm.

Thậm chí khi đã được bảo hiểm chi trả, nhiều người Trung Quốc cũng chẳng có tiền mua thuốc. Hệ quả để có thể sống sót, những người bệnh và người nhà của họ phải tìm chợ thuốc đen trên mạng, hoặc thậm chí tự chế thuốc như anh Zhang.

Trên thực tế việc khó tiếp cận với nguồn thuốc là thách thức không chỉ của riêng Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang gặp khó trong việc buộc các tập đoàn dược hạ giá thuốc để người nghèo có thể chữa bệnh. Tuy nhiên tại các nước Phương Tây, ít ra bệnh nhân có thể tìm đến những nguồn thuốc rẻ hơn ở Nga, Ấn Độ, Canada hay Mexico thì tại Trung Quốc, thu nhập thấp khiến họ gần như bất lực.

Cơn đói thuốc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 3.

Những viên thuốc nhập lậu từ Ấn Độ

Mẹ của anh Zhang, bà Yao Xianghua bị chẩn đoán ung thư vào năm 2011 nhưng loại thuốc ức chế ung thư lan rộng của Astra Zeneca dù đã được bảo hiểm hỗ trợ vẫn có giá gần 1.000 USD cho liều dùng mỗi tháng. Số tiền này quá lớn và gia đình anh Zhang chuyển sang mua thuốc lậu từ Ấn Độ. Tuy vậy cũng đến lúc thuốc của Astra Zeneca không còn tác dụng và anh Zhang quyết định lên mạng tìm cách chế thuốc cho mẹ sau nhiều đêm mất ngủ nghĩ cách.

Hàng tháng, anh tốn hơn 150 USD tiền mua nguyên liệu để chế thuốc Tagrisso, rồi đến loại WZ 4002, một loại thuốc được phát minh vào năm 2005 bởi Viện ung thư Dana Faber tại Boston-Mỹ nhưng chưa được Trung Quốc thông qua.

"Bạn chẳng thể biết tương lai của mình là vực sâu đen tối hay một con đường sáng mới. Nhưng cho dù thế nào bạn vẫn sẽ phải tiến lên phía trước bởi bạn chẳng thể ngừng lại nhìn người thân ra đi trong đau đớn", anh Zhang gạt nước mắt nói.

Tháng 10/2017, bà Yao qua đời do xuất huyết dạ dày và anh Zhang không rõ liệu nguyên nhân cái chết là do ung thư hay do chính loại thuốc mà anh tự chế.

Đi tù hay mất mạng?

Năm 2017, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ anh Hong Ruping tại nhà với những hộp thuốc chữa suy thận. Anh Hong, một bệnh nhân thất nghiệp phải chạy thận 3 lần mỗi tuần cho biết số thuốc này nhập từ Ấn Độ để anh chữa bệnh nhưng cảnh sát cho rằng số thuốc này bất hợp pháp và tịch thu chúng.

Sau đó, anh Hong vẫn nhận đều hàng tháng các loại thuốc chữa thận từ Ấn Độ và đương nhiên chúng không chỉ dành cho bản thân anh. Tại Trung Quốc, những người như anh Zhang là trung gian mua thuốc ngoại lậu để cung cấp cho những bệnh nhân không đủ tiền hoặc không thể mua thuốc theo đường chính ngạch.

Cơn đói thuốc tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 4.

Anh Hong với những hộp thuốc mua lậu từ Ấn Độ cho bệnh suy thận của mình

"Tôi bị bệnh và nếu họ muốn bắt tôi thì tôi cũng chẳng thể làm gì. Có điều gì khác nhau giữa việc phải đi tù và bị bệnh hiểm nghèo?", anh Hong ngậm ngùi nói.

Tại Trung Quốc, loại thuốc mà anh Hong cần có giá là 4.200 USD cho liệu trình 1 năm, cao gấp 10 lần loại thuốc anh mua lậu từ Ấn Độ. May mắn thay, nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử mà ngày nay nhiều người Trung Quốc có thể tìm nguồn thuốc lậu cho mình.

Mặc dù Trung Quốc thực hiện chính sách bảo hiểm toàn dân nhưng người bệnh phải trả tới 30% chi phí, cao hơn mức 10% tại Mỹ. Thậm chí một số thuốc hoặc dịch vụ không được bảo hiểm chi trả.

Chính bất cập này khiến hàng trăm triệu người Trung Quốc đang phải vật vã để sinh tồn. Số liệu chính thức cho thấy trong 3 quý đầu năm 2017, chi phí y tế bình quân đầu người tại Trung Quốc đã tăng 13,2% trong khi thu nhập khả dụng bình quân đầu người chỉ tăng 9,1%.

Thậm chí chính những chuyên gia y tế, bác sĩ cũng phân vân về việc liệu người bệnh có nên mua thuốc lậu hay không. Một bên là quy định của pháp luật, tiêu chuẩn chất lượng của dược phẩm và bên kia là sự sinh tồn của người bệnh.

"Tôi cảm thấy rất khó để đưa ra ý kiến thống nhất cho mọi trường hợp về việc có nên hay không mua thuốc lậu", Giám đốc Gordon Liu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế sức khỏe thuốc trường đại học Pekinh thừa nhận.

Bác sĩ Shen Lin, trưởng khoa ung thư dạ dày của PUCH cũng cho biết bà đã khuyến nghị một số bệnh nhân cân nhắc dùng thuốc lậu do họ không có khả năng tài chính tiếp tục điều trị bằng thuốc chính ngạch.

"Nếu họ tiếp tục mua thuốc chính ngạch, họ sẽ phá sản", bác sĩ Lin nói.

Số phận những người nghèo tự chế thuốc ung thư ở Trung Quốc.

AB

Cùng chuyên mục
XEM