"Con cá nhỏ" Mobiistar đã làm gì để tồn tại giữa đại dương toàn "cá mập" cỡ Samsung, Apple và Oppo?

28/07/2017 14:18 PM | Kinh doanh

Ra đời cùng thời với các dòng điện thoại Việt đời đầu như Q-Mobile, Viettel hay FPT Mobile nhưng đến nay, chỉ có Mobiistar vẫn “sống khỏe” và tung sản phẩm mới đều đặn.

Trong chương trình Cafe8 phát sóng độc quyền trên Fanpage CafeBiz, CEO Ngô Nguyên Kha đồng sáng lập thương hiệu Mobiistar đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình với thương hiệu Mobiistar cùng những thông tin về thị trường di động tại Việt Nam.

Anh Kha đến với lĩnh vực sản xuất điện thoại như một cái “duyên”, vì anh không học về công nghệ viễn thông mà được đào tạo thành thầy giáo dạy tiếng Anh.

Sau khi ra trường, anh có 9 năm làm việc tại công ty Ericsson Việt Nam cũng như công ty liên doanh Sony Ericsson. Tại đây anh Kha có cơ hội trải nghiệm hầu hết các vị trí liên quan đến điện thoại đi dộng, ngoại trừ quản lý tài chính.

“Tôi làm với tâm thế cho mình và ngày nào đó muốn làm gì đó của riêng mình trong lĩnh vực này”, CEO Mobiistar nhớ lại.

Tại thời điểm rời khỏi Sony Ericsson, Ngô Nguyên Kha nhận ra người Việt Nam phải bỏ ra quá nhiều tiền để mua điện thoại, trong khi thu nhập không cao. Đặc biệt giới lao động, công nhân hay sinh viên, họ phải “chắt chiu từng đồng” để mua một cái điện thoại mới.

“Tôi bắt đầu nghĩ phải làm sao để những người này tiếp cận công nghệ với mức giá phù hợp và từ những gì đã học hỏi được, tôi cho ra đời hãng điện thoại Mobistar”.

Để sống được trong thị trường các “ông lớn” đang thống trị bên cạnh sự tồn tại của nhiều hãng điện thoại Trung Quốc, Mobiistar xây dựng chiến lược là “chất lượng cao, phù hợp xu hướng, giá rẻ”. Ban đầu hãng tập trung vào dòng sản phẩm feature phone, điện thoại bàn phím cơ bản, nhưng có mức giá chỉ bằng một nửa sản phẩm tương tự của các thương hiệu lớn.

Sau này khi smartphone bắt đầu xuất hiện trên thị trường, Mobiistar cũng thực hiện bước “chuyển nhận thức” của người dùng, đối tác bằng sản phẩm presmart. Bản chất presmart vẫn là điện thoại cơ bản, không có kết nối Internet, nhưng có môi trường giả lập để người dùng chơi game và dùng một số ứng dụng.


CEO Ngô Nguyên Kha của Mobiistar

CEO Ngô Nguyên Kha của Mobiistar

Đến thời điểm năm 2012, phần mềm Android trở nên phổ biến và khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho máy điện thoại có thể chụp ảnh đẹp hơn, tốc độ cao hơn, màn hình lớn hơn… Mobiistar tiến vào giai đoạn sản xuất smartphone để đáp ứng nhu cầu người dùng.

“Tôi lấy ví dụ khi sinh viên, một bạn nào đó chỉ mua máy tầm 2 triệu nhưng giờ đi làm muốn mua máy 3 triệu, ngoài ra nhiều công ty sẵn sàng cho vay trả góp để người dùng mua máy nhiều tiền, vậy nên chúng tôi cũng phải đi theo hướng này”.

Điểm đặc biệt là dòng smartphone của Mobiistar luôn duy trì mức giá dưới 4 triệu đồng, với mục tiêu đem đến cho khách hàng sự tận hưởng nhiều hơn nhưng chi phí ít hơn.

Theo anh Kha, khi xu hướng smartphone tập trung vào camera và camera selfie thì Mobiistar đã kịp tung ra dòng Zumbo S2 và J2, được khách hàng phản hồi tốt và có doanh số bán cao.

Trong báo cáo gần đây của GfK, Mobiistart là thương hiệu Việt duy nhất nằm trong top 5 các điện thoại phổ biến trong nước, đứng sau Samsung, Oppo, Apple và thậm chí vượt những tên tuổi lớn như Sony hay HTC. Tính đến quý 3/2016 thị phần điện thoại Mobistar đã tăng từ 3,7% lên 5,2%.


Nguồn: GFK

Nguồn: GFK

Trong năm 2017, Mobiistar tiếp tục hướng đến mục tiêu ai cũng dễ dàng sở hữu smartphone chất lượng tốt, chụp ảnh đẹp với mức giá tầm trung trước khi chuẩn bị cho bước tiếp theo là sản xuất smartphone 4G giá rẻ.

Chia sẻ về giấc mơ từ “con cá nhỏ” trở thành “người khổng lồ”, CEO Ngô Nguyên Kha cho biết có nhiều gã khổng lồ cũng xuất phát từ những người tý hon, và ước mơ Mobiistart trở thành một người khổng lồ không phải là không nên đặt ra.

“Trong khoảng 5-10 năm nữa, tôi mong Mobiistar trở thành thương hiệu được chấp nhận rộng rãi tại Việt Nam và xuất hiện một số thị trường nước ngoài khác. Đó là giấc mơ đẹp không chỉ của cá nhân tôi mà còn của những khách hàng vẫn luôn ủng hộ chúng tôi”.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM